TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DNNVV TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, khủng hoảng kinh tế và sinh kế, hiện nay nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái nghiêm trọng, từ đó trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ trên quy mô lớn và quá trình toàn cầu hóa sẽ được điều chỉnh. Đại dịch làm cho thế giới có thể bước vào thời kỳ cạnh tranh, phòng ngừa và cảnh giác giữa các quốc gia.

Tại Việt Nam, nhờ các phản ứng kịp thời, khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, nên Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì được mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% năm 2020, dự kiến hồi phục vào năm 2021 lên mức 6,8% và duy trì mức 6,5% vào các năm sau (IMF, 2020).

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các DNNVV do các doanh nghiệp này thường dễ bị tổn thương do bộ đệm thanh khoản kém và khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế. Tại Việt Nam, có khoảng 97% các doanh nghiệp là DNNVV (trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm khoảng 65% số DNNVV và khu vực DNNVV đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước, 45% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (VCCI, 2019). Đặc biệt, các DNNVV liên quan nhiều đến các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như: nhà hàng, khách sạn và nghệ thuật và giải trí... Do đó, rủi ro thanh khoản và khả năng thanh toán của các doanh nghiệp này gia tăng, khiến cả việc làm và nợ của DNNVV gặp rủi ro. Theo một khảo sát hơn 10.000 DN trên cả nước vào đầu năm 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến các doanh nghiệp. Cụ thể: có tới 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết, doanh thu năm 2020 của họ bị giảm mạnh so với năm 2019. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ (chính là các DNNVV). Phần lớn các doanh nghiệp đều cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của doanh nghiệp (Thảo Chi, 2021).

Trong khi đó, theo báo cáo “Tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp tại Việt Nam: Khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19” của WB (2020), có khoảng 50% số doanh nghiệp nhỏ và hơn 40% doanh nghiệp vừa phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngược lại, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp lớn phải đóng cửa trong tháng cách ly toàn xã hội.

CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CỦA CHÍNH PHỦ

Hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19
DNNVV chưa thực sự linh hoạt chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ nói chung

Với tầm quan trọng của DNNVV và dưới những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đem lại, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Theo đó, bên cạnh những chính sách nhằm hỗ trợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV đã được ban hành, ngay từ những diễn biến đầu tiên của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo đưa ra các gói hỗ trợ, chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cú sốc Covid-19. Sự điều hành kịp thời của Chính phủ, thể hiện ở các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hướng đến sự phát triển bền vững qua Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đặc biệt là trong “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 - đây là chính sách hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Hỗ trợ tín dụng cho DNNVV

Đặc biệt, đối với việc hỗ trợ tín dụng cho DNNVV trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các DNNVV, góp phần giảm thiểu những tác động từ dịch Covid-19, hỗ trợ đạt được mục tiêu kép của Chính phủ, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách tín dụng gồm tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp, ban hành chính sách và các giải pháp hỗ trợ, ưu tiên... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể:

NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; Chỉ thị số 02/CT-NHNN, ngày 31/3/2020 chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh.

NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN, ngày 31/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN, ngày 05/12/2013 ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN. Thông tư này điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 01/4 đến ngày 31/12/2020, nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm phí thanh toán đối với khách hàng; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành ngân hàng còn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để trả lương ngừng việc cho người lao động, theo đó, NHNN đã ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg, ngày 19/10/2020, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020; Thông tư số 05/2020/TT-NHNN, ngày 07/5/2020, Thông tư số 12/2020/TT-NHNN, ngày 11/11/2020 quy định về tái cấp vốn đối với NHCSXH; Quyết định số 9251/QĐ-NHNN, ngày 13/5/2020 về việc tái cấp vốn đối với NHCSXH.

Hiện nay, DNNVV được bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của NHNN. Trên cơ sở xác định DNNVV là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong việc cấp tín dụng, NHNN tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này, như: Điều hành lãi suất chính sách giảm đáng kể (từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã chủ động 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành), trong đó, lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV với tổng mức giảm là 1,5%/năm, hiện nay còn 4,5%/năm; Tiếp tục quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường.

Ngoài ra, hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của các khách hàng trong lĩnh vực này. Chẳng hạn: (i) BIDV triển khai Gói tín dụng ngắn hạn tri ân DNNVV là khách hàng VIP và phát triển quan hệ với DNNVV là khách hàng mới có tiềm năng phát triển, gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh dành cho DNNVV...; (ii) ACB triển khai các chương trình, gói tín dụng đối với DNNVV như: Chương trình ưu đãi "Vững bước thành công", Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn dành cho khách hàng DNNVV...; (iii) VPB cũng triển khai Chương trình cấp tín dụng dành cho khách hàng DNNVV không có tài sản đảm bảo, cấp tín dụng đối với doanh nghiệp có chủ là phụ nữ, chương trình ưu đãi xuất - nhập khẩu...

NHNN cũng tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp, đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Kết quả đạt được

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, theo NHNN, năm 2020, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019, trong đó tín dụng đối với DNNVV tăng 11%, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, năm 2020, tổng phương tiện thanh toán (M2) đã tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019.

Cũng theo NHNN, trong năm 2020, NHNN đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhờ đó, tính đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 270.000 khách hàng với dư nợ 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 590.000 khách hàng với dư nợ gần 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ năm 2020 đạt 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Một số hạn chế, khó khăn

Thời gian qua, mặc dù ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, do một số khó khăn, hạn chế đã làm ảnh hưởng việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cụ thể:

Một là, tác động bất lợi từ dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới và trong nước còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, nhiều khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hai là, các DNNVV chưa thực sự linh hoạt chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh, dẫn tới khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.

Ba là, một số doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bốn là, nguồn lực hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là từ tiết kiệm chi phí của các tổ chức tín dụng; chưa có sự hỗ trợ của ngân sách cho các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện nguồn lực từ các tổ chức tín dụng còn hạn chế, thì quy mô của các chương trình hỗ trợ của hệ thống ngân hàng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng trong nền kinh tế.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Nhằm hỗ trợ tín dụng DNNVV trong thời gian tới một cách hiệu quả hơn nữa, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía NHNN:

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khôi phục kinh tế sau dịch.

- Điều hành đồng bộ, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt công cụ nghiệp vụ thị trường mở nhằm tạo thanh khoản thuận lợi cho các tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; linh hoạt điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp phù hợp tình hình thực tế; điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, ổn định thị trường.

- Tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của ngành ngân hàng năm 2021 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

- Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ tối đa với khách hàng vay vốn; Đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

- Có chính sách truyền thông, phổ biến các chương trình hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV để tiếp cận thông tin kịp thời của các chương trình hỗ trợ; tăng cường tín dụng như chia sẻ rủi ro và bảo lãnh, để cung cấp cho doanh nghiệp nguồn vốn cần thiết nhằm triển khai nâng cấp công nghệ và phát triển sản phẩm mới.

- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV.

Về phía các DNNVV:

- Các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV cần thực hiện đúng các cam kết với tổ chức tín dụng; thực hiện minh bạch về thông tin tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.

- Để hỗ trợ việc nâng cấp công nghệ và tìm kiếm phương thức mới về thu hút khách hàng, cần có thêm các hỗ trợ như: dịch vụ phát triển kinh doanh, đào tạo người lao động và nhà quản lý, và các chương trình viện trợ… Điều này đặc biệt quan trọng đối với DNNVV - vốn ít có khả năng điều chỉnh để thích ứng với thay đổi.

- Trong dài hạn, cần tập trung nỗ lực thích ứng và phục hồi với “trạng thái bình thường mới” thông qua: (i) Ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; (ii) Tăng hiệu quả được hưởng từ các hỗ trợ của Chính phủ, NHNN và bộ, ngành liên quan./,

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

2. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19

3. Chính phủ (2021). Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021

4. NHNN (2020). Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, ngày 28/12/2020

5. VCCI (2019). Báo cáo Môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ngày 7/5/2019

6. WB (2020). Tác động của Covid-19 đối với doanh nghiệp tại Việt Nam: Khảo sát nhanh về doanh nghiệp và Covid-19, Báo cáo số 1, tháng 9/2020

7. Thảo Chi (2021). Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, truy cập từ https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-kho-khan-639203/

8. IMF (2020). Global Financial Stability Report, October 2020: Bridge to Recovery

TS. Phạm Thị Thủy - Trường Đại học Lao động – Xã hội

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)