Mô hình thanh niên làm KTTT tại Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy hiệu quả
Những điển hình tiên tiến
HTX Dịch vụ chăn nuôi Ánh Dương: Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Vũ Trung Học là con cả trong một gia đình đông anh em. Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh Học đã chọn con đường lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2007, nhờ có chủ trương của UBND Thị trấn cho các hộ gia đình có nhu cầu mở rộng trang trại chăn nuôi tập trung đầu tư, cải tạo, nhằm giúp cho các hộ tăng thu nhập và đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường trong thôn, xóm, anh đoàn viên trẻ Vũ Trung Học đã được giao khoán cải tạo 4,5 ha đất để làm trang trại.
Anh Vũ Trung Học trong khu trang trại của gia đình
Bắt tay vào công việc cải tạo và xây dựng chuồng trại chăn nuôi, anh Học đã mở rộng đào 2,5 ha ao để thả cá, đất đào ao san thành nền làm mặt bằng bờ, đường làm lán trại, trồng cây ăn quả và nhà ở sinh thái… Tuy nhiên, để tăng cường chuyên môn hóa trong quản lý và điều hành khu trang trại, anh Vũ Trung Học đã hợp tác với một số người bạn thành lập HTX Dịch vụ chăn nuôi Ánh Dương để thuê đất, nuôi gà siêu trứng, với nguồn vốn, phương án sản xuất ban đầu được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc hỗ trợ, tư vấn.
Hiện nay, HTX của anh Vũ Trung Học đang chăn nuôi 6.000 con gà siêu trứng, 30 lợn nái sinh sản, cá chép, cá trắm, cá trôi, cá mè… Bên ngoài trang trại, anh Học còn kinh doanh nhà hàng sinh thái, bình quân doanh thu từ 450- 500 triệu đồng/năm. Đến nay, HTX Dịch vụ chăn nuôi Ánh Dương đã tạo điều kiện cho 12 thanh niên có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.
Ngoài tham gia phát triển kinh tế trang trại, anh Vũ Trung Học còn tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động đoàn, hội của Thị trấn. Anh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình cho các đoàn viên khác trong Tỉnh. Hiện nay, anh đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên với chăn nuôi trồng trọt của Thị trấn, Ủy viên Hội Liên hiệp Thanh niên thị trấn Thổ Tang, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ chăn nuôi Ánh Dương
Với những thành tích trên, năm 2011, anh Vũ Trung Học đã vinh dự được Trung ương Đoàn trao giải thưởng cao quý cho nhà nông trẻ, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm và nhiều giải thưởng cao quý khác.
HTX Dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến rắn của thanh niên huyện Vĩnh Sơn: Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc có truyền thống lâu đời về nghề nuôi rắn. Năm 1979, trại rắn giống đã được xây dựng, song vẫn không tập trung được các hộ sản xuất và chăn nuôi, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và sản xuất chế biến của địa phương gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ tình hình đó, đồng thời với mong muốn tập hợp các đoàn viên thanh niên trên địa bàn, Xã đoàn Vĩnh Sơn đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến rắn Vĩnh Sơn. Đoàn viên, thanh niên tham gia HTX có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nuôi và chế biến sản phẩm về rắn. Vì vậy, từ khi mới thành lập đến nay, HTX đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều đoàn viên, thanh niên và thu hút được họ tham gia.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HTX luôn chú trọng tới việc mở rộng sản xuất, tăng vốn, đầu tư kỹ thuật, trang thiết bị, lắp đặt dây chuyền sản xuất đóng chai rượu, dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn tổng hợp cho rắn, đề cao tinh thần làm chủ của đoàn viên, thanh niên, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ thuật cho các thành viên trong HTX. Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, HTX Dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến rắn Vĩnh Sơn luôn coi trọng việc mở rộng thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, kết hợp với các tổ chức khoa học, để tiếp tục nghiên cứu cách chế biến ra các sản phẩm hữu ích, mang lại hiệu quả cao từ con rắn.
Theo đó, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến rắn thanh niên Vĩnh Sơn liên tục được tăng cao cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi năm HTX nuôi khoảng 15 đến 16 nghìn con rắn, xuất bán trên 10 vạn trứng, chế biến từ 50 đến 70 bình rượu rắn..
Qua sản xuất, kinh doanh, HTX dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và chế biến rắn thanh niên Vĩnh Sơn đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 20 người lao động. Đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho xã viên và người dân địa phương khi có nhu cầu, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói giảm nghèo của Tỉnh.
Để nhân rộng những mô hình tiêu biểu
Các mô hình THT, HTX thanh niên trong Tỉnh đã và đang khẳng định được đây là hướng đi đúng đắn trong thu hút và tập hợp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế của địa phương. Theo đó, để tiếp tục nhân rộng các mô hình THT, HTX, trong thời gian tới, các cơ sở đoàn trong Tỉnh cần:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thành niên, chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò và ý nghĩa của mô hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Cùng với đó, tích cực giới thiệu các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các chính sách có liên quan, nhằm giúp đoàn viên, thanh niên nắm rõ khung pháp luật của các mô hình này, từ đó có những hướng phát triển phù hợp.
Thứ hai, cần tăng cường hỗ trợ, tư vấn, phổ biến thông tin, đổi mới công tác hướng nghiệp và giải quyết việc làm, tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ về tài chính tín dụng, nhằm đảm bảo vốn sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các THT, HTX thanh niên trong Tỉnh phát triển.
Thứ ba, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ điều hành và quản lý các THT, HTX, trong đó, việc đào tạo cần tiến hành đồng bộ từ khâu tuyển chọn, đào tạo, sử dụng đến khâu bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Thứ tư, các cơ sở đoàn cũng cần tiếp tục phát triển rộng rãi các mô hình kinh tế thanh niên hiệu quả, tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các THT, HTX thanh niên hiện có và mới thành lập./.
Bình luận