THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU HÀNG NÔNG SẢN CHỦ LỰC Ở TỈNH ĐẮK NÔNG

Những kết quả đạt được

Cà phê

Về sản xuất cà phê xuất khẩu

Cà phê là cây công nghiệp lâu năm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của Tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, năm 2020, diện tích trồng cà phê của Tỉnh đạt 130.535 ha (diện tích cho sản phẩm đạt 89,46%), chiếm gần 40% diện tích nông nghiệp của Tỉnh và 21% diện tích cà phê của cả Tây Nguyên.

Một số giải pháp nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu chủ lực ở tỉnh Đắk Nông hiện nay
Cà phê là cây công nghiệp lâu năm và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông

Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2016-2020, diện tích và sản lượng cà phê của Tỉnh có xu hướng tăng. Trong đó, diện tích trồng cà phê vối là chủ yếu, chiếm 99,5%, năng suất trung bình đạt 2,58 tấn/ha. Sản lượng thu hoạch cà phê vối tăng từ 250.707 tấn năm 2016 lên 280.260 tấn năm 2020. Hiện nay, trên 80% diện tích cà phê của Tỉnh được tái canh, ghép cải tạo, trồng thay thế, trồng mới bằng các dòng cà phê vối chọn lọc cho năng suất cao, sản phẩm cấp hạt tốt (như: TR4, TR9, TR11, TR12, TRS...). Trong đó, diện tích cà phê tái canh là 20.533 ha; diện tích cà phê bền vững được chứng nhận khoảng 15.054 ha; diện tích cà phê trồng xen canh là 24.555 ha; cà phê chứng nhận VietGAP là 34 ha; cà phê chứng nhận hữu cơ là 70 ha; cà phê chứng nhận 4C, UTZ là 12.350,33 ha [2]. Các mô hình trồng cà phê theo tiêu chuẩn cho năng suất, sản lượng cao hơn so với trồng đại trà. Cụ thể, năng suất bình quân trước khi tái canh đạt 2,4 tấn/ha, sau khi tái canh bằng cây thực sinh, năng suất trung bình đạt 3,0-3,5 tấn/ha; cà phê ghép cải tạo đạt trung bình 3,5-4,0 tấn/ha; có một số vườn sau khi tái canh, ghép cải tạo năng suất trung bình đạt 4,5-5,0 tấn/ha [1].

Bảng 1: Kết quả sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020

Đơn vị

2016

2017

2018

2019

2020

Diện tích trồng

ha

123.568

127.452

129.546

129.225

130.535

Diện tích cho sản phẩm

ha

103.757

109.575

115.067

116.134

116.775

Năng suất

tấn/ha

26,41

28,30

24,42

25,87

24

Diện tích tái canh

ha

6.356

6.658

2.181

1.736

3.602

Sản lượng thu hoạch

tấn

250.707

267.499

280.974

300.440

280.260

Nguồn: Tổng hợp từ UBND tỉnh Đắk Nông (2019), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (2020)

Về hình thức tổ chức chế biến cà phê xuất khẩu

Thời gian qua, doanh nghiệp chế biến và các hộ trồng cà phê trên địa bàn Tỉnh đã dần chú trọng đầu tư công nghệ vào chăm sóc, thu hoạch và chế biến (chế biến ướt và chế biến khô) cà phê nhân, cà phê bột. Các cơ sở chế biến ngày càng được mở rộng. Tỉnh hiện có 74 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 24 cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp và 50 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với sản lượng khoảng 70 tấn sản phẩm/năm. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã đã liên kết với các hộ trồng cà phê chế biến sâu với diện tích là 1.503 ha, chiếm 1,16% tổng diện tích cà phê hiện có. Nhìn chung, năng suất, chất lượng cà phê của tỉnh Đắk Nông đang dần được nâng cao và Tỉnh có 4 nhãn hiệu sản phẩm cà phê được xây dựng thương hiệu (của Hơp tác xã Công Bằng, Công ty TNHH Hoàng Phát, Cà phê Đắk Mil, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Bazan) [4].

Về hoạt động xuất khẩu cà phê

Biểu đồ cho thấy, giai đoạn 2016-2020, cà phê xuất khẩu của Tỉnh đạt sản lượng bình quân khoảng 125 nghìn tấn/năm, với giá trị bình quân 193.770 nghìn USD. Trong đó, từ năm 2016 đến 2019, sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê tăng lên hàng năm: năm 2019, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 173.747 tấn, tăng 59.844 tấn so với năm 2016 (tăng 52,54%), chiếm tỷ trọng 10,55% của cả nước; giá trị xuất khẩu đạt 277,903 triệu USD, tăng 82,48 triệu USD so với năm 2016 (tăng 42,20%), chiếm tỷ trọng gần 10% cả nước. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá cà phê xuất khẩu trên thị trường thế giới có nhiều biến động và nhu cầu tiêu thụ giảm, nên sản lượng cà phê xuất khẩu của Tỉnh cũng ảnh hưởng, giảm 72.634 tấn so với năm 2019 (giảm tương đương 41,80% sản lượng so với năm 2019); giá trị xuất khẩu đạt 152,632 triệu USD, giảm 125,271 triệu USD so với năm 2019 (giảm 45%).

Biểu đồ: Sản lượng và giá trị xuất khẩu cà phê tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020

Một số giải pháp nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu chủ lực ở tỉnh Đắk Nông hiện nay

- Về thị trường cà phê xuất khẩu

Sản phẩm cà phê của Đắk Nông đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới. Các thị trường chủ yếu, gồm: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia… Trong đó, Singapore là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Đắk Nông với kim ngạch 108,632 triệu USD năm 2020 (chiếm 71,17% giá trị xuất khẩu cà phê của Tỉnh), tiếp đó là thị trường Đức với kim ngạch 9,222 triệu USD (chiếm 6,04%). Đối với cà phê hòa tan, hiện nay Tỉnh xuất khẩu đến 12 thị trường, trong đó Israel và Ấn Độ là 2 thị trường lớn nhất với kim ngạch lần lượt đạt 9,157 triệu USD và 6,868 triệu USD [3].

Hồ tiêu

Về tình hình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu

Bảng 3 cho thấy, diện tích trồng hồ tiêu của Tỉnh đều mở rộng qua các năm. Tính đến năm 2020, Tỉnh có gần 35.000 ha trồng hồ tiêu, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016. Năng suất hồ tiêu bình quân đạt 23,60 tạ/ha và sản lượng đạt 44.750 tấn, tăng hơn 2 lần so với năm 2016. Hiện nay, các hộ dân đang dần chuyển đổi diện tích sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững, đặc biệt là ở Tuy Đức, Đắk Song, Đắk R’lấp. Trong đó, diện tích các mô hình sản xuất hồ tiêu được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 296 ha, chứng nhận hữu cơ là 310 ha, chứng nhận Rainforest Alliance là 1.121 ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, 2020). Đặc biệt, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng các biện pháp sinh học cho cây hồ tiêu đã được triển khai ở một số hộ trồng hồ tiêu nên năng suất, chất lượng ngày được nâng lên. Cùng với sự tăng lên về diện tích và sản lượng, thì sản phẩm hồ tiêu đã có 4 nhãn hiệu được xây dựng, đó là sản phẩm hồ tiêu của Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong, Trang trại Thiên Nhiên, Doanh nghiệp tư nhân Trần Gia. Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý sản phẩm hồ tiêu huyện Đắk Song cũng đang được xây dựng.

Trên địa bàn Tỉnh hiện có 2 nhà máy chế biến tiêu xuất khẩu tại huyện Đắk Song, đó là Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu và Công ty Cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao. Công suất mỗi nhà máy đạt trên 10.000 tấn sản phẩm/năm [4].

Bảng 3: Kết quả sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

Đơn vị

2016

2017

2018

2019

2020

Diện tích

ha

16.350

27.899

32.902

34.552

34.957

Trồng mới

ha

2.905

11.535

6.007

2.618

3.041

Năng suất

tạ/ha

23

29,69

23,50

21,37

20,48

Sản lượng

tấn

22.207

34.093

38.302

42.227

44.750

Sản lượng xuất khẩu

tấn

14.503

15.805

3.267

10.899

1.934

Giá trị xuất khẩu

triệu USD

132,793

99,795

21,806

15,676

5,474

Nguồn: Tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (2020), Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông (2020)

Về tình hình hoạt động xuất khẩu hồ tiêu

Giai đoạn 2016-2020, sản lượng, giá trị hồ tiêu xuất khẩu của Tỉnh có nhiều biến động. Trong đó, các năm 2018 và 2019, hiện tượng mưa lớn kéo dài nhiều tháng khiến 6.651 ha diện tích hồ tiêu (khoảng 19,2 % diện tích trồng hồ tiêu toàn tỉnh) chết, sản lượng và giá tiêu đều giảm liên tục (chỉ bằng 1/4 năm 2016), nên giá trị xuất khẩu năm cũng giảm đáng kể. Đến năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Tỉnh đạt thấp nhất 1.934 tấn với giá trị 5,474 triệu USD (Bảng 3).

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tiêu đen tại 3 thị trường: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, nhưng không ổn định. Các năm từ 2016 đến 2018, hơn 99% sản lượng và giá trị xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Singapore; thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ nhỏ, khoảng 1% giá trị xuất khẩu và sản lượng. Nhưng đến giai đoạn 2019-2020, thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Tỉnh chủ yếu là Hàn Quốc: năm 2019, sản lượng xuất khẩu đạt 6.487 tấn, đạt giá trị 15,639 triệu USD; năm 2020 sản lượng xuất khẩu 1.784 tấn, đạt giá trị 5,174 triệu USD [3].

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông cũng còn một số hạn chế sau:

Một là, hình thức, quy mô sản xuất đối với cây cà phê và hồ tiêu trên địa bàn Tỉnh chủ yếu là hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, diện tích trồng chưa gắn với vùng nguyên liệu, quy hoạch nên thiếu tính bền vững. Đó là chưa kể, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, sâu bệnh diễn ra diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất từ năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2018, người dân mở rộng diện tích trồng hồ tiêu quá nhanh, sử dụng giống không đảm bảo chất lượng và trồng trên những vùng đất đã nhiễm sâu bệnh chưa được xử lý đất triệt để, nên diện tích hồ tiêu bị chết năm 2018-2019 lên tới 6.651 ha, chiếm 19,2% diện tích trồng hồ tiêu toàn Tỉnh (34.552 ha) [5].

Hai là, ý thức, trình độ chuyên môn của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, mà chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa tích cực tham gia vào các chuỗi liên kết. Trong một số dự án hợp tác, các thành viên tham gia liên kết chưa thực hiện đúng cam kết theo các nội dung hợp đồng. Hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ, đổi mới hệ thống canh tác chậm, nên người nông dân khó tiếp cận, đặc biệt là thiếu nguồn lực để đầu tư ban đầu.

Ba là, ứng dụng công nghệ cao đối với các cây trồng chủ lực chưa thật sự mạnh mẽ. Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hộ nông dân; quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật mới dừng lại ở mô hình trình diễn, tỷ lệ áp dụng chưa cao. Đổi mới, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến phát triển chậm. Đáng chú ý là, cà phê xuất khẩu chủ yếu chế biến theo phương pháp khô, chiếm tới 70%-80%, nông dân tự phơi/sấy và trang bị máy xay xát [4]. Công nghệ chế biến cà phê nhân, cà phê bột lạc hậu, chủ yếu là công nghệ thủ công và bán tự động. Trong khi đó, sản phẩm hồ tiêu thu hoạch chủ yếu được thực hiện tại nông hộ thông qua phơi nắng tự nhiên, nên chất lượng tiêu vẫn còn hạn chế.

Bốn là, việc thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn. Thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn tổ chức liên kết sản xuất và thu mua, bao tiêu sản phẩm, nên chưa khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất.

Năm là, các hoạt động thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu chủ lực còn nhiều hạn chế, như: xây dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý còn chậm; chưa đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ ngành hàng chưa được liên tục. Đắk Nông có cà phê Robusta với mùi vị và hương thơm đặc trưng, nhưng thương hiệu này lại chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, dẫn tới khó khăn trong tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu trực tiếp cho sản phẩm cà phê đặc sản.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu chủ lực ở tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền và đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất hàng nông sản theo chuỗi giá trị

Sản xuất cà phê và hồ tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, thiên tai, dịch bệnh và chịu tác động rất lớn từ biến động thị trường xuất khẩu. Vì vậy, Tỉnh cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nông hộ sản xuất gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Hướng dẫn nông hộ áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C, Rainforest Allan và các chứng chỉ khác... nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hai loại nông sản xuất khẩu chủ lực này.

Đồng thời, phát triển đa dạng hình thức sản xuất các sản phẩm chủ lực với quy mô lớn, tập trung. Nhân rộng mô hình trồng xen canh đa dạng nhiều sản phẩm phù hợp với khí hậu, độ màu mỡ đất đai nhằm hạn chế rủi ro khi thời tiết bất thường, sự biến động giá cả và thị trường xuất khẩu hàng nông sản.

Thứ hai, tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với hộ nông dân sản xuất hàng nông sản theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ

Tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu với hộ nông dân theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra từ khâu tạo giống, chọn giống cà phê, hồ tiêu đến quá trình trồng trọt (cung cấp, quản lý vật tư đầu vào, áp dụng cơ giới hóa, sử dụng phân bón, sử dụng nguồn nước sạch và tiết kiệm, trồng xen canh phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu). Cùng với đó, cần đảm bảo giảm tổn thất sau thu hoạch (phơi sấy, bảo quản, tích trữ và chế biến) nhằm tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cà phê, hồ tiêu theo chuỗi liên kết trên cơ sở phát triển các mô hình, vùng nguyên liệu tập trung đạt tiêu chuẩn chứng nhận trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu hàng nông sản chủ lực của Tỉnh.

Thứ ba, ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất

Cần đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng vào xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất hàng nông sản chủ lực của Tỉnh đến từng hộ, từng lô, thửa đất, giống cây trồng, độ tuổi. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm xác định các yếu tố phù hợp với khí hậu, đất đai, giống để có định hướng, hướng dẫn người dân chuyển đổi, xây dựng vùng sản xuất tập trung, hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng như Nhà nước và chính quyền địa phương cần sự liên kết, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại đến kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, các nhà máy chế biến nhằm đa dạng sản phẩm chế biến hàng nông sản, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.

Thứ tư, đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư và xây dựng thương hiệu đối với hàng nông sản xuất khẩu

Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các hiệp hội xuất khẩu hàng nông sản của Tỉnh để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, hội thảo quốc tế, các sàn giao dịch thương mai điện tử (Alibaba, Amazon…), cũng như xây dựng website cho sản phẩm cà phê, hồ tiêu của Tỉnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hồ tiêu cần nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cho hàng nông sản xuất khẩu từ các phương thức thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các sở giao dịch hàng hóa theo hợp đồng kỳ hạn.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, nên giá cả hàng nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, nông dân chủ yếu bán cho các đại lý, doanh nghiệp nhỏ, bị thương lái ép giá; chỉ có một số ít doanh nghiệp có thương hiệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu để nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê, hồ tiêu Đắk Nông.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư vào phát triển sản xuất hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trên địa bàn Tỉnh

Trên cơ sở nguồn vốn từ các nhà tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, tái canh cà phê, hồ tiêu bền vững, VnSAT…, cần phát huy tối đa để xây dựng các công trình hạ tầng, các vườn giống, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm… phục vụ cho sản xuất có hiệu quả. Tỉnh cũng cần tiếp tục xây dựng, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia làm đầu mối liên kết, hỗ trợ nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị cây cà phê và hồ tiêu trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đắk Lắk (2020). Tài liệu Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao, tháng 12/2020

2. UBND tỉnh Đắk Nông (2019). Tình hình tái canh và sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tham luận Hội nghị Đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng trong thời gian tới, ngày 31/10/2019

3. Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông (2020). Báo cáo tình hình xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông các năm từ 2016 đến 2020

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (2021). Báo cáo thực trạng các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản trên địa bàn tỉnh và sự cần thiết ban hành Chương trình của Tỉnh ủy về phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ ngành hàng nông sản đáp ứng chuỗi liên kết giá trị gia tăng trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2011-2025

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (2020). Báo cáo thực trạng và định hướng phát triển cà phê, hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông

TS. Lê Thị Thanh Huyền

TS. Đỗ Văn Nhân

Học viện Chính trị Khu vực III

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 27, tháng 9/2021)