Năm 2020, TP. Hà Nội phấn đấu 50%-60% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả
Theo kế hoạch, năm 2020, Thành phố sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển của liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi nhằm tác động trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của các thành phần kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong sự phát triển chung của Thành phố, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Năm 2020, Hà Nội sẽ tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 50 hợp tác xã trở lên, 01 đến 02 liên hiệp hợp tác xã, vận động thành lập mới 100 tổ hợp tác.
Thành phố cũng sẽ chủ động nắm bắt tình hình; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể ứng phó với dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi hết dịch bệnh. Phát triển đa dạng các loại hình tập thể, nòng cốt là hợp tác xã gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Mục tiêu cụ thể là tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 50 hợp tác xã trở lên, 01 đến 02 liên hiệp hợp tác xã, vận động thành lập mới 100 tổ hợp tác. Các quỹ tín dụng nhân dân, nguồn vốn huy động tăng bình quân 10%-12%, dư nợ cho vay tăng bình quân 8%-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ. Số hợp tác xã hoạt động hiệu quả từ 50%-60%; xây dựng ít nhất 3 mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Rà soát, tiến hành giải thể tự nguyện, bắt buộc hoặc hướng dẫn chuyển đổi sang loại hình khác hoạt động khác đối với 50 hợp tác xã đang ngừng hoạt động.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cùng với tiếp tục công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thành phố sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Cụ thể, giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, bố trí đủ biên chế theo dõi, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo vị trí việc làm. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về kinh tế tập, hợp tác xã...
UBND Thành phố cũng giao Liên minh Hợp tác xã Thành phố tiếp tục phát huy vai trò là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp tốt với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc tham mưu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, hỗ trợ củng cố các hợp tác xã hoạt động yếu kém; giải thể các hợp tác xã không hoạt động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Liên Hợp tác xã Thành phố phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến gắn với xây dựng hợp tác xã kiểu mới và chuỗi giá trị bền vững. Thông tin kịp thời tới các hợp tác xã các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, Thành phố. Chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác để kịp thời giải quyết.
Song song với triển khai thực hiện các nội dung trên, Liên minh Hợp tác xã Thành phố tổ chức Đại hội Liên minh Hợp tác xã Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổng kết, đánh giá Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 19/09/2013, của Thành ủy về thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/02/2013, của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thế giai đoạn đến năm 2020”; kịp thời nắm bắt ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể…/.
Bình luận