Phát triển KTTT đã trở thành chủ trương liên tục, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước
Theo số liệu tổng hợp, đến tháng 6/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, nhưng cả nước vẫn có thêm 2.000 hợp tác xã, thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Sáu tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới được 752 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế bao gồm những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước trên thế giới.
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ngày càng đóng góp nhiểu cho đất nước
"Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã có những đổi mới hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, người nông dân, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã", Phó Thủ tướng nói.
Kinh tế tập thể luôn được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích phát triển, trong đó đặc biệt là kinh tế hợp tác xã, coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
“Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương liên tục, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước, từ đó có nhiều chủ chương, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, trong đó có kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng chi biết.
Điều đó được thể hiện trong Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày18/03/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khẳng định rõ vai trò, vị trí quan trọng nòng cốt của kinh tế hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hàng loạt cơ chế, chính sách đối với kinh tế hợp tác xã đã được ban hành, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Luật Hợp tác xã năm 2003 và năm 2012 được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy và hoạt động quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ngày càng được kiện toàn, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp được xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định.
Kinh tế hợp tác xã phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã đã hoạt động từng bước có kết quả, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động; có đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc phát triển kinh tế tập thể nói chung và hợp tác xã còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với khu vực kinh tế khác (đặc biệt so với khu vực kinh tế tư nhân). Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hoạt động của các hợp tác xã còn đơn giản, ít hiệu quả, chưa thực sự là một tổ chức kinh tế để thực hiện các chức năng liên kết, cung ứng vốn, dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thực hiện tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sự tham gia liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi sản xuất còn yếu.
"Nhiều nơi còn hình thức, chưa lấy hiệu quả kinh tế làm động lực, thước đo để phát triển", Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Phó Thủ tướng, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phải hoàn thiện pháp luật về hợp tác xã, làm rõ nhiều vấn đề như tổ hợp tác. Một gia đình thành lập doanh nghiệp rất dễ, vậy tại sao nhiều hộ gia đình hợp tác để thành lập doanh nghiệp lại bỏ ngỏ.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đã đưa ra giải pháp “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ”.
Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung các giải pháp giáo dục, đào tạo, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể" và các văn bản pháp luật về hợp tác xã nhằm thống nhất nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên. Phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
“Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp, gắn với thực tiễn nhằm khuyến khích, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong Luật hợp tác xã; nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong các quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012; tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện vai trò nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; ổn định tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách tương đương như các bộ, ngành kinh tế có liên quan.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã; xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
"Hợp tác xã bảo đảm quyền lợi của các thành viên, nhưng cần hướng tới quản lý như doanh nghiệp để bảo đảm hiệu quả, tránh hình thức", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hợp tác xã cần gắn hiệu quả với năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động, kinh doanh cho các hợp tác xã, xúc tiến thương mại, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh; tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực hợp tác xã từ các tổ chức quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần chuẩn bị tích cực mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội Liên minh hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2020./.
Bình luận