HTX kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có sự thay đổi mới về bản chất so với các HTX kiểu cũ (thành lập và hoạt động trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung). Mô hình HTX kiểu mới có nhiều điểm khác biệt so với HTX kiểu cũ: (1) HTX kiểu mới là một đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên; (2) HTX phát triển trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong nông nghiệp, giao thông vận tải, tín dụng…Thành viên thực sự là vừa là chủ, vừa là khách hàng của HTX thông qua quy định góp vốn, sử dụng dịch vụ của HTX; (3) Quan hệ giữa HTX và thành viên là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất, kinh doanh; (4) Trong HTX kiểu mới, phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên. Thành viên càng sử dụng nhiều dịch vụ, thì hoạt động dịch vụ của HTX càng có khả năng mở rộng và tạo ra càng nhiều thu nhập cho HTX; (5) Việc tổ chức và hoạt động của HTX không bị giới hạn trong địa giới hành chính xã, phường, mà có thể trong phạm vi liên xã hoặc toàn huyện, tùy theo yêu cầu và năng lực thực tế.

Kinh tế tập thể hợp tác xã đang là khu vực kinh tế quan trọng

Sau khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua và Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/02/2013 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đặc biệt từ năm 2016 trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX; các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, vào cuộc, tập trung nỗ lực, cố gắng nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012 và Chỉ đạo của Bộ Chính trị; tổ chức triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các diễn đàn để hỗ trợ phát triển HTX[1], từ đó đã tạo ra “sân chơi” cho các HTX phát triển, đặc biệt là các HTX nông nghiệp.

Năm 2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25/9/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, trong đó, từng bộ, ngành, địa phương được giao các nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy HTX ngày càng phát triển. tiếp tục nhấn mạnh vai trò và vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Đến nay, phát triển KTTT nói chung và phát triển HTX nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định, cơ bản vượt qua yếu kém kéo dài, đóng vai trò quan trọng, ý nghĩa toàn toàn diện về kinh tế, chính trị - văn hóa - xã hội.

Về kinh tế

Đến hết năm 2020, cả nước có hơn 26 nghìn HTX; trong đó có gần 17,5 nghìn HTX nông nghiệp, hơn 8,6 nghìn HTX phi nông nghiệp; thu hút 6,1 triệu thành viên. Số HTX thành lập mới ước đạt gần 2,2 nghìn HTX. Doanh thu bình quân của một HTX thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/HTX, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên chiếm khoảng 60% doanh thu bình quân của một HTX; lãi bình quân của một HTX 314 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX đạt 51 triệu đồng/người; số lao động thường xuyên trong HTX ước là 1,133 triệu người.

So với năm 2011, tổng số HTX tăng khoảng 40%, trong đó, số HTX thành lập mới tăng gấp 443 lần; doanh thu bình quân của một HTX tăng khoảng 116%; lãi bình quân của một HTX tăng 101%; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng khoảng 160%.

Về đóng góp của khu vực HTX vào GDP cả nước: Đóng góp của khu vực HTX thể hiện qua 2 kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào tăng trưởng kinh tế và quan trọng hơn là đóng góp một phần gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên, kinh tế cá thể, hiện nay chưa thể tính toán cụ thể được. Theo đó, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước trung bình khoảng 3,9%/năm, trong khi đó, đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chiếm trên 30% GDP cả nước.

Thông qua các HTX, người dân liên kết, khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, nghề truyền thống, sản phẩm chủ lực của địa phương, cùng góp vốn, góp sức để tổ chức sản xuất, thực hiện các dịch vụ mà từng cá nhân đơn lẻ thực hiện không hiệu quả. Thực tế cho thấy, giữa hộ thành viên HTX so với hộ không phải là thành viên HTX về năng suất lao động không chênh nhau nhưng giá thành thì có sự chênh lệch rõ rệt. Các hộ thành viên HTX bán hàng với giá cao hơn các hộ không phải thành viên HTX khoảng trên 10%, chi phí sản xuất giảm khoảng 25%. Do vậy, thu nhập của hộ thành viên HTX cao hơn so với các hộ không phải thành viên HTX khoảng 30% (ở TP. Hồ Chí Minh là 35,7%), qua đó khẳng định vai trò quan trọng của HTX đối với nông dân. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX ngày càng trẻ hóa, có năng lực quản trị, tinh thần khởi nghiệp cao, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ cho thành viên HTX.

Khu vực HTX còn là hạt nhân quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. HTX tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; chất lượng tăng trưởng ổn định, khả năng tạo việc làm của khu vực này tăng mạnh; cải thiện chất lượng đời sống của thành viên, cộng đồng dân cư, hạn chế biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức…

Về chính trị - văn hóa - xã hội

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, khu vực HTX còn có vai trò rất quan trọng về chính trị, an sinh, xã hội tại cộng đồng. Trước hết, HTX là một kênh quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, với tinh thần “hợp tác” trong HTX, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong các thành viên nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung được phát huy; thành viên HTX mở rộng các sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống văn hóa. Phát triển HTX sẽ phát huy lan toả các giá trị tốt đẹp của HTX ra toàn xã hội, như: tính trung thực, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ý thức chăm lo cộng đồng…, có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Phát triển HTX góp phần phát triển văn hóa cộng đồng, củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua HTX, từng bước tăng cường tính dân chủ trong quản lý tổ chức KTTT nói riêng và trong đời sống dân cư địa bàn nói chung. Nhiều HTX tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng, như: giao thông, hệ thống điện, trường học, nhà trẻ, trạm y tế, kênh mương nội đồng… HTX tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là tiền đề quan trọng để thực hiện dân chủ hoá và nâng cao văn minh ở nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Tuy đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung khu vực HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế:

(i) Phong trào HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.

(ii) Một số HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể hoặc phá sản theo quy định; một số HTX hoạt động kém hiệu quả, còn hình thức, chưa đúng với bản chất HTX kiểu mới; khả năng huy động các nguồn lực từ thị trường, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

(iii) Số lượng HTX tổ chức, hoạt động quy mô lớn chưa nhiều. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Trong bối cảnh phát triển nhanh của xã hội về khoa học công nghệ; yêu cầu về chất lượng dịch vụ, sản phẩm ngày càng cao; sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt; chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi thường xuyên phải tiếp cận, cập nhật những tiến bộ của xã hội...; đồng thời, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và khó lường khiến HTX đối mặt với những thách thức lớn, sau:

Một là, về cạnh tranh. Các cam kết về hội nhập, tự do hóa thương mại hàng nông, lâm, thủy sản với các quốc gia, tổ chức thế giới được triển khai với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng cao càng làm môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Sản phẩm của các HTX sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm mới, kể cả sản phẩm nội địa và đặc biệt là sự xâm lấn của thị trường nước ngoài sau khi các hàng rào thuế quan dần được xoá bỏ theo các thoả thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh những rào cản về kỹ thuật, chất lượng, an toàn thực phẩm, thì vấn đề nguồn gốc xuất xứ đối với nông sản đang là vấn đề mà các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực khắc phục.

Hai là, đối với nguồn lao động trong HTX. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo là thách thức lớn thay thế ngồn lao động dồi dào trong các HTX. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo đột phá công nghệ, thay đổi cơ bản phương thức sản xuất; có thể tạo ra quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Điều này càng thôi thúc tiến trình đổi mới và sáng tạo đối với mô hình HTX kiểu mới, gắn với những tiến bộ về khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước đang phát triển trên thế giới đều phải đối mặt với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng được nhu cầu đặt ra từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Vấn đề đặt ra không chỉ với nền giáo dục Việt Nam mà của cả thế giới là làm thế nào để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Ba là, dễ bị tổn thương trước những tác động bên ngoài. Hội nhập làm gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường bên ngoài, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, bất thường và trở nên khó dự đoán. Do đó, yêu cầu về thay đổi phương thức sản xuất thiên hướng xanh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Điều này đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ công nghệ cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, khi không thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ. Trong quá trình hội nhập, đối với Việt Nam, có một số thách thức đáng kể liên quan đến tận dụng các cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại để thúc đẩy phát triển nông nghiệp do khả năng ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của Việt Nam rất hạn chế. Nếu không được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, thường xuyên, các HTX có thể càng bị tụt xa và không theo kịp nền kinh tế, không cạnh tranh được với những lĩnh vực, phương thức tổ chức kinh doanh mới.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN

Để giải quyết được những thách thức mà HTX đang và sẽ phải đối mặt, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp au:

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức về HTX: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới. Xây dựng và đưa nội dung giảng dạy về HTX vào trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và của các bộ, ngành. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng, tổng kết, kịp thời phổ biến các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến HTX hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách: Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012 và các luật liên quan; xây dựng kế hoạch/đề án phát triển HTX và chủ động cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX. Ứng dụng công nghệ vào xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về HTX trên toàn quốc. Xây dựng và công bố sách trắng về HTX; tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX hàng năm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển, HTX: Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về HTX thống nhất từ Trung ương đến địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật của HTX; hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HTX hoạt động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về HTX.

Thứ tư, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các HTX: Chỉ đạo, hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp HTX không đăng ký và tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, giải thể các HTX không hoạt động. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ có trình độ về công tác tại các HTX. Tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thứ năm, tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Củng cố tổ chức của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bảo đảm thống nhất về tổ chức và hoạt động. Tập trung tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ và người lao động trong toàn hệ thống và cán bộ quản lý HTX. Đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các trường đào tạo trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và đào tạo nghề cho thành viên phù hợp với điều kiện và tình hình mới.

Thứ sáu, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển HTX: Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân nắm rõ chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về HTX. Phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, thành viên tự nguyện tham gia phát triển HTX và thực hiện các quy định pháp luật về HTX.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển HTX: Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển HTX, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh. Tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX. Thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức HTX.

Hiện nay, nhận thức của chính quyền, người dân về tầm quan trọng của HTX đã từng bước được nâng lên, HTX đã trở thành mắc xích quan trọng trong thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là cầu nối giữa hộ gia đình và doanh nghiệp. Cùng với những tín hiệu mới đang tác động tích cực tới phong trào HTX, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, trong thời gian tới phong trào HTX ở nước ta sẽ phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam./.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 1/2021)

[1]Diễn đàn Kinh tế hợp tác năm 2019, Diễn đàn Kinh tế hợp tác năm 2020, Diễn đàn Pháp lý Liên minh HTX quốc tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Hội nghị Bộ trưởng HTX khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu…