Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, kinh tế số, doanh nghiệp số, thanh toán điện tử

Summary

As one of the emerging economies of Southeast Asia, Vietnam has huge potential for e-payments to flourish. The total transaction value of electronic payments in Vietnam is estimated to reach $15 billion in 2021 with an expected annual growth rate of 15.7% by 2025 (PWC Vietnam, 2021). The article analyzes the results achieved in the field of e-payment and the challenges ahead, thereby proposing some solutions to promote the development of e-payment in Vietnam in the coming time.

Keywords: cashless payment, digital economy, digital business, electronic payment

GIỚI THIỆU

Chuyển đổi sang nền kinh tế số là một tất yếu khách quan, mang tính cấp bách của Việt Nam trong quá trình tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Trong đó, phát triển công nghệ ngân hàng số, đặc biệt là phát triển thanh toán điện tử là trọng tâm của quá trình đó, bởi vì nó thúc đẩy chuyển đổi cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ công điện tử, thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế. Phát triển thanh toán điện tử có tốc độ phát triển rất nhanh và rộng trong thời gian gần đây là minh chứng thực tế về thành công trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đang đặt ra một số khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần phải có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG

Chính sách thúc đẩy TTKDTM

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong số các mục tiêu được đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử tại các ngân hàng đạt trên 50% số người trong độ tuổi trưởng thành.

Riêng về lĩnh vực thanh toán điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ; Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Nhiều bộ, ngành có liên quan cũng ban hành các văn bản cụ thể. Riêng về thực hiện Đề án 06, nổi bật đó là Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng như: chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều... Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, giúp ngành ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Kết quả đạt được

TTKDTM đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động tự do; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… tạo động lực cho các sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai. Theo báo cáo của NHNN, các chỉ tiêu, kết quả TTKDTM đạt được như sau:

(i) Tính đến tháng 6/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(ii) Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đến hết tháng 6/2023 đạt 74,63% tổng số người trong dộ tuổi lại động. TTKDTM đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng (tăng 89% về số lượng và 32% về giá trị) cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

(iii) Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%... Nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

(iv) Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; Qua kênh internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; Qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,71% về số lượng và 43,84% về giá trị; Tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán.

(v) So với cùng kỳ năm 2022, trong 6 tháng năm 2023, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; Số lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị.​ Đến cuối tháng 6/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022​.​ Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM.

(vi) Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh kết quả đạt được, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức như sau:

Thứ nhất, chính sách trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Trên thực tế, các chính sách về thanh toán điện tử ra đời chưa có đột phá đáng kể và chưa được luật hóa, nhiều quy định còn bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ thanh toán điện tử mới ra đời như: tiền ảo, tiền kỹ thuật số…, nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể. Chính vì vậy, hoạt động tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động thanh toán điện tử cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Thứ hai, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việt Nam là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt, do tỷ lệ bao gồm tài chính thấp, nơi hơn 70% dân số không thuộc hệ sinh thái ngân hàng, khả năng tiếp cận thông tin tài chính hạn chế. Chính vì vậy, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân và điều này trở nên phổ biến hơn ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay cả trong các giao dịch thương mại điện tử thì thanh toán điện tử vẫn còn ở mức thấp, đa phần người dân thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi thực hiện mua sắm trực tuyến và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Thứ ba, thiếu sự liên kết giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử, cũng như các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đều tự xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán mà chưa có sự liên kết, phối hợp và chia sẻ hạ tầng thanh toán với nhau. Điều này khiến cho cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán điện tử vừa thừa nhưng lại vừa thiếu, vừa lãng phí nhưng lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới, như: QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển, nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Bên cạnh đó, các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cũng chưa thiết lập được mối quan hệ bền chặt, rộng khắp. Tại nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán điện tử, dù họ có mong muốn thực hiện, có đủ kiến thức, kỹ năng và sở hữu các phương tiện thanh toán điện tử.

Thứ tư, rủi ro trong thanh toán điện tử đối với người mua, cụ thể là: (i) Khi thanh toán điện tử, khách hàng sẽ cần có internet kết nối với điện thoại để tiến hành thủ tục chi trả. Tuy nhiên, đôi khi mạng internet hoạt động không ổn định khiến giao dịch bị gián đoạn hoặc gặp sự cố đã trừ tiền, nhưng lại thông báo lỗi, khiến khách hàng lại tiếp tục thực hiện lần 2; Hệ thống thanh toán điện tử có thể bị tấn công bất cứ lúc nào nếu người dùng không có sự bảo mật tốt hay tuân theo các quy định bảo mật; Tình trạng viết nhầm lẫn số tiền chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hay ví điện tử hiện nay không hiếm. Đã có nhiều trường hợp thanh toán thừa số tiền cần trả hay chuyển khoản sai đối tượng; Người mua đã thanh toán điện tử, nhưng không nhận được hàng từ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh. Điều này xảy ra phổ biến khi đặt hàng và thanh toán online qua các kênh bán hàng, như: mạng xã hội, Zalo…

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Từ những nội dung phân tích ở trên, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn liền với chuyển đổi ngân hàng số, phát triển thanh toán điện tử, mở rộng TTKDTM đạt kết quả cao hơn nữa, tác giả có một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu sớm, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06. NHNN cũng cần khẩn trương rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan. Các quy định phải có hiệu quả trong phòng chống các hành động lừa đảo kinh doanh tiền tệ trên mạng bất hợp pháp; lừa đảo ăn cắp tiền của khách hàng, lừa đảo cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên mạng.

Thứ hai, NHNN cần sớm triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về TTKDTM và chuyển đổi số, về mobile Money, về kinh doanh tiền trên mạng, về hoạt động các ví điện tử.

Thứ tư, Bộ Tài chính, NHNN, các bộ, ngành khác có liên quan cần đẩy nhanh việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng, hạ tầng quản lý thương mại điện tử, hạ tầng quản lý cơ sở dữ liệu dân cư, hạ tầng các dịch vụ công, hạ tầng các ngành: hải quan, thuế, kho bạc, thu phí giao thông đường bộ, bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, các bộ/ngành, cơ quan liên quan cần khẩn trương đẩy mạnh việc thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối các hạ tầng tập trung để cho phép khai thác, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu tạo điều kiện cho chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ công điện tử thành công hơn nữa trong thời gian tới

Thứ sáu, ngành ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn cổ phần chi phối của nhà nước, tập trung đàu tư vốn, nhân lực cho ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ công điện tử, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thứ bảy, NHNN và các NHTM, các tổ chức trung gian tài chính cần có biện pháp cụ thể và phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, chi tiêu công, đầu tư công, dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương, góp phần thúc đẩy chính quyền điện tử và xây dựng đô thị thông minh.

Thứ tám, ngành tài chính và ngành ngân hàng cần tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp kỹ thuật, giải pháp công nghệ, quy trình kiểm soát giao dịch trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn, minh bạch và tiện lợi trong hoạt động TTKDTM; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân, tội phạm trên môi trường mạng liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Thứ chín, ngành ngân hàng và ngành tài chính cần chú trọng công tác đào đạo, phòng chống rủi ro đạo đức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia chuyên sâu về phân tích, khai thác dữ liệu sử dụng các công nghệ mới, như: khoa học dữ liệu và AI; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn. Song cũng phải ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng hiểu biết và lợi dụng công việc chuyên môn để thực hiện các giao dịch tài chính gian lận, ăn cắp tiền của khách hàng./.

PGS, TS. Hà Quang Đào - Trường Đại học Cửu Long

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Các NHTM (2020-2023), Website của một số NHTM Việt Nam.

2. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2020-2023), Tài liệu tham khảo hoạt động ngân hàng và Thị trường tài chính, hàng tháng, bản cứng, cung cấp cho các Ngân hàng hội viên, các tháng trong các năm 2020-2023.

3. Napas (2021-2023), Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia: Báo cáo hoạt động năm 2020, 2021, 2022, Bản cứng.

4. PWC Việt Nam (2021), Cách mạng thanh toán: Định hướng đến 2025 và tầm nhìn tương lai.

5. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg, ngày 30/12/2016 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định s749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

8. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

9. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

10. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.