ThS. Trần Mạnh Trí

Email: Tritm@vhu.edu.vn

Trường Đại học Văn Hiến

ThS. Phạm Thanh Vân

Email: ptvan@ufm.edu.vn

Trường Đại học Tài chính - Marketing

Tóm tắt

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) với lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng phát triển đã trở thành khu vực thu hút đầu tư mạnh mẽ và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao của cả nước. Trong đó, vốn đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dựa trên số liệu từ giai đoạn 2010-2022, bài viết làm rõ những kết quả đạt được và thách thức trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa (CNH, HĐH), chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) Vùng. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp huy động kết hợp quản lý sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhằm tối ưu hóa các tác động tích cực, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho vùng KTTĐPN và Việt Nam trong tương lai.

Từ khóa: vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Summary

The Southern Key Economic Zone, with its advantages in geographical location and developed infrastructure, has become a region that attracts robust investment and develops high-quality industries and services in the country. In particular, investment capital plays a crucial role in economic restructuring. Based on data from 2010-2022, the article clarifies the achievements and challenges in mobilizing and effectively using investment capital to develop infrastructure, science and technology, and education and training to meet the region’s demand for industrialization, modernization, and economic restructuring. On that basis, the authors propose solutions for mobilizing and managing the effective use of capital to optimize positive impacts, minimize risks, and promote sustainable economic growth for the Southern Key Economic Zone and Vietnam in the future.

Keywords: Southern key economic zone, economic restructuring

GIỚI THIỆU

Vùng KTTĐPN bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Với lợi thế về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng phát triển, khu vực này đã trở thành một điểm thu hút đầu tư mạnh mẽ và phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, khu vực này đã có dấu hiệu chững lại trong tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng giảm dần, vai trò đầu tàu trong xuất - nhập khẩu suy giảm và cơ cấu kinh tế thiếu hợp lý đã cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của KTTĐPN đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: công nghiệp phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ, chủ yếu tập trung vào gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp và đóng góp chưa tương xứng với các nguồn lực vốn có, như: đất đai và ưu đãi đầu tư. Quá trình công nghiệp hóa chưa kết hợp chặt chẽ với hiện đại hóa, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Nông nghiệp phát triển chưa toàn diện, thiếu bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức kỹ thuật hiện đại. Các ngành dịch vụ cao cấp, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển và chưa khai thác được tiềm năng của vùng (Lê Anh, 2022). Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để thu hút, huy động và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nhằm thúc đẩy CDCCKT tương xứng với tiềm năng của Vùng, tạo được sức cạnh tranh và động lực phát triển cho cả nước trong bối cảnh CNH, HĐH. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và đưa ra được các giải pháp cho vấn đề này là hết sức cần thiết.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều lý thuyết về vai trò của vốn đầu tư trong việc CDCCKT. Lewis (1954) đã đặt nền móng cho hiểu biết về mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong phát triển kinh tế và cho rằng, đầu tư vào công nghiệp sẽ thu hút lao động dư thừa từ nông nghiệp, cải thiện năng suất. Rosenstein-Rodan (1943) nhấn mạnh rằng, đầu tư lớn vào hạ tầng và công nghiệp là cần thiết để nền kinh tế cất cánh, tạo ra những thay đổi đột phá và phát triển đồng bộ các ngành khác nhau. Rostow (1960) phát triển mô hình 5 giai đoạn của phát triển kinh tế, trong đó, nhấn mạnh vai trò của vốn đầu tư trong giai đoạn cất cánh khi nền kinh tế chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa. Mô hình của Harrod-Domar (1939) tập trung vào tầm quan trọng của đầu tư trong tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ông cho rằng, đầu tư tạo ra thu nhập và công suất sản xuất mới. Schumpeter (1942) nhấn mạnh vai trò của doanh nhân và đổi mới trong phát triển kinh tế, cho rằng đầu tư vào đổi mới và công nghệ mới là yếu tố then chốt trong CDCCKT. Jeffrey Sachs (2005) cho rằng, đầu tư vào hạ tầng, giáo dục và y tế không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo phát triển bền vững. Acemoglu và cộng sự (2012) nhấn mạnh rằng, thể chế tốt là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả và đầu tư vào thể chế, cải cách hành chính và pháp lý có thể thúc đẩy sự CDCCKT. Lin và cộng sự (2010) đề xuất rằng, phát triển kinh tế nên dựa trên lợi thế so sánh của từng quốc gia, việc đầu tư vào các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế này sẽ giúp duy trì tốc độ phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp phân tích định tính để thu thập và phân tích dữ liệu nhằm làm rõ quá trình huy động và quản lý sử dụng vốn đầu tư trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng KTTĐPN. Phương pháp này bao gồm việc phân tích nội dung các báo cáo, tài liệu và số liệu thống kê để nhận diện các xu hướng, mối quan hệ tiềm ẩn. Dữ liệu thứ cấp được nhóm tác giả thu thập, tính toán từ dữ liệu Niên giám Thống kê đã được công bố bởi Tổng cục Thống kê.

THỰC TRẠNG PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ TRONG CDCCKT VÙNG KTTĐPN GIAI ĐOẠN 2011-2022

Bảng 1: Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành phân theo ngành kinh tế của vùng KTTĐPN giai đoạn 2011-2022

Đơn vị tính: %

Năm

Vùng KTTĐPN

Tỷ lệ đầu tư vào khu vực nông nghiệp

Tỷ lệ đầu tư vào khu vực CN - XD

Tỷ lệ đầu tư vào khu vực dịch vụ

Tỷ lệ đầu tư cho KH - CN

Tỷ lệ đầu tư cho GD - ĐT

2011

100,00

2,58

42,57

54,85

2,28

2,13

2012

100,00

2,90

45,34

51,76

2,14

2,01

2013

100,00

2,47

44,39

53,14

2,02

1,78

2014

100,00

2,49

45,44

52,08

1,97

2,00

2015

100,00

2,73

43,63

53,63

0,96

1,84

2016

100,00

2,79

43,98

53,23

1,30

1,70

2017

100,00

3,01

40,37

56,62

1,37

1,98

2018

100,00

2,71

39,79

57,50

1,13

1,65

2019

100,00

2,32

42,40

55,28

1,09

1,95

2020

100,00

1,90

44,61

53,49

1,06

2,19

2021

100,00

2,14

49,22

48,64

0,61

2,13

2022

100,00

2,06

50,50

47,44

0,61

1,90

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Đầu tư vào 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ

Tỷ trọng đầu tư vào ngành nông nghiệp trong tương quan tổng đầu tư vào 3 khu vực

Theo số liệu tổng hợp của nhóm tác giả từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ 2011 đến 2022, tỷ lệ đầu tư vào khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần qua các năm, bắt đầu từ mức 2,58% năm 2011 và giảm xuống còn 2,06% vào năm 2022 (Bảng 1). Tuy nhiên, trong một số năm cụ thể, tỷ lệ này có sự tăng nhẹ, chẳng hạn như năm 2012 đạt 2,90% và năm 2017 đạt 3,01%. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ lệ đầu tư khá cao và có xu hướng tăng dần theo thời gian. Bắt đầu từ mức 42,57% vào năm 2011, tỷ lệ này tăng lên đến 50,50% vào năm 2022. Đặc biệt, từ năm 2020 trở đi, tỷ lệ đầu tư vào khu vực này có sự tăng mạnh, từ 44,61% lên 49,22% vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên 50,50% vào năm 2022. Tỷ lệ đầu tư vào khu vực dịch vụ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba khu vực, mặc dù có sự dao động qua các năm. Từ mức 54,85% vào năm 2011, tỷ lệ này giảm xuống còn 47,44% vào năm 2022. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2017 đến 2019, tỷ lệ đầu tư vào dịch vụ tăng mạnh, đặc biệt năm 2018 đạt mức cao nhất là 57,50%. Sự biến động này cho thấy, khu vực dịch vụ vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng, mặc dù đang có sự điều chỉnh và chuyển dịch đầu tư giữa các ngành. Điều này chỉ ra rằng, khu vực nông nghiệp đã từng bước đạt được hiệu quả theo hướng hiện đại hóa. Những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng này bao gồm: việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông - lâm - thủy sản cùng với sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, ngành chế biến nông - lâm - thủy sản cũng đã tạo ra những thương hiệu mạnh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Việc chú trọng vào đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ đã giúp nông nghiệp vùng đạt được những thành tựu đáng kể, bất chấp tỷ lệ đầu tư trực tiếp vào khu vực này còn hạn chế.

Bảng 2: Cơ cấu vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành phân theo ngành kinh tế của các địa phương trong Vùng KTTĐPN giai đoạn 2011 – 2022

Đơn vị tính: %

Tỉnh/Thành phố

Chỉ tiêu

2011

2018

2019

2020

2021

2022

TP. Hồ Chí Minh

Khu vực nông nghiệp

0,72

0,35

0,35

0,36

0,34

0,35

Khu vực công nghiệp – xây dựng (CN – XD)

27,24

24,46

25,72

27,88

31,21

30,94

Khu vực dịch vụ

72,04

75,19

73,94

71,76

68,45

68,71

Khoa học-Công nghệ (KH - CN)

3,73

1,73

1,76

1,82

1,00

0,96

Giáo dục - đào tạo (GD - ĐT)

1,92

1,15

1,95

2,12

1,88

2,07

Đồng Nai

Khu vực nông nghiệp

1,26

3,26

3,18

2,56

3,16

2,43

Khu vực CN – XD

75,94

59,30

65,37

62,24

60,99

64,30

Khu vực dịch vụ

22,80

37,44

31,45

35,20

35,85

33,28

KH - CN

1,48

0,54

0,31

0,39

0,75

0,59

GD - ĐT

2,26

2,43

1,38

1,61

1,95

1,47

Bà Rịa - Vũng Tàu

Khu vực nông nghiệp

1,43

1,25

1,31

1,08

1,18

1,28

Khu vực CN – XD

62,99

65,76

65,41

72,58

73,79

73,08

Khu vực dịch vụ

35,58

32,99

33,28

26,34

25,03

25,64

KH - CN

0,28

0,44

0,45

0,49

0,14

0,25

GD - ĐT

3,29

2,63

2,66

2,45

2,32

2,19

Bình Dương

Khu vực nông nghiệp

2,57

1,88

1,72

0,94

0,69

0,62

Khu vực CN – XD

64,35

67,04

68,90

71,01

77,94

79,08

Khu vực dịch vụ

33,08

31,08

29,38

28,05

21,37

20,30

KH - CN

0,13

0,24

0,23

0,21

0,10

0,09

GD - ĐT

1,65

1,29

1,28

1,31

1,44

1,34

Tây Ninh

Khu vực nông nghiệp

6,72

5,88

2,95

3,37

3,06

3,35

Khu vực CN – XD

32,84

42,83

54,27

48,60

47,26

49,94

Khu vực dịch vụ

60,44

51,29

42,78

48,03

49,68

46,71

KH - CN

0,26

0,27

0,20

0,15

0,10

0,19

GD - ĐT

3,02

2,17

1,87

2,59

1,27

1,07

Bình Phước

Khu vực nông nghiệp

15,49

12,56

8,61

8,02

8,17

7,46

Khu vực CN – XD

31,84

36,94

36,00

36,05

35,99

41,76

Khu vực dịch vụ

52,68

50,49

55,39

55,94

55,84

50,78

KH - CN

0,37

0,34

0,32

0,29

0,29

0,26

GD - ĐT

0,02

0,02

0,04

0,05

0,05

0,05

Long An

Khu vực nông nghiệp

6,39

15,87

11,40

3,31

3,74

4,43

Khu vực CN – XD

67,40

55,21

59,12

40,08

38,82

45,32

Khu vực dịch vụ

26,21

28,92

29,47

56,61

57,44

50,25

KH - CN

0,07

0,35

0,34

0,36

0,29

0,26

GD - ĐT

2,12

2,55

2,52

4,41

3,86

2,55

Tiền Giang

Khu vực nông nghiệp

17,38

14,45

14,45

14,75

14,04

14,69

Khu vực CN – XD

58,10

53,52

53,52

55,43

52,70

52,96

Khu vực dịch vụ

24,52

32,04

32,04

29,82

33,26

32,35

KH - CN

0,37

0,39

0,39

0,35

0,62

1,09

GD - ĐT

3,64

5,70

5,70

5,48

6,16

3,32

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Tỷ trọng đầu tư vào ngành công nghiệp trong tương quan tổng đầu tư vào 3 khu vực

Trong giai đoạn 2011-2022, tỷ lệ đầu tư vào các ngành công nghiệp trong tổng đầu tư sản xuất ở 3 khu vực kinh tế của các tỉnh trong Vùng luôn duy trì ở mức cao. Điều này cho thấy, các tỉnh đã tập trung mạnh mẽ vào phát triển công nghiệp nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của các ngành dịch vụ trong tương lai. Tổng vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp của toàn Vùng đã tăng 2,57 lần, từ 156.430,5 tỷ đồng năm 2011 lên 401.619,0 tỷ đồng năm 2022, tương ứng với mức tăng bình quân 8,17% mỗi năm. Các tỉnh, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang, là những nơi có tỷ lệ đầu tư vào khu vực công nghiệp cao nhất (Bảng 2). Tỷ lệ đầu tư cho phát triển công nghiệp của toàn Vùng duy trì khoảng 43% trong giai đoạn này đã giúp vùng KTTĐPN tiến tới phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu của CNH, HĐH. Việc duy trì mức đầu tư cao vào ngành công nghiệp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, mà còn là nền tảng để thúc đẩy các ngành dịch vụ và kinh tế Vùng phát triển toàn diện hơn

Tỷ trọng đầu tư vào khu vực dịch vụ trong tương quan tổng đầu tư vào 3 khu vực

Trong giai đoạn 2011-2022, vùng KTTĐPN đã duy trì tỷ lệ đầu tư vào khu vực dịch vụ cao nhất trong 3 khu vực kinh tế. Tổng vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ của toàn Vùng dao động trong khoảng 47%-55% trong tổng vốn đầu tư của toàn Vùng (Bảng 1). Hiệu quả đầu tư vào khu vực này cũng rất ấn tượng, được thể hiện qua tỷ trọng GRDP ngành dịch vụ trong GRDP toàn Vùng tăng từ 38,11% năm 2010 lên 41,74% năm 2022, tương đương với mức tăng trung bình khoảng 10,57% mỗi năm trong giai đoạn này. Sự đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả vào khu vực dịch vụ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng KTTĐPN, giúp các địa phương trong Vùng tiến nhanh hơn trên con đường CNH, HĐH Việc tổ chức sản xuất hợp lý và nâng cao hiệu quả kinh tế của khu vực dịch vụ đã và đang tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững của Vùng. Điều này không chỉ cải thiện năng lực cạnh tranh, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của vùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đầu tư cho phát triển KH - CN

Theo số liệu từ Bảng 1, tỷ lệ đầu tư vào phát triển KH - CN của vùng KTTĐPN trong giai đoạn 2011-2022 là khá thấp, chỉ dao động trong khoảng 0,61%-2,3% tổng vốn đầu tư của toàn Vùng. Để thực hiện CDCCKT theo yêu cầu CNH, HĐH, Vùng cần phải tăng cường đầu tư vào KH - CN. Đổi mới KH - CN theo hướng hiện đại đòi hỏi khoản kinh phí lớn cho các hạng mục, như: cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Trong vùng KTTĐPN, ngoài TP. Hồ Chí Minh và gần đây là Đồng Nai có tỷ lệ đầu tư cho KH - CN chiếm từ 1 đến 3% tổng vốn đầu tư, các tỉnh còn lại đều có tỷ lệ đầu tư cho KH - CN rất thấp, dưới 0,5% tổng vốn đầu tư của từng tỉnh (Bảng 2). Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường đầu tư vào KH - CN để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và CDCCKT của Vùng.

Đu tư tư cho phát triển GD - ĐT

Mức đầu tư cho GD - ĐT của các địa phương trong vùng KTTĐPN cũng còn ở mức thấp. Điều này chưa tạo được tiền đề cần thiết cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả cho quá trình CNH, HĐH. Mức đầu tư trung bình cho phát triển giáo dục và đào tạo của Vùng trong giai đoạn 2011-2022 chỉ đạt khoảng 1,9%-2,19% tổng vốn đầu tư của toàn Vùng (Bảng 1). Theo Đỗ Quốc Sam (2009), để đáp ứng yêu cầu phát triển, mức đầu tư cho KH-CN và giáo dục đào tạo tại Việt Nam cần phải đạt ít nhất 8% ngân sách quốc gia. So với đề xuất này, mức đầu tư hiện tại cho KH-CN và giáo dục đào tạo của vùng KTTĐPN còn rất thấp. Do đó, Vùng cần phải tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho KH-CN và giáo dục đào tạo trong thời gian tới.

NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CHO CDCCKT VÙNG

Song song với những kết quả đã đạt được, việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong thúc đẩy CDCCKT vùng KTTĐPN vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, cụ thể như sau:

Yêu cầu vốn lớn cho CNH, HĐH

Để chuyển dịch CCNKT đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Trong những năm qua, vốn đầu tư phát triển của vùng KTTĐPN luôn chiếm tỷ lệ lớn và ngày càng tăng trong tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước. Căn cứ vào số liệu của Tổng cục Thống kê trong giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư phát triển trung bình của Vùng chiếm khoảng 29% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước. Đây là một thách thức lớn đặt ra cho vấn đề huy động vốn đáp ứng yêu cầu đầu tư của Vùng.

Sự chênh lệch trong huy động, thu hút vốn đầu tư

Ngoại trừ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai đã thu hút được nhiều vốn đầu tư, các tỉnh khác trong Vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn đầu tư. Nguyên nhân là do tích lũy nội bộ còn thấp và chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ngành trọng điểm bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến quá trình CDCCKT.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp

Mặc dù giá trị vốn đầu tư thực hiện của vùng liên tục tăng qua các năm, hiệu quả sử dụng vốn trong các ngành của Vùng lại thấp, thể hiện qua hệ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio) còn khá cao nhưng có xu hướng giảm, nguyên nhân của tình trạng này bao gồm:

Cơ cấu vốn đầu tư bất hợp lý

Vùng đã quá chú trọng vào những ngành công nghiệp có sức cạnh tranh thấp và tốc độ thu hồi vốn chậm, như: sắt, thép, phân bón, giấy. Nhiều dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng sử dụng ít lao động, dẫn đến đầu tư dàn trải. Tương tự, vùng KTTĐPN đang trong giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH, cần đầu tư nhiều vào các công trình xây dựng cơ bản và cơ sở hạ tầng. Những dự án này yêu cầu số vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, đặc biệt là các công trình lớn với thời gian xây dựng dài.

Quy hoạch và quản lý yếu kém

Các khâu từ quy hoạch, thiết kế, dự toán, đấu thầu, thi công đến giám sát chưa được thực hiện tốt, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, gia tăng thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA. Ngoài ra, tham nhũng là một trong những vấn đề nghiêm trọng hiện nay, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Vùng.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Để thúc đẩy CDCCKT vùng KTTĐPN, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư vào các hạng mục như đào tạo nhân lực, nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. Vì vậy, giải pháp về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, cần thực hiện một loạt giải pháp toàn diện để có thể huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chính phủ, doanh nghiệp, vốn nhỏ lẻ và tiết kiệm của dân cư và vốn FDI, cụ thể như sau:

Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: Cần tăng cường quản lý thuế một cách hiệu quả bằng cách thực hiện thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế, tránh thất thu và tồn đọng nợ thuế. Việc áp dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý thuế sẽ giúp tăng hiệu quả và tính minh bạch. Đồng thời, tiết kiệm chi tiêu công là yếu tố then chốt. Cần cắt giảm các chi phí hành chính không cần thiết, chỉ tập trung chi cho các dự án có hiệu quả cao và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm. Ngoài ra, nâng cao chất lượng quản lý đầu tư xây dựng cơ bản là nhiệm vụ quan trọng. Cần thực hiện điều tra, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng ngân sách, đảm bảo các dự án đầu tư công được thực hiện đúng tiến độ và đạt chất lượng cao. Những giải pháp này sẽ giúp quản lý nguồn vốn ngân sách hiệu quả hơn và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Vùng.

Đối với nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp: Cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm bớt các rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết, đảm bảo tính công khai và minh bạch trong các quy định và chính sách để giúp doanh nghiệp có niềm tin gia tăng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế. Khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài: Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư để tăng cường thu hút vốn FDI. Cần ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và các lĩnh vực trong danh mục ưu tiên của Vùng. Hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, bao gồm cải thiện các chính sách về đất đai, thuế và thị trường để thu hút FDI. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch. Cải thiện cơ sở hạ tầng bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển các ngành phụ trợ và các cụm ngành liên kết. Minh bạch trong công bố thông tin quy hoạch và kế hoạch phát triển, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Những biện pháp này sẽ giúp thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao cho Vùng.

Đối với nguồn vốn nhỏ lẻ và tiết kiệm của dân cư: Cần phát triển mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng. Mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng và ngân hàng đến các khu vực dân cư, đặc biệt là vùng nông thôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Cải thiện thủ tục gửi tiền và vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân là cần thiết. Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách tăng cường các dịch vụ thanh toán điện tử, đồng thời khuyến khích người dân mở tài khoản ngân hàng và sử dụng các dịch vụ này. Đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, thu hút tiền gửi nhỏ lẻ bằng cách đưa ra các chương trình tiết kiệm hấp dẫn cũng là một biện pháp hữu ích.

Sử dụng vốn đúng trọng tâm, trọng điểm: Để thúc đẩy quá trình CDCCKT nhanh chóng và hiệu quả, vùng KTTĐPN cần chú trọng việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả, đúng hướng và có trọng tâm. Các giải pháp sau đây là cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn:

- Đối với nguồn vốn ngân sách, cần tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH, đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông và đô thị để phục vụ sản xuất và đời sống và phát triển hạ tầng dịch vụ, như: bệnh viện, trường học, hệ thống cấp thoát nước và bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

- Đối với nguồn vốn từ doanh nghiệp và huy động từ tiết kiệm dân cư: nên được sử dụng để phát triển sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt chú trọng vào các hoạt động thương mại và du lịch.

- Đối với nguồn vốn tín dụng: cần ưu tiên cho các thành phần kinh tế và các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được Nhà nước khuyến khích. Chính sách ưu đãi cũng cần được hoàn thiện theo hướng bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế về mức vốn, thời hạn, lãi suất, thế chấp và bảo lãnh vay vốn.

- Đối với nguồn vốn FDI: cần hướng đến việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, cũng như phát triển các dịch vụ chất lượng cao. Cần chủ động lựa chọn dự án và đối tác đầu tư, kiên quyết từ chối cấp giấy phép cho các dự án FDI không đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ và bảo vệ môi trường.

- Thực hiện các cơ chế kết hợp vốn phù hợp với chủ trương, chính sách huy động vốn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đối với nguồn vốn từ dân cư, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, và ngân sách nhà nước. Chú trọng kết hợp vốn theo từng nhóm dự án và từng công trình cụ thể, nâng cao chất lượng xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công và nhanh chóng đưa các công trình vào sử dụng. Việc thực hiện các giải pháp này sẽ giúp Vùng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn thúc đẩy quá trình CDCCKT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và phát triển kinh tế bền vững./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Acemoglu, D., and Robinson, J. A, (2012), Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Business.

2. Đỗ Quốc Sam (2009), Thế nào là một nước công nghiệp, Tạp chí Cộng sản, số 799 (tháng 5/2009).

3. Harrod, R. F, (1939), An Essay in Dynamic Theory, The Economic Journal, 49(193), 14-33.

4. Lê Anh (2022), Huy động, khơi thông nguồn lực tại chỗ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/huy-dong-khoi-thong-nguon-luc-tai-cho-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-va-dong-nam-bo-614937.html

5. Lewis, W. A, (1954), Economic Development with Unlimited Supplies of Labour, The Manchester School, 22(2), 139-191.

6. Lin, Justin Yifu, Monga, Celestin (2010), Growth identification and facilitation: the role of the state in the dynamics of structural change, Policy Research working paper, no. WPS 5313 Washington, D.C: World Bank Group, retrieved from http://documents.worldbank.org/curated/en/438321468164948980/Growth-identification-and-facilitation-the-role-of-the-state-in-the-dynamics-of-structural-change.

7. Rosenstein-Rodan, P. N. (1943), Problems of Industrialisation of Eastern and South-Eastern Europe, The Economic Journal, 53(210/211), 202-211.

8. Rostow, W. W, (2021), The Stages of Economic Growth: A Non-Communist Manifesto, Cambridge University Press.

9. Sachs, J. D, (2005), The End of Poverty: Economic Possibilities for Our Time, Penguin Press.

10. Schumpeter, J. A, (1942), Capitalism, Socialism, and Democracy, Harper & Brothers.

11. Thủ Tướng Chính Phủ, (2014), Quyết định s252/QĐ-TTg, ngày 13/02/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng tới 2023.

12. Tổng cục Thống kê (2014, 2016, 2018, 2020, 2024), Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2013, 2015, 2017, 2019, 2023.

Ngày nhận bài: 25/6/2024 Ngày phản biện: 31/7/2024 Ngày duyệt đăng: 06/8/2024