An Giang nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long với nhiều yếu tố đặc trưng và giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược quốc phòng của đất nước. Bên cạnh đó, An Giang có lợi thế vị trí chiến lược địa kinh tế, địa chính trị trong mối quan hệ hợp tác phát triển với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và Cộng đồng kinh tế ASEAN, giúp định hình An Giang trở thành trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, du lịch, đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến lược phát triển bền vững, hài hòa và bao trùm. Là tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông, vùng nông nghiệp đặc hữu với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước ngọt... cùng dân số cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã mang đến nhiều cơ hội, tiềm năng để An Giang phát triển trên các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng - an ninh.

TƯ DUY VÀ VỊ THẾ PHÁT TRIỂN MỚI

Quy hoạch tỉnh đưa ra tầm nhìn chiến lược đến năm 2050: An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước; là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Vương quốc Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, tỉnh đề ra 4 quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển áp dụng các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Tổ chức, sắp xếp không gian phát triển đảm bảo phát huy vị thế chiến lược của Tỉnh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, các địa phương vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển với Campuchia.

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia.

Theo đó, xây dựng các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 157 triệu đồng; Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông - lâm - thủy sản khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 25%, dịch vụ khoảng 50%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5%; Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 10.000 tỷ đồng.

Quy hoạch xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm gắn với 3 khâu đột phá về thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển, như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số; Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối đến các khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương, các khu - cụm công nghiệp, đô thị động lực; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, hướng đến là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu tại tỉnh là lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái, nấm ăn, dược liệu, thực phẩm từ sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng các cụm liên kết công nghiệp, đổi mới, nâng cấp công nghệ ngành chế biến các sản phẩm từ gạo, cá tra, thúc đẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, kết nối với các trung tâm đầu mối nông nghiệp, thủy sản khác của Vùng.

HÌNH THÀNH CÁC HÀNH LANG KINH TẾ MỚI, VỪA GẮN KẾT VỚI CÁC HÀNH LANG KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA VÙNG, QUỐC GIA, VỪA KIẾN TẠO CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI TẠI 3 VÙNG KINH TẾ - XÃ HỘI

Lấy giao thông là động lực kết nối, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng. Tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội dựa trên 3 hành lang kinh tế:

- Hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên (thuộc Hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) kết nối Khu kinh tế cửa khẩu An Giang với cảng biển Trần Đề, thúc đẩy phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics tại đô thị Long Xuyên.

- Hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (thuộc hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang) tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu dựa trên trục giao thông QL.91, QL.80B và tuyến vận tải thủy trên sông Mê Kông kết nối với hành lang biên giới, tập trung phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái hai bên sông, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của địa phương.

KHÔNG GIAN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐƯỢC BỐ TRÍ HỢP LÝ, HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ KẾT NỐI HIỆU QUẢ VỚI CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG VÙNG

Trong giai đoạn 10 năm tới, An Giang có sự đột phá về phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2030, toàn Tỉnh có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại I (TP. Long Xuyên), 1 đô thị loại II (TP. Châu Đốc), 2 đô thị loại III (thị xã Tân Châu, thị xã Tịnh Biên), 12 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Trong đó, định hướng một số đô thị động lực như sau:

- TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị của Tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ phía Tây Bắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đóng vai trò trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của Tỉnh.

- TP. Châu Đốc là trung tâm đặc biệt về văn hóa - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có vai trò động lực phát triển cho Vùng phía Tây của Tỉnh; là đô thị xanh, hiện đại; trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch sông nước, cảnh quan, văn hóa tâm linh; hỗ trợ phát triển các địa phương vùng Bảy Núi.

- Thị xã Tân Châu là đô thị động lực phía Bắc của Tỉnh, phát triển mạnh về kinh tế biên giới, đầu mối giao thương quốc tế của vùng tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, phát triển mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, logistics, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Thị xã Tịnh Biên là đô thị biên giới của Tỉnh, liên kết chặt chẽ với tuyến hành lang kinh tế Châu Đốc – Long Xuyên và hành lang biên giới Tịnh Biên – Châu Đốc – An Phú – Tân Châu; là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang trở thành trung tâm kinh tế cửa khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; mở rộng liên kết, hợp tác với các khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh liền kề để xây dựng hành lang kinh tế biên giới; thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với cảng biển Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai.

Hình thành và phát triển 6 khu công nghiệp và 39 cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung; ưu tiên thu hút các ngành chế biến lương thực, thực phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao.

Xây dựng An Giang trở thành trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái của vùng. Tập trung phát triển các khu du lịch trọng điểm: Khu Di tích quốc gia đặc biệt; Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; Khu du lịch quốc gia Núi Sam; Khu du lịch Núi Cấm; Khu du lịch Núi Sập; Không gian phát triển du lịch Cù Lao Giêng.

Quy hoạch tỉnh An Giang: Xác định tư duy và vị thế phát triển mới cho tỉnh
Hình: Tổ chức và liên kết không gian các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh An Giang trong Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

HƯỚNG TỚI MỘT KHÁT VỌNG THỊNH VƯỢNG

Với mục tiêu từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước, đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đề ra 6 nhóm giải pháp, gồm: giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Để cụ thể hóa thành các kế hoạch, xác định rõ bước đi, lộ trình, kiến tạo tương lai phát triển cho tỉnh An Giang, quy hoạch cũng đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 với hơn 240 dự án tập trung vào các ngành, lĩnh vực đột phá như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, logistics, chuyển đổi số, môi trường, quốc phòng, an ninh... và các dự án hạ tầng kỹ thuật khác.

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo, điều hành bài bản, khoa học, khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; là cơ sở để An Giang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững, quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh là căn cứ pháp lý để tỉnh triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc triển khai, thực hiện quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

ThS. Phạm Minh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang

Trương Thanh Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)