Sự phát triển của FinTech trong Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới hiện nay và tại Việt Nam
CÁC XU HƯỚNG FINTECH TRÊN TOÀN CẦU
Sự phát triển của FinTech trên thế giới cũng mới trong giai đoạn đầu và đang tiếp tục định hình với 8 xu hướng chính trong giai đoạn hiện nay.
Một là, niềm tin đối với khách hàng sẽ tạo ra sự khác biệt trong cung cấp dịch vụ tài chính
Mặc dù các yếu tố về giá dịch vụ quyết định rất lớn đến khả năng thu hút khách hàng, nhưng điểm mấu chốt tạo nên sự thành công đối với các FinTech hiện nay chính là làm sao để tạo lập được niềm tin vững chắc của người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ tiện ích do các FinTech cung cấp. Điều này rất quan trọng bởi vì giúp khách hàng tin tưởng rằng các thông tin cá nhân được an toàn khi giao dịch trên mạng Internet, trên các thiết bị di động. Do đó, các FinTech đang tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội để tạo niềm tin cho thương hiệu của mình.
Ví dụ điển hình là Max Levchin, nhà sáng lập PayPal, hay Affirm cũng đang đẩy mạnh hoạt động này. Affirm là một công ty tài chính thành công nhờ vào niềm tin của thế hệ trẻ, nhóm khách hàng chính của công ty. Affirm tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính minh bạch hơn. Nếu quan sát website công ty này, khách hàng sẽ thấy Affirm luôn nhấn mạnh đến yếu tố thấu hiểu khách hàng, cung cấp các dịch vụ ngân hàng mà mọi người thật sự cần và là một ngân hàng hiện đại, bảo mật thông tin cao, an toàn tuyệt đối.
|
Hai là, thói quen mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ của khách hàng đang thay đổi rất nhanh chóng
Một trong những xu hướng lớn nhất của FinTech là đưa những trải nghiệm truyền thống, từ môi trường ngoại tuyến (offline) sang trực tuyến (online), tiết kiệm thời gian, khách hàng không tốn kém đi lại, di chuyển. Tuy nhiên, điều này không chỉ dừng lại ở các dự án chỉ tập trung vào người tiêu dùng cá nhân mà còn hơn thế nữa, Currency là một ví dụ. Trong những năm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp Mỹ không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng hoặc có thể thì cũng phải chờ rất lâu để được chấp thuận giải ngân. Tận dụng cơ hội này, một nhóm chuyên gia tài chính và công nghệ đã bắt tay xây dựng Currency, thiết lập một nền tảng công nghệ tinh gọn để giúp các doanh nghiệp kịp thời tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng. Currency đã cho vay được 500 triệu USD, mở đường cho xu hướng FinTech nhắm đến khách hàng doanh nghiệp (Viễn Thông, 2017).
Ba là, xu hướng sử dụng các tiện ích trên thiết bị di động thông minh tiếp tục phát triển mạnh
Gắn với môi trường sử dụng các thiết bị di dộng là điều tất yếu của FinTech. Trong năm 2017, các sản phẩm ra đời ưu tiên trên nền tảng di động phát triển rất mạnh. Khách hàng sử dụng thiết bị di động ngày càng nhiều. Theo một nghiên cứu năm 2017 của Google, khoảng 82% người sử dụng smartphone bật điện thoại của mình lên để tìm hiểu thông tin trước khi quyết định mua một sản phẩm/dịch vụ nào đó (Viễn Thông, 2017). Tập trung vào môi trường di động giúp cho các FinTech tạo được một hình ảnh thân thiện và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh có kết nối mạng Internet đang được hướng tới một cách mạnh mẽ.
Bốn là, sự ra đời của Blockchain vẫn gây sốt và sự trỗi dậy của Big Data trong FinTech
Trong nhiều năm gần đây, Blockchain được đánh giá là một công nghệ có khả năng “dịch chuyển” dòng tiền trên mạng máy tính. Tuy nhiên đến khi các sự kiện ngoài thế giới thực bắt đầu tiết lộ việc thắt chặt điều luật trong khu vực, sự gia tăng tính bất ổn của tiền tệ và sự bất ổn chính trị ở nhiều quốc gia, thì tiềm năng của Blockchain mới được công nhận với sự trợ giúp có thể nhận thấy được. Hơn bất kì một dịch vụ giao dịch tài chính nào khác, công nghệ Blockchain là một hình thức thanh toán nhanh chóng hơn, gần gũi hơn và phạm vi hoạt động xuyên biên giới. Từ đó sẽ ngày một mở rộng nhờ vào khả năng tận dụng sự phức tạp của hệ thống ngân hàng, tài chính trên toàn cầu.
Hiện nay đang có sự dịch chuyển về một nền tảng phân tích khiến các bộ dữ liệu lớn (Big Data) trở nên thông minh hơn và khả dụng hơn. Trong khi các dữ liệu trước đây trong thị trường tài chính chỉ được sử dụng cho các nền tảng độc quyền, đặc biệt là có liên quan đến các quyết định nhằm hỗ trợ và tạo ra dữ liệu. Xu hướng này hiện nay có khả năng giúp các nhà đầu tư tiếp cận tốt hơn tới các nguồn thông tin và có khả năng tiến hành lựa chọn các cơ hội đầu tư, các kênh đầu tư tốt hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn. Đây là xu hướng có khả năng dẫn đến sự tư nhân hóa dữ liệu, tình trạng hiện tại trong một hệ sinh thái thị trường tài chính ngày càng đa dạng như hiện nay.
Năm là, mức độ an toàn đối với người sử dụng tiếp tục được cải thiện
Nếu như nhiều năm trước đây, việc xác thực qua vân tay con người được coi là một đột phá, thì giờ đây công nghệ quét mống mắt để chứng thực được dự báo sẽ phổ biến hơn. Dữ liệu thông tin cá nhân của khách hàng luôn là hướng nhắm tới của tin tặc. Vì vậy, trong các năm 2017-2019 đã và đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong các cách chứng thực cá nhân đối với các tài khoản trực tuyến. Các công nghệ như nhận diện khuôn mặt hay quét mống mắt được dự báo sẽ phổ biến hơn, đảm bảo an toàn, chính xác nhất, đặc biệt là trong các giao dịch tài chính, thanh toán, ngân hàng.
Sáu là, không ngừng mở rộng hợp tác, đồng bộ hóa và tự động hóa của FinTech
Xu hướng lớn nhất của FinTech hiện nay và trong các năm tới sẽ thiên về hợp tác, đồng bộ hóa và tự động hóa. Sự phát triển của xu hướng đồng bộ hóa và tự động hóa không chỉ về tốc độ tiến hành giao dịch, các phần mềm truy quét và các chương trình quản lý giao dịch, mà còn về việc chuyển dịch và duy trì việc sử dụng của khách hàng. Những yếu tố này luôn được đánh giá là các điều kiện tiên quyết trong lĩnh vực quản lí nhân sự của các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. Nếu được công nhận, những sự phát triển này sẽ có những công cụ để cắt giảm triệt để nguồn lực và chi phí nhân lực, giúp sinh lợi nhiều hơn cho các công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính.
Xu thế lớn nhất hiện nay và trong thời gian tới của FinTech cũng còn là sự tinh xảo hóa của các công cụ hiện có để phục vụ các nhà đầu tư thường thường bậc trung. Trong quá khứ, chỉ có những nhà đầu tư chuyên nghiệp có uy tín mới tiếp cận được các phần mềm tinh chỉnh cho phép họ thực hiện những giao dịch cụ thể. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của các công cụ được tạo ra nhằm hướng đến việc tạo ra vô số các cơ hội giao dịch giá trị cho tất cả mọi người. Những lợi ích ngày một gia tăng này được phản ánh khi các thị trường tiếp tục ứng dụng FinTech, là công cụ đắc lực giúp phát triển sự hợp tác giữa các công ty, các hoạt động ngân hàng truyền thống, các tổ chức tài chính và những lĩnh vực cần có sự xâm nhập mạnh của FinTech.
Bảy là, áp dụng FinTech trong việc trả lương đang dần nhận được sự chú ý
Đến nay, sự cạnh tranh trong việc thu hút các khoản tiền của khách hàng tập trung ở các khoản thanh toán – dưới dạng tài khoản chi tiêu (ví dụ: challenger banks) hoặc tự thanh toán (ví dụ: P2P, thanh toán di động). Sự cạnh tranh này cũng thúc đẩy sự gia tăng của chuỗi giá trị về việc trả tiền lương, đó là:
(i) Lương theo nhu cầu: FinTech có thể hợp tác với các tập đoàn, các nhà cung cấp dịch vụ nhân sự và hệ thống trả lương để cho phép việc tiếp cận một cách linh hoạt tới mức lương kiếm được.
(ii) Tạm ứng tiền lương: FinTech cung cấp tín dụng ngắn hạn cho nhân viên dựa trên mức lương của họ, từ đó tránh được việc cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” từ các công ty cho vay ngắn hạn, vay “nóng”.
(iii) Trả lương sớm: Các ngân hàng công nghệ mới hay ngân hàng thách thức (Challenger Banks) thường cung cấp dịch vụ trả lương sớm khi cho phép chủ tài khoản nhận được tiền lương trước hai ngày kể từ ngày lĩnh lương theo quy định.
(iv) Bảng lương tiền điện tử: Đây là tính năng mới nhất, cho phép các công ty thanh toán tiền lương thông qua nhiều loại tiền điện tử.
Tám là, phát triển tư vấn sử dụng thuật toán trong FinTech
Ngành công nghiệp tài chính đang phát triển nhanh tới mức không còn vị trí độc tôn của dịch vụ tư vấn cá nhân truyền thống cho những khách hàng không đạt được “mức tài sản ròng” cao nữa như các ngân hàng và công ty chứng khoán đã và đang thực hiện. Chính vì vậy, xu hướng tư vấn sử dụng thuật toán đã xuất hiện để lấp đầy khoảng trống đó. Tư vấn dùng thuật toán, còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phục vụ nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường để thực hiện các giao dịch vừa và nhỏ. Nhiều người ngày càng sử dụng nhiều biện pháp quản lý tài sản như tư vấn dùng thuật toán. Song song đó, các công ty cũng đang ra sức để phát triển công nghệ của mình, từ đó khiến các quy trình được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện hơn.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN FINTECH TRÊN THẾ GIỚI
Theo Findexable (2020), với hơn 7.000 công ty FinTech, tổng giá trị hoạt động đầu tư vào FinTech toàn cầu tăng từ 60,2 tỷ USD năm 2017 lên đến 150,3 tỷ USD vào năm 2019, tương ứng tăng 250% sau 2 năm. Những hoạt động đầu tư vào FinTech tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động mua bán - sáp nhập, vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân.
Số lượng giao dịch về hoạt động đầu tư cho FinTech trên toàn cầu giai đoạn 2017-2019 có sự gia tăng đáng kể từ 2.914 giao dịch vào năm 2017 lên 3.639 giao dịch vào năm 2018 và 3.286 giao dịch vào năm 2019. Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của thị trường FinTech. Trong tổng đầu tư vào FinTech trên toàn cầu, có thể thấy vai trò đáng kể của các hoạt động mua – bán, sáp nhập. Tính đến năm 2019, đầu tư vào hoạt động này chiếm gần 60% tổng giá trị đầu tư.
Cũng theo Findexable (2019), 10 trung tâm FinTech toàn cầu hàng đầu gồm: Mỹ, Anh, Singapore, Lithuania, Thụy Sỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Canada, Estonia. Các quốc gia này có môi trường công nghệ cao, nền kinh tế mở và tự do, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ FinTech cũng chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó, Mỹ là quốc gia mà các công ty FinTech và các sản phẩm FinTech hoạt động sôi động nhất trên thế giới. Mặc dù Trung Quốc chỉ xếp hạng 21 các trung tâm FinTech hàng đầu của thế giới, nhưng đây lại là thị trường dẫn đầu trong sử dụng các dịch vụ của FinTech với hơn 60% người dân tiếp cận dịch vụ FinTech, gấp đôi tỷ lệ tại Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là thị trường cho vay ngang hàng (P2P lending) lớn nhất thế giới.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN FINTECH TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Kết quả đạt được
Tại Việt Nam, các hoạt động FinTech cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cần phải nắm bắt các xu hướng, các mô hình phát triển cùng những rủi ro về FinTech trên thế giới. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán và các tổ chức khác của Việt Nam có kế hoạch cụ thể để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhanh, nhưng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam.
Theo Vietnam FinTech Report 2020, thị trường FinTech Việt Nam năm 2020 thu hút được hàng trăm triệu USD trong 4 thương vụ kêu gọi vốn thành công, ước tính tổng giá trị FinTech đạt khoảng 7,8 tỷ USD.
Còn theo báo cáo “FinTech in ASEAN 2021”, hiện Việt Nam có khoảng 115 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính. 115 FinTech này hoạt động chủ yếu trong 5 lĩnh vực chính và chiếm 76% trên tổng số (thanh toán, cho vay P2P, blockchain, POS, quản lý tài sản). Trong đó, 38 công ty khởi nghiệp về thanh toán và 18 công ty cho vay P2P, chiếm 49% số doanh nghiệp tham gia vào thị trường FinTech. Sự phát triển của các công ty khởi nghiệp FinTech Việt Nam trong vòng 5 năm qua rất đáng chú ý. Năm 2015, có tổng cộng 39 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam, thì trong 2 năm 2019, 2020 đã có tổng cộng 115 công ty khởi nghiệp được thành lập.
Phần lớn các công ty trong lĩnh vực FinTech Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực thanh toán B2C, B2B FinTech vẫn chưa có nhiều hoạt động sôi nổi và một số nhà sáng lập FinTech (FinTech Founder) đang tìm kiếm thị trường ngách cho chính mình (Niche Market FinTech). Lĩnh vực này chiếm 33% tổng số các công ty khởi nghiệp FinTech vào năm 2020. Lĩnh vực hoạt động tích cực nhất tiếp theo là cho vay P2P với 16% số công ty khởi nghiệp. Các lĩnh vực khác chiếm từ 2% đến 13% trong bối cảnh khởi nghiệp vào năm 2020 (Hình).
Hình: Các dịch vụ FinTech tại Việt Nam năm 2020
Một số rủi ro, thách thức
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng sự phát triển của FinTech ở Việt Nam cũng phải đối mặt với một số rủi ro, thách thức, đó là:
- Về vấn đề dữ liệu, hiện FinTech chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Dữ liệu về doanh nghiệp còn phân tán, thiếu cập nhật, thiếu nhất quán và đồng bộ. Rủi ro an ninh mạng đang ở mức cao, trong khi nhận thức và giải pháp cho FinTech còn hạn chế. Khách hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro mới về lộ lọt thông tin cá nhân; bị hack tài khoản, mất tiền; khiếu nại, giải quyết có thể phức tạp hơn.
- Về mặt pháp lý, chính sách, cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; quy định về hoạt động FinTech (dạng sandbox – thử nghiệm có kiểm soát) chưa được ban hành; các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung còn thiếu; cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu mới manh nha…
- Về vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng, rủi ro an ninh mạng ở mức cao, tinh vi khó kiểm soát hơn, nhất là các rủi ro trong vấn đề về rửa tiền, tài trợ khủng bố, an ninh an toàn bảo mật dữ liệu, tấn công của hacker… đe dọa tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính…
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Nhằm thúc đẩy phát triển FinTech ở Việt Nam hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
- Cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động FinTech theo cách tiếp cận mở, nhưng kiểm soát được rủi ro (cơ chế sandbox…).
- Ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính…
- Tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý FinTech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…).
- Mặt khác, cần xây dựng các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, công ty FinTech, công ty công nghệ thông tin lớn, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường FinTech.
- Có giải pháp hỗ trợ, định hướng, ưu đãi để nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho ứng dụng và quản lý FinTech; Có cơ chế khuyến khích đào tạo nhân lực và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển FinTech. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn của các tổ chức quốc tế như: ADB, WB... và hợp tác song phương với các cơ quan quản lý các nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong quản lý các doanh nghiệp FinTech.
Về phía các doanh nghiệp tài chính của Việt Nam. Các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty dịch vụ thanh toán, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các trường đại học… cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nắm bắt các xu hướng phát triển FinTech trên thế giới hiện nay và tham khảo các mô hình FinTech đang được sử dụng trên toàn cầu, vận dụng phù hợp vào thực tế. Đồng thời, có các chiến lược đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị, cơ sở hạ tầng nói chung và giải pháp đào tạo cụ thể để phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực này trong thời gian tới./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2015). Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử
2. Vũ Thị Ánh Tuyết, Vũ Thị Thanh Thủy (2021). Ứng dụng và phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 6/2021
3. Viễn Thông (2017). 6 xu hướng FinTech trong năm 2017, truy cập từ https://startup.vnexpress.net
4. Findexable (2019). The Global FinTech Index 2020- The Global FinTech Index City Rankings Report, Version 1.0 - December
5. FinTech News (2020). Vietnam FinTech Report 2020
6. The United Overseas Bank, PwC Singapore and the Singapore FinTech Association (SFA) (2021). The report “FinTech in ASEAN 2021”
TS. Đỗ Quang Trị
Trường Đại học Văn Lang
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021)
Bình luận