NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 ĐẾN LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM

Theo báo cáo dự báo về tác động của đại dịch Covid-19 tới việc làm của Tổ chức Lao động Quôc tế (ILO), thời giờ làm việc toàn cầu năm 2021 sẽ thấp hơn 4,3% so với mức trước đại dịch (quý IV/2019), tương đương với 125 triệu việc làm toàn thời gian. Bên cạnh đó, đại dịch làm cho “thu nhập của người lao động giảm mạnh và tỷ lệ nghèo gia tăng”. Nhìn một cách tổng thể, đại dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế và xã hội trên quy mô toàn thế giới, bởi những tác động đa chiều và hậu quả lâu dài đối với hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay đã trải qua 4 đợt dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan ngày càng rộng, phức tạp và khó lường hơn. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay là đợt dịch nghiêm trọng nhất và vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp [1], gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, tác động mạnh đến việc làm, thu nhập, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong khu vực cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội.

Tác động của đại dịch Covid-19 tới lao động, việc làm và các giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động. Ảnh: Internet.

Từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động (9,1 triệu người trong quý I/2021; 12,8 triệu người trong quý II/2021 và tới hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021). Trong quý III/2021, có 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 12,0 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu bị giảm thu nhập. Hầu hết những lao động bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.

Tất cả các vùng trong cả nước đều bị ảnh hưởng mức độ khác nhau, nhưng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; số người lao động ở 2 vùng này chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch lần lượt là 59,1% và 44,7%. Tỷ lệ này ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thấp hơn nhiều, lần lượt là 17,4% và 19,7%.

Nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng: Lực lượng lao động quý III/2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua: Số lượng lao động có việc làm quý III/2021 là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Sự suy giảm việc làm không đồng đều ở các vùng lãnh thổ, giảm nhiều nhất là vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, là xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều: lao động có việc làm trong ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản là 14,5 triệu người, tăng 479,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm tăng cao: Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46% (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước. Trong đó, ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động), tăng 1,36% (532 nghìn người) so với quý trước và tăng 1,25% (449 nghìn người) so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18% so với quý trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn: Thu nhập bình quân tháng của lao động chỉ còn là 5,2 triệu đồng (quý III/2021), giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh: Theo đó, khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9, trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP. Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Từ ngày 30/9 đến 15/10/2021, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách, theo báo cáo của 33 tỉnh, thành phố đã có tới 436.461 người lao động trở về quê, kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động tạm thời và áp lực giải quyết việc làm tại chỗ, nhất là thời điểm giáp Tết.

TÌNH HÌNH BAN HÀNH VÀ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19

Trước tình hình trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp ngắn hạn nhằm hỗ trợ trực tiếp, chia sẻ những khó khăn với người lao động và doanh nghiệp để ứng phó với đại dịch Covid-19. Một số chính sách đã ban hành, cụ thể như: Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Các chính sách đã ban hành kịp thời, nhanh chóng, cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch, như: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bị giảm thu nhập, mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch, gồm: người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp với nhiều gói hỗ trợ trực tiếp đã góp phần san sẻ những gánh nặng của người dân trong đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhiều chính sách có tỷ lệ giải ngân nhanh, được xã hội đánh giá cao, như: an toàn lao động, bảo hiểm thất nghiệp… Các chính sách không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khi gặp khó khăn, mà còn tính đến việc hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch, có ý nghĩa thiết thực đối với doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp.

Mặc dù các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song trong việc triển khai thực thi các chính sách hỗ trợ còn những hạn chế nhất định, như: Quy mô hỗ trợ còn nhỏ, mức hỗ trợ còn thấp, một số chính sách có tỷ lệ đạt thấp do hạn chế trong công tác xác định đối tượng và rào cản về thủ tục hành chính; người lao động và người sử dụng lao động hiểu biết về các chính sách chưa thật đầy đủ, cặn kẽ; các địa phương còn chưa chủ động trong kinh phí hỗ trợ; khó khăn trong việc xác định đối tượng hỗ trợ do thiếu cơ sở dữ liệu, thông tin…

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và được dự báo là chưa thể kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023 làm cho khả năng phục hồi và phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tổ chức ILO cũng đưa ra nhận định khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 cần nhiều thời gian để phục hồi, tăng trưởng việc làm sẽ không đủ bù đắp cho những thiệt hại ít nhất phải đến năm 2023.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho thị trường lao động Việt Nam càng bộc lộ rõ hơn những vấn đề cần phải tập trung giải quyết, như: tăng áp lực giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch do gần 2 triệu lao động rời bỏ thị trường lao động sẽ quay trở lại để tìm kiếm việc làm sau thời gian dài giãn cách (phần lớn thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam); sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động trở nên nghiêm trọng hơn do 2 làn sóng dịch chuyển lao động từ các địa phương thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam về các tỉnh vốn dĩ đang dư thừa lao động; thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương gây nên nguy cơ thiếu hụt lao động, do áp dụng các quy định về điều kiện y tế, đi lại để phòng chống dịch, không thuận lợi cho di chuyển, cung ứng lao động; gia tăng khoảng cách giữa các kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần, để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường do đại dịch Covid-19, đã khiến cho lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị mất việc làm lớn, các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề bị hạn chế. Đồng thời, dịch bệnh lại đang thúc đẩy nhanh hơn việc chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi theo với đó là yêu cầu cấp thiết trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số; thông tin, dữ liệu về người lao động thiếu kịp thời và đầy đủ, kết nối thông tin dữ liệu hạn chế gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện chính sách.

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài cùng với những khó khăn, áp lực về lao động việc làm mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 05/02/2021. Đồng thời, Bộ cũng đã chủ động ban hành Chương trình Hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH, ngày 13/12/2021). Trong đó, tập trung triển khai ngay những giải pháp cụ thể, ngắn hạn để góp phần phục hồi, phát triển thị trường lao động và cũng có những giải pháp bảo đảm sự phát triển bền vững thị trường lao động sau đại dịch. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp người lao động, tuyên truyền, định hướng thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tham gia kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm Covid-19… để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Các giải pháp có tính tới các địa bàn trọng điểm thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có khu kinh tế lớn, các địa phương có lực lượng lao động lớn.

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022-2023 về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn; quy định về thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; các chính sách hỗ trợ giảm chi phí tuyển dụng lao động (miễn phí chi phí tuyển dụng qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, khuyến khích doanh nghiệp giảm chi phí, hỗ trợ tham gia các phiên giao dịch việc làm…); có chính sách giảm lãi suất, bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng gấp lao động phục vụ cho doanh nghiệp theo các cấp độ từ đào tạo phổ cập nghề đến đào tạo chất lượng cao, đào tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đào tạo trước mắt theo các nghề phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Đồng thời, cũng đưa ra giải pháp để chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động. Các giải pháp tập trung vào việc hình thành hệ thống thu thập, chia sẻ thông tin về việc làm trống, người tìm việc để phục vụ kết nối, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc làm thành công để nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm; hiện đại hóa hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng số của hoạt động kết nối cung – cầu lao động.

Thứ năm, phát triển bền vững thị trường lao động. Xây dựng và phát triển, hiện đại các thể chế của thị trường lao động; hiện đại hóa quản trị thị trường lao động. Tập trung rà soát các quy định của pháp luật, hình thành được cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu về dân cư để phục vụ quản lý, thực hiện các chính sách về lao động việc làm chính xác, kịp thời; có phương án kịp thời để huy động, điều tiết các đối tượng học sinh trường nghề, sinh viên, tham gia phục hồi sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, ngành nghề trọng yếu.

Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Tập trung vào tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về pháp luật lao động, việc làm, phát triển đội ngũ hòa giải viên, trọng tài viên để kịp thời giải quyết tranh chấp lao động, đình công./.


[1] Từ ngày 27/4/2021 đến 09/11/2021, cả nước có 978.927 ca nhiễm, trong đó có 22.286 ca tử vong, tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (441.216 ca nhiễm, 16.844 ca tỷ vong), Bình Dương (240.347 ca nhiễm, 2.514 ca tử vong), Long An (35.917 ca nhiễm, 508 ca tử vong), Đồng Nai (74.065 ca nhiễm, 612 ca tử vong) và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 2, tháng 1/2022)