Thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sơn mài ở Làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) sang thị trường Đức
Nguyễn Thị Ngọc Anh
Sở Ngoại vụ TP. Hà Nội
Tóm tắt
Bài viết khái quát về tình hình xuất khẩu sản phẩm sơn mài của Làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) (sau đây gọi tắt là Làng nghề Hạ Thái), đồng thời nêu lên tiềm năng xuất khẩu sản phẩm sơn mài của Làng nghề Hạ Thái sang thị trường Đức. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp hiệu quả, mang tính thực tiễn đối với Làng nghề Hạ Thái và đối với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Làng nghề Hạ Thái, nhằm bảo tồn, phát triển nghề sơn mài truyền thống, để trở thành ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ khóa: sản phẩm sơn mài, Làng nghề Hạ Thái, xuất khẩu, thị trường Đức
Summary
This article provides an overview of the export situation of lacquer products of Ha Thai Lacquer Craft Village (Thuong Tin district, Hanoi City) (hereinafter referred to as Ha Thai Craft Village) and highlights the potential for exporting lacquer products from Ha Thai Craft Village to the German market. On that basis, the author proposes effective and practical solutions for Ha Thai Craft Village and state management agencies regarding support mechanisms and policies of Ha Thai Craft Village to preserve and develop traditional lacquer craft, make it a key export industry, and promote local socio-economic growth.
Keywords: lacquer products, Ha Thai Craft Village, export, German market
ĐẶT VẤN ĐỀ
Sản xuất sơn mài truyền thống là nghề thủ công đặc sắc và rất độc đáo của Việt Nam. Qua nhiều thế kỷ, sơn mài không chỉ phát triển trong nước mà được xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ. Trong đó, Làng nghề sơn mài Hạ Thái (thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, để đưa được hàng sơn mài Việt Nam sang châu Âu nói chung, thị trường Đức nói riêng (là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 4 thế giới và là một trong những thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới) trong điều kiện năng lực cạnh tranh còn thấp và đang trong quá trình phát triển, thì Làng nghề sơn mài Hạ Thái cần phải xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cũng như các cơ hội, thách thức, từ đó có các giải pháp hiệu quả và thiết thực.
TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM SƠN MÀI CỦA LÀNG NGHỀ HẠ THÁI
Với năng lực sản xuất khoảng 2 triệu sản phẩm/năm, các sản phẩm sơn mài Hạ Thái rất đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội (2023), hiện nay, thôn Hạ Thái có 10 doanh nghiệp và 69 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sơn mài truyền thống với hơn 70% số hộ chuyên làm nghề sơn mài, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương và gần 300 lao động ở các địa phương khác đến làm việc (Bảng 1).
Về cơ cấu sản phẩm sơn mài Hạ Thái gồm: tranh trang trí, lọ hoa, khay, hộp, chén bát, các sản phẩm ứng dụng trong nội thất cao cấp như giường, tủ, bình phong, bàn ghế, đồ thờ tự… Những năm gần đây, xuất khẩu sản phẩm sơn mài Hạ Thái có tốc độ tăng trưởng cao, có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các thị trường, như: Anh, Pháp, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Australia, Nga, Nhật, Hàn Quốc. Doanh thu mỗi hộ hằng năm trung bình đạt 150-200 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của làng nghề Hạ Thái trên 10 triệu USD (Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, 2023).
Bảng 1: Thông tin chung về sản phẩm sơn mài của Làng nghề Hạ Thái
Nguồn: Sở Công Thương TP. Hà Nội |
VỀ NHU CẦU NHẬP KHẨU SẢN PHẨM SƠN MÀI CỦA ĐỨC
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 19% xuất khẩu của nước ta sang EU) và là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á và đối tác lớn thứ 6 của Đức ở châu Á (Khánh An, 2024).
Bảng 2 cho thấy, quy mô thị trường sơn mài nội thất giai đoạn 2024-2035 sẽ vượt quá 11,3 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến năm 2025 sẽ vượt 20,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, thị trường sơn mài nói chung trên thế giới đang có nhu cầu ngày càng tăng cao, nhất là đối với các mặt hàng đồ nội thất có thiết kế mẫu mã tinh xảo, độc đáo.
Bảng 2: Phạm vi báo cáo thị trường hàng sơn mài trên thế giới
Nguồn: https://www.fundamentalbusinessinsights.com/industry-report/furniture-lacquer-market-2007#market-dynamics |
Tại châu Âu, Đức là thị trường đứng đầu về nhập khẩu hàng sơn mài. Theo dữ liệu nhập khẩu Đức của Volza (cập nhật đến ngày 13/11/2023), Việt Nam là 1 trong 3 nhà cung cấp sản phẩm sơn mài lớn nhất tại thị trường Đức với 1.879 lô hàng (Bảng 3).
Bảng 3: Số liệu nhập khẩu sơn mài gỗ của Đức - nhập khẩu của Việt Nam
(cập nhật đến ngày 13/11/2023)
Nguồn: https://www.volza.com/p/wood-lacquer/import/import-in-germany/ |
PHÂN TÍCH SWOT XUẤT KHẨU HÀNG SƠN MÀI CỦA LÀNG NGHỀ HẠ THÁI SANG THỊ TRƯỜNG ĐỨC
Để có thể xuất khẩu sản phẩm sơn mài của Làng nghề Hạ Thái sang thị trường Đức, cần nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, được thể hiện trong Bảng 4.
Bảng 4: Phân tích việc xuất khẩu hàng sơn mài của Làng nghề Hạ Thái sang thị trường Đức theo mô hình SWOT
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả |
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU SẢN PHẨM SƠN MÀI HẠ THÁI SANG THỊ TRƯỜNG ĐỨC
Về phía cơ quan quản lý nhà nước
- Tiếp tục hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển Làng nghề sơn mài Hạ Thái, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ xử lý môi trường; khuyến khích, ưu tiên các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sơn mài dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để phục vụ phát triển sản xuất và kinh doanh.
- Xây dựng chiến lược phát triển làng nghề và doanh nghiệp làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của làng nghề kết hợp với di tích lịch sử của địa phương phát triển du lịch, góp phần quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm nguồn thu cho địa phương; hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày, bảo tàng nghề, đầu tư xây dựng Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về ngành hàng thủ công mỹ nghệ và các làng nghề truyền thống.
- Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, chú trọng cung cấp thông tin thị trường, tăng cường áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng Webiste giới thiệu sản phẩm làng nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá xếp loại làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý từ các cấp chính quyền đến các hộ doanh nghiệp, hộ sản xuất trong sản xuất và xuất khẩu.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất thuận lợi, liên kết giữa các làng nghề sơn mài và khu vực trồng nguyên liệu tại các địa phương.
- Hỗ trợ làng nghề đào tạo nâng cao tay nghề cho nghệ nhân, đội ngũ thiết kế tạo mẫu chuyên nghiệp, đội ngũ quản trị doanh nghiệp có kiến thức kinh doanh, trình độ ngoại ngữ; tổ chức tập huấn, tư vấn cho các nghệ nhân cũng như các cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ.
- Tăng cường chất lượng và vai trò của các hiệp hội trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ, tổ chức các hoạt động gắn kết các làng nghề, các nghệ nhân tạo nên sự tương trợ và sự kết hợp giữa các sản phẩm về chất liệu, về nghề, nguồn nguyên liệu.
Về phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong Làng nghề
Thứ nhất, đổi mới chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng sơn mài
Nhanh chóng nắm bắt cơ chế, chính sách của Nhà nước để tận dụng những ưu đãi đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; ưu đãi từ chương trình hỗ trợ làng nghề truyền thống, chương trình xúc tiến thương mại của của Thành phố. Chủ động tìm hiểu, phân tích xu hướng tiêu dùng của thị trường Đức, tham gia các hội chợ thương mại uy tín, diễn đàn và các sự kiện giao thương để nắm bắt thông tin thị trường và tiếp cận đối tác tiềm năng.
Tham gia phối hợp với chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng Trung tâm bảo tồn, giới thiệu và phát triển Làng nghề Hạ Thái để lưu giữ và quảng bá truyền thống của làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dễ tiếp cận và trao đổi thúc đẩy lưu thông hàng hóa.
Thứ hai, chủ động nâng cao nhận thức và tăng cường đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm: Đẩy mạnh đầu tư về công nghệ sản xuất, nâng cấp trang thiết bị máy móc, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; Tìm hiểu các yêu cầu về quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn đáp ứng thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các quy định về an toàn sức khỏe còn người và môi trường; Quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, chủ động hợp tác với các nhà thiết kế chuyên nghiệp để sáng tạo mẫu mã, manh tính đột phá phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của thị trường quốc tế.
- Mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin dự báo, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng; các quy định pháp lý và quy định hải quan của nước nhập khẩu, hệ thống tiêu thụ sản phẩm..; Hoạch định chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển thị trường trong đó tiếp tục củng cố và duy trì đối tác xuất khẩu truyền thống, tăng cường công tác xúc tiến, tích cực tìm kiếm cơ hội gặp gỡ đối tác mới, tìm kiếm thị trường mới. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại như tích cực tham gia các hội chợ trưng bày, triển lãm quốc tế ở trong và ngoài nước, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Chủ động thúc đẩy chuyển giao công nghệ và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Đưa máy móc công nghệ vào quá trình sản xuất tiết kiệm sức lao động, tạo nên sản phẩm đồng loạt, năng suất hơn; Chủ động hoàn thiện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, chất lượng và quy trình sản xuất đầy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; Chủ động nghiên cứu đăng ký các giấy phép, nhãn hiệu cho sản phẩm phù hợp với từng thị trường.
Thứ ba, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về xây dựng và phát triển thương hiệu
- Chủ động đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường nhận diện thương hiệu trực tuyến qua website, các mạng xã hội với đầy đủ thông tin, chứng minh năng lực để mở rộng quảng bá thương hiệu đến với đối tác nước ngoài và xây dựng niềm tin cũng cần được doanh nghiệp chú trọng hơn nữa. Tận dụng các nền tảng trực tuyến để cung cấp thông tin về thương hiệu, các tài liệu hướng dẫn, video và diễn đàn trao đổi kiến thức giữa các chủ thể.
- Tập trung đẩy mạnh đưa sản phẩm, hàng hóa lên nền tảng thương mại điện tử, góp phần đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, như: thể hiện tính văn minh, nhanh nhạy, tăng doanh thu, giảm chi phí vận chuyển, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.
- Chủ động đa dạng hóa các hình thức tự đào tạo về kiến thức thương hiệu, xác định đây là sự phát triển của doanh nghiệp. Có thể tham gia qua nhiều hình thức: hội thảo, tọa đàm, các kênh thông tin trực tuyến, cung cấp các tài liệu hướng dẫn. Tăng cường tự tổ chức, tham gia các sự kiện, hội thảo giao lưu, hợp tác về phát triển thương hiệu, tạo cơ hội nâng cao kiến thức, kết nối và tìm kiếm thông tin thị trường, khách hàng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề.
- Xây dựng bộ phận chuyên trách về phát triển thương hiệu làng nghề. Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tùy theo điều kiện xây dựng một bộ phận nhân sự chuyên trách về thương hiệu.
Thứ tư, bồi dưỡng nâng cao chất lượng người lao động
- Tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Có chiến lược hỗ trợ, khuyến khích cho khâu thiết kế và sản xuất hàng mẫu, đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, đồng thời có chính sách hỗ trợ bảo đảm việc làm, nguồn thu nhập ổn định, chính sách phúc lợi cho người lao động, khuyến khích các nghệ nhân và người lao động tay nghề cao gắn bó với nghề. Ngoài ra để đẩy mạnh xuất khẩu, các tổ chức doanh nghiệp cũng cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực về thương mại quốc tế, marketing, xuất khẩu, luật quốc tế.
Cần khuyến khích các nghệ nhân và thợ giỏi trong cơ sở kinh doanh phát huy tối đa năng lực của họ và truyền đạt kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống của làng nghề. Động viên người thợ giỏi đăng ký phong danh hiệu nghệ nhân các cấp để giá trị tay nghề được vinh danh, đồng thời sản phẩm của nghệ nhân cũng tăng giá trị kinh tế và hưởng những đãi ngộ của Nhà nước.
Thứ năm, tăng cường đầu tư tài chính, xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ
- Mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ và xây dựng kế hoạch bài bản, cần tính toán để sử dụng một phần ngân sách hợp lý để đầu tư cho phát triển thương hiệu. Nhận thức được tầm quan trọng của ngân sách dành cho các hoạt động, các doanh nghiệp mới có khả năng phân bổ ngân sách cũng như thực hiện các hoạt động một cách hiệu quả.
- Để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hoặc huy động đầu tư từ các đối tác. Lập ngân sách dự phòng hợp lý cho các hoạt động phát triển thương hiệu để có thể điều chỉnh khi cần thiết do biến động thị trường. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính sẽ góp phần quan trọng cho sự thành công của chiến lược phát triển thương hiệu làng nghề.
Thứ sáu, đổi mới, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước
Mẫu sản phẩm là khâu chốt quan trọng, vì có được mẫu đẹp, phù hợp, phía đối tác mới đặt hàng và mua hàng. Việc tạo nên chất lượng thẩm mỹ cần có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, nắm được nhu cầu thị trường, có sự nghiên cứu các xu hướng từ phía các thị trường xuất nhập khẩu.
Đồng thời cần xác định, chất lượng hàng hóa sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh chính, cần tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng và môi trường, đảm bảo quy chuẩn thị trường Đức là thị trường khó tính, chuẩn, thường xuyên cập nhật, bổ sung với các hệ thống kiểm soát rất phức tạp, yêu cầu chất lượng cao./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Minh (2023), Phát triển nghệ sơn mài Hạ Thái, truy cập từ https://nhipsonghanoi.hanoimoi.vn/phat-trien-nghe-son-mai-ha-thai-640292.html.
2. Khánh An (2024), Đức coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn và tin cậy, truy cập từ https://congthuong.vn/duc-coi-viet-nam-la-thi-truong-hap-dan-va-tin-cay-299504.html.
3. Nguyễn Hoa (2023), Đưa sơn mài Hạ Thái vươn xa, truy cập từ https://laodongthudo.vn/dua-son-mai-ha-thai-vuon-xa-159180.html, 10.8.2023.
4. Phòng Làng nghề - Sở Công Thương Hà Nội (2023), Thông tin chung về Làng nghề Hạ Thái.
Ngày nhận bài: 01/7/2024; Ngày phản biện: 4/7/2024; Ngày duyệt đăng: 16/7/2024 |
Bình luận