Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Ngày 09/03/2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/03/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phát triển khu vực kinh tế tập thể còn nhiều bất cập
Kết luận nêu rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, hoàn thiện. Tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhà nước từng bước được củng cố. Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã các cấp được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả song việc phát triển khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế
Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Việc thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương.
Điều đáng nói là những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã kiểu cũ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể, hợp tác xã nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên. Chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, chế độ kế toán, kiểm toán. Việc tổng kết lý luận, pháp luật về hợp tác xã chưa kịp thời. Ðội ngũ cán bộ của nhiều hợp tác xã còn yếu, chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý kinh tế thị trường.
Để phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể
Trên cơ sở những bất cập, hạn chế trong phát triển của khu vực kinh tế tập thể, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tập trung thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên. Ðưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chú ý công tác tổng kết, hoàn thiện hệ thống lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hai là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Có phương án xử lý dứt điểm việc nợ đọng ở các hợp tác xã, tạo điều kiện để giải thể các hợp tác xã kiểu cũ, yếu kém hoặc chuyển sang hình thức kinh tế khác. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của đất nước. Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ hợp tác xã và cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Có cơ chế để các hợp tác xã đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công. Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về kinh tế tập thể, hợp tác xã trên toàn quốc.
Ba là, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng ngành kế hoạch và đầu tư thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn tổ chức ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Trung ương và địa phương để thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bốn là, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên, khả năng huy động, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các hợp tác xã.
Năm là, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống liên minh hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, ủy thác (kiểm toán, đào tạo, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ...) theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Sáu là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc thực hiện Nghị quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã./.
Bình luận