Huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Đề án xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Thạnh giai đoạn 2011- 2020; Huyện ủy- HĐND- UBND Huyện đã chỉ đạo quyết liệt, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân với các phong trào thi đua sôi nổi chung tay đóng góp xây dựng hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới. Đến ngày 30/06/2018, huyện Vĩnh Thạnh đã có 9/9 xã được UBND tThành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, có nhiều chỉ tiêu đạt sớm và vượt so với kế hoạch.
Hạ tầng giao thông của huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ ngày càng khang trang, sạch đẹp
Sau gần 8 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có những chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng trở nên khang trang hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị - an ninh trật tự xã hội được giữ vững ổn định.
Hiện, toàn Huyện có 6 tuyến đường do huyện quản lý đã cứng hóa 100% (35,08km). Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Tiêu chí về thủy lợi, từ năm 2011 đến nay đã thực hiện 237 công trình, nâng cấp đê bao với kinh phí khoảng 223 tỷ đồng. Nhờ đó, phát huy được vai trò tích cực trong việc tưới, tiêu, làm đê bao ngăn lũ, giao thông nông thôn, phục vụ nhu cầu giao lưu, vận chuyển hàng hóa của người dân...
Cùng với đó, huyện Vĩnh Thạnh còn ưu tiên cho các lĩnh vực về y tế, văn hóa, giáo dục. Những năm qua, hệ thống tổ chức y tế toàn huyện được củng cố và phát triển; tỷ lệ bác sĩ đạt 3,56 người/10.000 dân, tỷ lệ giường bệnh đạt 8,49 giường bệnh/10.000 dân. Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện hiện có đủ các phòng làm việc, chức năng và các phương tiện chuyên dùng đảm bảo đáp ứng các hoạt động hội họp, văn hóa, văn nghệ, thể thao... Để cải thiện thu nhập cho người dân, huyện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị như mô hình “Cánh đồng lớn” giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận trung bình từ 2,2-2,5 triệu đồng/ha...
Đồng thời, Huyện cũng đã đề ra các giải pháp để nâng chất các tiêu chí nông thôn mới như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tới cấp ủy, chính quyền và người dân; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến xã, ấp; tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất của người dân; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, tập trung chỉnh trang nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao.../.
Bình luận