Bình Định có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2016-2018, ngoài thực hiện các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh; Huyện ủy đã cho chủ trương ban hành một số cơ chế theo quy định pháp luật đối với các xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới: Hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học...; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn (chương trình khuyến nông - lâm - ngư 270 triệu/năm, khoa học công nghệ 1,5 tỷ đồng, chuyển đổi cây trồng cạn 1,790 tỷ đồng); Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện đã tăng đáng kể: năm 2017 là 34 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2016; năm 2018 là 45,3 triệu đồng/người/năm, tăng 11,3 triệu đồng so với năm 2017.
Hồi Nhơn là một trong 2 huyện của tỉnh Bình Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Từ năm 2016 đến nay, toàn Huyện đã thực hiện được 209.041km, trong đó: Bê tông nhựa, xi măng 130.835km, cấp phối 78.206km, tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Đến nay, đường trục xã, liên xã đều được bê tông xi măng, từng bước nhựa hóa; đường trục thôn, xóm được bê tông xi măng, cứng hóa; đường trục chính nội đồng được mở rộng, cứng hóa, đảm bảo thuận tiện đi lại, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.
Huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa nhiều công trình thủy lợi, gồm hệ thống kênh mương, đập thủy lợi, hồ chứa... cơ bản đáp ứng và đảm bảo chủ động tưới cho 93% diện tích sản xuất, đạt 109,4% kế hoạch, góp phần quan trọng trong điều tiết lũ, hạn chế thiệt hại vùng hạ lưu.
Có được kết quả này phải kể đến sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân toàn huyện trong việc nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Phong trào chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới đã và đang lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia, ủng hộ. Trong giai đoạn 2016–2020, nhân dân trong huyện đã hiến trên trên 107.000m2 đất, gần 3.500 cây dừa và hàng nghìn cây trồng khác, đóng góp gần 33,55 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công để tham gia xây dựng đường bê tông, các công trình công ích.
Các phong trào như: “Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Hoài Nhơn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân phát huy nội lực để phát triển cộng đồng”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tuyến đường tự quản”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, huy động trí tuệ, nguồn lực của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Chương trình đạt hiệu quả cao.
Cùng với huyện Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn cũng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Có được kết quả này, ngày từ năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã An Nhơn bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng những bước đi thích hợp, hiệu quả đã tạo sự thống nhất cả về ý chí lẫn hành động trong toàn hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân đã đưa An Nhơn về đích nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn trên đất thị thành đã đổi mới phát triển rõ rệt; Hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp hoàn thiện đáp ứng các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương đi lại của nhân dân. Đặc biệt đời sống vật chất tinh thần của người dân đã nâng cao rõ rệt.
Qua 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã An Nhơn đã đầu tư trên 414 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng trên 404 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất trên 8,1 tỷ đồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gần 2 tỷ đồng. Nhân dân địa phương đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền mặt trên 66 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn, lắp đặt điện thắp sáng đường nông thôn; đấu nối đường ống nước sinh hoạt và các hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Tính đến đến đầu năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các xã xây dựng nông thôn mới ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gần 8 triệu đồng so với năm 2015; Điều đáng mừng đến nay đã có gần 96% lao động ở nông thôn có việc làm thường xuyên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4 %./.
Bình luận