Các quốc gia trong ASEAN được lợi nhất từ RCEP
Ngày 15/11/2020, 10 nước ASEAN và 5 nước gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Sau hơn 8 năm với tổng cộng 31 vòng đàm phán, khu thương mại tự do bao trùm gần 30% dân số và khoảng 30% GDP toàn cầu cuối cùng đã ra đời. Với mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác kinh tế chất lượng cao, toàn diện và cùng có lợi, RCEP không những thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thương mại khu vực, mà còn tiếp thêm sức sống mới cho sự phục hồi của kinh tế thế giới.
RCEP cũng đặt các nước ASEAN trước việc phải tiến hành cải cách mạnh mẽ trong khoảng thời gian có thể phải mất từ 5 đến 10 năm, thì mới có thể tạo được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, bên hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP có thể không phải là Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà là các nước ASEAN. Ví như, nếu Indonesia và Thái Lan có thể tham gia nền kinh tế khu vực với hiệu suất cao hơn và liên tục phát triển mạng lưới công nghệ riêng, thì họ có thể dần trở thành trung tâm công nghệ của khu vực. Nếu vậy, Việt Nam trong cộng đồng ASEAN được hưởng lợi như thế nào trong thời kỳ hậu RCEP, đang nổi lên thành mối quan tâm lớn của các giới, các nhà kinh tế và đặc biệt là doanh nghiệp.
Bối cảnh kinh tế khu vực ASEAN trong thực hiện RCEP
Hiện tại, khu vực Đông Á đã có nhiều hiệp định thương mại tự do “10+1” giữa ASEAN với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các mối quan hệ thương mại tự do giữa các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Chính vì sự cùng phát triển nhiều hiệp định thương mại tự do, khiến dễ dẫn đến cái gọi là “hiệu ứng bát mì” - các ưu đãi và quy tắc xuất xứ khác nhau của các thỏa thuận lẫn lộn và chồng chéo lên nhau. Với tư cách “người tích hợp” hiệu quả các quy tắc khu vực, RCEP tối ưu hóa và tích hợp các quy tắc kinh tế và thương mại khu vực.
RCEP ra đời trong thời điểm dư luận quốc tế có nhiều hoài nghi liệu có phải Mỹ đang bớt coi trọng Đông Nam Á, bởi tổng thống Trump liên tục vắng mặt và thay bằng các đại diện có cấp bậc thấp dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Cụ thể, năm 2018 là năm thứ ba Tổng thống Mỹ không tham dự chuỗi các hội nghị cấp cao ASEAN. Năm 2019, Mỹ cử hai quan chức có cấp bậc tương đối thấp là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tham dự.
Còn trước đó, kể từ khi trở thành thành viên của Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2011, Mỹ (một nước rất chú trọng việc duy trì tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á) luôn cử tổng thống, hoặc nếu không thể tham dự thì sẽ thay thế bằng phó tổng thống hoặc ngoại trưởng tham dự. Tuy nhiên, chưa thể biết xu hướng chính sách và quan niệm đối ngoại của Mỹ dưới thời Biden, nhưng RCEP là hiệp định thương mại tự do thứ hai có phạm vi bao trùm tương đối lớn mà không có sự tham gia của Mỹ. Điều này có thể cho phép các nước ASEAN nâng cao vị thế kinh tế trong chiến lược của Mỹ, thậm chí mở rộng sang cả lĩnh vực chính trị. Đồng thời, kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương đã mang đến nhiều yếu tố khó lường cho kinh tế thế giới, việc RCEP được ký kết một lần nữa cho thấy tự do hóa và toàn cầu hóa thương mại là một xu thế không thể ngăn cản.
Vai trò trung tâm của ASEAN và sự hội nhập kinh tế hiện nay
Hiện tại, ASEAN coi việc duy trì sự đoàn kết, trung tâm và vai trò lãnh đạo là mục tiêu chiến lược trong xử lý các chính sách đối nội và đối ngoại, đồng thời muốn tận dụng triệt để những điều này để mang lại nhiều lợi ích chiến lược hơn cho các nước thành viên, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Xem xét từ các văn kiện hiện có, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã chỉ ra rằng, cần phải thông qua việc tăng cường hội nhập và đẩy mạnh quan hệ đối ngoại để bảo đảm vai trò trung tâm của khối này.
Từ góc độ hợp tác kinh tế, khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống khác do các nước lớn thúc đẩy và giữ vai trò chủ đạo như TPP, hiệp định RCEP bắt nguồn từ ASEAN và lấy ASEAN làm trung tâm. Khi giữa các nước thành viên xảy ra xung đột lợi ích, ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải, kết nối và đàm phán để đạt được phương án mà tất cả các bên chấp nhận. ASEAN kiên trì "phương thức ASEAN" độc đáo và mô hình lãnh đạo dựa trên nền tảng là sự đồng thuận, đồng thời đàm phán với các đối tác đối thoại để xây dựng chương trình hợp tác vừa mang tính nguyên tắc vừa có tính linh hoạt.
Số lượng thành viên và quy mô của RCEP
Về mức độ hội nhập ASEAN, khoảng cách chênh lệch giữa các nước ASEAN tương đối rõ ràng. Dựa vào trình độ phát triển kinh tế quốc dân, có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là Singapore và Brunei, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và trình độ kinh tế tương đối cao, nhưng do diện tích nhỏ hẹp và giá nhân công đắt nên ngành công nghiệp của những nước này tập trung vào phân khúc sản xuất các mặt hàng cao cấp.
Nhóm thứ hai là Malaysia và Thái Lan, có nền công nghiệp tương đối hoàn chỉnh và ngành sản xuất có tính cạnh tranh cao. Nhóm thứ ba là Indonesia, Philippines, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Lào, có nền tảng công nghiệp tương đối yếu, bù lại lực lượng lao động của những nước này có lợi thế rõ ràng về giá và số lượng, có sức hút mạnh mẽ đối với các ngành sử dụng nhiều sức lao động. Việc RCEP được ký kết sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng nhiều sức lao động từng bước chuyển dịch sang các nước thuộc nhóm thứ ba, như: Việt Nam và Campuchia; đầu tư trực tiếp không ngừng tăng lên, khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN dần được thu hẹp, cuối cùng phát triển theo hướng hội nhập kinh tế.
Cơ hội cho các nước ASEAN
Trong khuôn khổ RCEP, các tiêu chuẩn tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước thành viên từng bước được nới lỏng, các quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục hải quan dần được thống nhất và đơn giản hóa, thúc đẩy dòng chảy tự do của các yếu tố kinh tế trong khu vực, từ đó thúc đẩy các chuỗi ngành nghề toàn cầu và khu vực hội nhập và phát triển theo chiều sâu, thiết lập hệ thống phân công lao động hoàn thiện và chính xác hơn. Một khi RCEP chính thức đi vào hoạt động, hơn 90% thương mại hàng hóa sẽ được thực hiện mức thuế bằng 0 theo hình thức tiệm tiến trong vòng 10 năm; thông tin người dùng và quyền lợi của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử sẽ được bảo vệ; thủ tục hải quan và thông quan sẽ được đơn giản hóa thông qua các biện pháp quản lý hiệu quả cao như sử dụng công nghệ thông tin…
Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP khi có các mặt hàng thế mạnh như nông, thuỷ sản đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, độ mở của nền kinh tế đang ở mức 200% (thuộc hàng cao nhất trên thế giới), trong khi quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Một khi tiêu chuẩn tối thiểu về thành phần xuất xứ ở các nước thành viên RCEP được hình thành, mức thuế bằng 0 cuối cùng sẽ được thực hiện và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn có thể được hưởng các đãi ngộ liên quan.
Điều này hoàn toàn khác so với trước đây - các hiệp định song phương được ký kết giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không nhất quán về quy tắc xuất xứ và quy định thuế quan. Giờ đây, các hàng hóa sản xuất tại Việt Nam chỉ cần đạt tiêu chuẩn là có thể tự do lưu động giữa các nước trong khu vực. Trên cơ sở này, các công ty có thể xây dựng chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất đa quốc gia, kết nối thị trường nguyên phụ liệu và hàng hóa trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này không chỉ khiến việc mua nguyên phụ liệu thuận lợi hơn, mà còn có thể mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn, giảm chi phí giao dịch và thương mại cũng như tối đa hóa lợi ích.
Những thách thức của RCEP
Dưới tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. RCEP có thể giúp phục hồi mạnh mẽ niềm tin của các bên, thúc đẩy hội nhập và phát triển chuỗi ngành nghề cũng như chuỗi cung ứng trong khu vực, giúp phục hồi nền kinh tế ASEAN và thế giới. Theo các tính toán liên quan, đến năm 2025, dự kiến RCEP sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mức đầu tư lưu động với nước ngoài và GDP của các nước thành viên tăng lần lượt 10%, 2,6% và 1,8% so với mức sàn. Tương lai của RCEP tuy tươi sáng nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, và chặng đường phía trước không mấy suôn sẻ.
Thứ nhất, mặc dù RCEP đã chính thức được ký kết, nhưng theo Điều 6, Chương 20, hiệp định này cần phải được sự thẩm định, chấp nhận hoặc phê chuẩn của mỗi bên ký kết dựa trên các trình tự pháp lý tương ứng, cũng như cần phải có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước không phải thành viên ASEAN gửi giấy thẩm định và chấp thuận với cơ quan lưu chiểu. Việc ký kết RCEP mới chỉ là bước khởi đầu, sau khi được phê chuẩn tại các nước thành viên, mới chính thức có hiệu lực. Trong quá trình này, các yếu tố trong nước như: sự thay đổi chính quyền, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp… đều sẽ có những tác động lớn.
Thứ hai, về các vấn đề liên quan đến hiệp định, lấy thuế quan làm ví dụ, vì cân nhắc đến lợi ích của các ngành nghề của các bên ký kết, RCEP đã đặt ra khoảng thời gian chuyển tiếp dài hơn cho việc miễn giảm thuế, 90% thương mại hàng hóa sẽ được giảm về mức bằng 0 thông qua hình thức giảm thuế ngay lập tức và giảm thuế từng bước trong vòng 10 năm. Thời gian thích ứng tương đối dài khiến hiệu quả chung của thỏa thuận có thể được phát huy một cách tự nhiên. Đồng thời, các cuộc đọ sức trong nội bộ các nước thành viên RCEP sẽ trở thành điểm mấu chốt, trọng điểm là thiết lập một cơ chế cân đối lợi ích hiệu quả để cân bằng mâu thuẫn giữa các thành viên có trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Việc hoàn thiện và thực hiện các chi tiết cụ thể của hiệp định đòi hỏi các nước cần phải tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng, phải mất nhiều thời gian hơn cho việc khởi động và đàm phán, nếu không RCEP có thể trở thành một hiệp định “bất khả thi” và rơi vào tình thế khó khăn.
Cuối cùng, các nước thứ ba bên ngoài khu vực vẫn có thể can thiệp vào các hoạt động của RCEP. Từ góc độ kinh tế, các hiệp định khu vực nói chung đều có cả hiệu ứng tạo lập thương mại lẫn hiệu ứng chuyển hướng thương mại. Xuất phát từ những toan tính lợi ích, các nước không tham gia RCEP sẽ không thờ ơ, mà có thể sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện và phát triển RCEP./.
Bình luận