Còn nhiều bất cập trong xuất khẩu lao động ở Nghệ An!
Dẫn đầu cả nước về số lượng người đi xuất khẩu lao động
Theo báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghệ An là một tỉnh làm tốt công tác xuất khẩu lao động, bình quân mỗi năm có 12.000-13.000 người đi lao động ở nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn Tỉnh đưa được 5.753 người đi lao động.
Các thị trường xuất lao động của Nghệ An vẫn tập trung chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Những địa phương như Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… đều có trên 1.000 người đi xuất khẩu lao động trong năm qua.
Người lao động tại Nghệ An tìm hướng đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo |
Nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/năm. Nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu lao động, nhiều làng quê Nghệ An trước đây nghèo xơ xác, giờ đã trở thành những khu phố sầm uất giữa lòng nông thôn.
Điển hình như: Xã Sơn Thành, huyện Yên Thành có 7.300 nhân khẩu, 3.300 lao động, thì có hơn 1.800 người đi xuất khẩu lao động. Hiện tại, Sơn Thành đã là một trong những xã giàu nhất huyện, thậm chí còn được đánh giá là giàu nhất tỉnh Nghệ An, vì với số tiền con em gửi về, nhiều gia đình tại đây đã tiếp tục đầu tư, làm ăn, như: xây khách sạn ở Cửa Lò, mở tiệm vàng...
Hay như xã Đô Thành, nằm ở phía Đông Bắc huyện Yên Thành, giáp ranh với huyện Diễn Châu. Xưa vốn là một vùng đất nghèo khó, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa. Tuy nhiên, do Đô Thành thuộc vùng đồng chiêm trũng, quanh năm ngập úng, chua phèn nên thường xuyên phải đối mặt với rủi ro mất mùa, cuộc sống vô cùng nghèo khó. Nhờ có xuất khẩu lao động, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi một cách chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Hiện tại Đô Thành có hơn 300 tỷ phú có từ 10 tỷ đồng trở lên, khoảng 2.000 ngôi nhà tầng và gần 300 xe ô tô các loại.
Còn nhiều bất cập
Mặc dù xuất khẩu lao động ở Nghệ Anh đã vươn lên dẫn đầu cả nước, song hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu lao động trong các năm tiếp theo.
Điển hình là việc số lao động có tay nghề chỉ chiếm 35,4%, nên việc tiếp cận các thị trường có thu nhập cao như Đức, Anh, Canada, Australia… chưa nhiều.
Cùng với đó là tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp vẫn ở mức cao, đặc biệt con số này ở Hàn Quốc là gần 43%. Việc này đã gây nên hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Hàn Quốc không tiếp tục ký biên bản thỏa thuận theo chương trình EPS trong thời gian qua.
Trên địa bàn Tỉnh cũng vẫn còn hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để tự sang một số nước như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc… làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp đã gây nhiều thiệt hại cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước. Vẫn còn nhiều lao động khi sang làm việc đã vi phạm hợp đồng, pháp luật tại nước sở tại.
Đặc biệt, trên địa bàn chưa có doanh nghiêp uy tín để người lao động tìm đến mà chủ yếu là văn phòng, chi nhánh đại diện hoạt động không ổn định, dẫn đến có nhiều vụ lừa đảo xuất khẩu lao động xảy ra. Việc giới thiệu doanh nghiêp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn Tỉnh quá nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.
Điều này xuất phát từ việc công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị thực hiện tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hợp đồng ủy thác hoặc qua người môi giới hoặc tuyển dụng chưa đúng theo đơn hàng phê duyệt, người lao động không hưởng đầy đủ quyền lợi theo cam kết ban đầu. Việc thực hiện các cơ chế, chính sách về xuất khẩu lao động còn hạn chế...
Cần phải làm gì?
Từ những tồn tại đặt ra, tại buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, ngày 29/09/2017, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND Tỉnh đề nghị Sở rà soát các chính sách hiện hành để triển khai, đảm bảo các chính sách đến đúng đối tượng. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi ích của người tham gia xuất khẩu lao động.
Đề nghị Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý xuất khẩu lao động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời sai phạm các đơn vị tham gia tuyển dụng xuất khẩu lao động trên địa bàn....
Bên cạnh đó cũng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù văn hóa của người dân trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện xuất khẩu lao động. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động, nhất là trong việc đào tạo nghề, vay vốn ở các ngân hàng chính sách…
Về phía Tỉnh và các địa phương cần sớm phối hợp, nghiên cứu triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý hiệu quả hơn nữa đối với người lao động nhằm giảm thiểu thiệt thòi cho họ khi gặp rủi ro hoặc có tranh chấp phát sinh./.
Bình luận