KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19 VỚI NGÀNH KẾ TOÁN

Đại dịch Covid -19 bùng phát làm cho một số ít ngành nghề có sự phát triển tốt hơn, trong khi đó nhiều ngành nghề phải tìm cách chống chọi để có thể tồn tại bằng cách cân đối, kiểm soát chi phí, mở rộng thị trường hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm để ứng phó với những biến cố xảy ra, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp mới thành lập. Sự bất ổn định của nền kinh tế kéo theo nguy cơ xuất hiện các khoản nợ xấu, chi phí tăng cao trong khi lợi nhuận bị cắt giảm, nhiều doanh nghiệp thậm chí bị gián đoạn kinh doanh và có nguy cơ phá sản. Trong đó, ngành kế toán cũng đứng trước những thách thức như sau:

Đại dịch Covid-19 và xu hướng làm việc mới đối với ngành kế toán
Đại dịch Covid-19 cũng tạo ra một xu thế làm việc mới đối với nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có ngành kế toán.

Một là, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng hàng hóa dịch vụ của người tiêu dùng, về năng suất lao động, về tiến độ thực hiện hợp đồng hoặc dự án đầu tư… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải trì hoãn, hủy hợp đồng hoặc dự án kinh doanh… Bên cạnh đó, phát sinh thêm các chi phí phòng, chống đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng đến công tác kế toán và việc lập báo cáo tài chính. Nhiều chỉ tiêu trên báo cáo tài chính có thể bị ảnh hưởng như: hàng tồn kho, chi phí, các khoản nợ, doanh thu, tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp… Chưa kể, làm việc từ xa khiến các kế toán viên không nắm bắt thông tin một cách kịp thời, khó tiếp cận và kiểm tra các tài liệu, chứng từ gốc…

Hai là, đại dịch Covid-19 có thể gây ra nguy cơ phá sản đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản lý điều hành còn hạn chế do chưa có kinh nghiệm ứng phó với biến động của thị trường. Mặc dù kế toán là bộ phận “đầu não” quan trọng của nhiều doanh nghiệp, song nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, thì việc cắt giảm nhân sự là điều không tránh khỏi. Nếu rơi vào tình trạng phá sản, một khối lượng lớn kế toán viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Ngoài ra, lịch cách ly đột xuất đối với các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, trường hợp đi từ vùng dịch về hoặc quy định cách ly xã hội ở từng địa phương cũng gây nên những xáo trộn trong hoạt động kế toán.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị kế toán phải phân chia lịch làm việc cho nhân viên; số nhân sự còn lại gặp các khó khăn, như: tăng khối lượng công việc đảm nhận, tăng giờ làm, chậm trễ trong hoàn thành công việc do chưa thích nghi với nhiệm vụ mới, khó khăn trong hợp tác làm việc từ xa do thiếu các công cụ hỗ trợ.

XU HƯỚNG LÀM VIỆC MỚI ĐỐI VỚI NGÀNH KẾ TOÁN TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Chuyển đổi số và xu hướng làm việc từ xa: Sự tác động của đại dịch Covid-19 làm cho làn sóng chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp diễn ra ngày càng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn. Các công ty phần mềm kế toán liên tục đưa ra các sản phẩm hỗ trợ người dùng và doanh nghiệp để có thể tích hợp các công cụ quản lý và hỗ trợ kế toán làm việc trên các nền tảng online, mà không cần phải đến nơi làm việc. Điều này, không chỉ đảm bảo an toàn trong mùa dịch, mà sẽ là một xu thế việc làm mới trong tương lai nhằm tiết kiệm chi phí vận hành, thời gian và công sức đối với các kế toán. Từ đó giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính - kế toán, quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, quản lý điều hành… Ngoài ra, chuyển đổi số mang lại cơ hội phát triển cho ngành kế toán khi rút ngắn khoảng cách về địa lý. Người làm công tác kế toán có thể làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Xu hướng sử dụng dịch vụ kế toán từ bên ngoài: Phải tìm cách chống chọi với đại dịch Covid-19 và những khó khăn về vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể thay đổi hình thức tuyển dụng kế toán làm việc tại doanh nghiệp bằng việc sử dụng dịch vụ kế toán từ các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên hành nghề để có thể giảm thiểu chi phí về nhân sự, mà vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin tài chính kế toán cho các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật một cách kịp thời, đầy đủ và có chất lượng. Đây sẽ là cơ hội cho các công ty dịch vụ kế toán và các kế toán viên có đủ điều kiện hành nghề phát triển thị trường việc làm của mình và tạo ra một xu thế mới về nghề kế toán trong tương lai. Thực tế, hiện nay, cả nước có 2.037 kiểm toán viên, khoảng trên 1.000 kế toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề. Số lượng này là quá thấp so với nhu cầu thực tế của thị trường (cần khoảng 7.000 kế toán viên, kiểm toán viên) (Dương Thị Thiều, 2021).

Xu hướng thay đổi về nhân lực trong ngành kế toán: Tối ưu hóa chi phí dẫn đến tối ưu nguồn nhân lực nói chung và tối ưu đội ngũ nhân viên kế toán là điều cần thiết mà ban lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện để doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và phát triển lâu dài trong tương lai. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực kế toán có chất lượng cao ngày càng phát triển, đòi hỏi mỗi kế toán cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để có thể khẳng định giá trị bản thân, chứng minh được chất lượng dịch vụ, từ đó đáp ứng nhu cầu của ngành nghề.

Bên cạnh đó, do tác động từ đại dịch Covid-19, dẫn đến chuyển đổi số cũng trở nên phổ biến hơn, tác động làm thay đổi về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán. Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế các công việc thủ công của kế toán như: nhập liệu, tính toán, định khoản…, nên kế toán “tinh” sẽ có ưu thế hơn khi gia nhập thị trường. Người làm kế toán đòi hỏi phải có trình độ cao, có thể phân tích các tình huống, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho từng tình huống cụ thể tại các doanh nghiệp. Thậm chí, đưa ra những tư vấn, kế hoạch có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Để tạo thuận lợi cho ngành kế toán trong bối cảnh đại dịch Covid-19, theo tác giả, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành nghề kế toán và đặc biệt của người làm công tác kế toán trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển đối với nghề kế toán trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết. Cụ thể như sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ như: giảm thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm tiền điện, tiền thuê đất… và đẩy nhanh tiến độ giải ngân để có thể kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Về lâu dài, Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng internet để có thể đáp ứng được nhu cầu ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực kế toán đang diễn ra rất nhanh chóng. Khi các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số hóa trong công tác kế toán sẽ tạo ra khối lượng lớn các giao dịch của hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hệ thống internet sẽ bị quá tải, gây giới hạn cho việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này.

Đối với các hiệp hội ngành nghề kế toán: Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán có các hội nghề nghiệp, như: Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Câu lạc bộ Kế toán trưởng Việt Nam… Các hiệp hội nghề nghiệp này có vai trò tập hợp, đoàn kết các tổ chức hành nghề kế toán - kiểm toán và tổ chức các hoạt động quản lý nghề nghiệp nhằm hỗ trợ nhau duy trì và phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới, quản lý, phát triển và hội nhập. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực ngành nghề, các hội, hiệp hội cần thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và các kế toán viên trong các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Cụ thể như sau:

(i) Tăng cường phối hợp tổ chức với các doanh nghiệp, các trường đại học và các kế toán viên trong việc tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, chia sẻ kiến thức và cập nhật kịp thời các kiến thức mới, tháo gỡ và giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật.

(ii) Là cầu nối giữa các hội viên với cơ quan chức năng có thẩm quyền để tham mưu, đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp kế toán và người làm công tác kế toán có thể đảm bảo duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, nâng cao chất lượng dịch vụ ngay cả khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra.

(iii) Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán.

(iv) Trong tương lai, các hiệp hội cần tăng cường giao lưu, hợp tác với các hiệp hội trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, có thể hỗ trợ các hội viên, các công ty dịch vụ kế toán và kế toán viên đáp ứng đủ điều kiện tham gia vào thị trường kế toán quốc tế, mở rộng cơ hội phát triển cho nghề kế toán trong tương lai.

Đối với kế toán viên: Hơn ai hết, để không bị bỏ lại phía sau và có thể tự mình vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nghề nghiệp, các kế toán viên cần phải:

- Am hiểu công nghệ, vận dụng và sử dụng công nghệ linh hoạt trong công việc, phải không ngừng tiếp thu những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mới, áp dụng các phần mềm công nghệ hỗ trợ để tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp.

- Kịp thời cập nhật kiến thức một cách thường xuyên, hiểu rõ bản chất và nắm vững nguyên tắc ứng xử trong lĩnh vực chuyên môn, vận dụng khả năng nhìn nhận vấn đề để có thể phân tích và đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp.

- Yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng khi mọi công việc đều có thể xử lý bằng công nghệ: bảo mật thông tin khách hàng, tôn trọng sự thật, đặt lợi ích công việc lên trên lợi ích bản thân.

- Bên cạnh đó, chuyển đổi số và hội nhập cũng đem lại cơ hội việc làm ngày càng mở rộng cho đội ngũ kế toán có chất lượng cao. Muốn vậy, các kế toán viên cần am hiểu về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế và trang bị cho mình ngôn ngữ quốc tế và các chứng chỉ hành nghề quốc tế.

- Các công ty dịch vụ kế toán cần thay đổi cách vận hành, quản lý và điều hành công việc, chuyển từ hình thức làm việc tại chỗ sang làm việc từ xa, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên trên internet để đảm bảo năng suất lao động, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19./.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán, số 88/2015/QH13, ngày 20/11/2015
  2. Chính phủ (2016). Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, ngày 30/12/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán
  3. Chính phủ (2018). Nghị định số 41/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
  4. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 480/QĐ-TTg, ngày 18/3/2013 ban hành Chiến lược kế toán, kiểm toán giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030
  5. Bộ Tài chính (2015). 26 Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Nxb Thống kê
  6. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy (2010). Giáo trình Chuẩn mực kế toán quốc tế, Nxb Tài chính
  7. Nguyễn Thị Vân Chi (2020). Xu hướng phát triển lĩnh vực kế toán và vấn đề đặt ra với Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 6/2020
  8. Dương Thị Thiều (2021). Nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 9/2021

ThS. Vũ Thị Mai Nhi

Trường Đại học Đại Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)