Kinh tế khó khăn như “ngọn lửa thử vàng” kiểm tra “sức bền” của doanh nghiệp Việt Nam, là lúc để thị trường thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Do vậy, không thể đổ lỗi hết cho yếu tố khách quan, mỗi doanh nghiệp cần xem lại sự đổ vỡ có phải do chính bản thân mình. Với bài viết “Doanh nghiệp Việt: Ngoài gây khó, trong tự làm khó!”, tác giả Đặng Đức Thành sẽ phân tích những yếu kém mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải.

Cũng nói về sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam, không thể không nhắc đến khoa học, công nghệ, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng, do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tác giả Phạm Huy Toàn sẽ đi sâu phân tích vấn đề này và đưa ra những giải pháp thúc đẩy đầu tư khoa học, công nghệ trong doanh nghiệp qua bài viết “Đầu tư cho khoa học - công nghệ: Hướng đi bền vững”.

Với kỳ vọng trở thành “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được chăm chút, ưu ái rất nhiều. Nhưng, kỳ vọng trở thành… thất vọng. Để xảy ra điều này, lỗi một phần do công tác giám sát của Nhà nước còn nhiều bất cập cần được giải quyết. “Giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước: Cần những giải pháp mạnh!”, tác giả Phùng Thế Hùng sẽ cho chúng ta biết cần phải làm gì?

Nhắc tới đầu tư công hiện nay, người ta lại nghĩ đến “dàn trải và kém hiệu quả”. Do đâu mà đầu tư công bị gán tội này? Tác giả Phạm Hồng Biên đã chỉ rõ 8 bất cập và hạn chế hiện nay của đầu tư công mà cần có giải pháp khắc phục qua bài “Về những bất cập trong thực hiện đầu tư công tại Việt Nam”.

Bằng những giải pháp đúng đắn, thị trường tiền tệ đang có những chuyển biến tích cực sau nhiều vấn đề về thanh khoản, lãi suất… Vậy, chuyển biến này đang đến đâu và cần làm gì để tiếp tục duy trì để “Thị trường tiền tệ tạo tiền đề cho ổn định kinh tế vĩ mô”, đó là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Văn Lâm .

Cũng về thị trường tiền tệ, vấn đề nổi cộm là nợ xấu đã bắt đầu được VAMC xử lý với sự “mở hàng” của Agribank. Tuy nhiên, việc nợ xấu của ngân hàng này cao hơn vốn điều lệ đã khiến dư luận lo lắng hơn về tình hình nợ xấu hiện nay. “Bàn thêm về xử lý nợ xấu ngân hàng trong tình hình hiện nay” là vấn đề mà tác giả Phạm Thị Mỹ Linh sẽ đi sâu phân tích.

Thị trường chứng khoán “non trẻ” của Việt Nam không tránh khỏi những hành vi tội phạm mà pháp luật chưa lường hết, thậm chí còn hơi nương tay khi xử phạt. Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLTBTP- BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC được ban hành mới đây, chế tài xử lý cả về hành chính lẫn hình sự đối với các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán đã ngày càng mạnh mẽ hơn để làm “chùn tay” tội phạm. Đó là điều tác giả Nguyễn Hải Sơn muốn nói đến qua bài viết “Mạnh tay với vi phạm trên thị trường chứng khoán”.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20 còn nhiều bài viết khác, phản ánh những vấn đề thời sự như: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; Nâng cao chất lượng quản lý tại các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ… chắc chắn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích./.