Hà Nội phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”
Theo Kế hoạch số 06, đối tượng thi đua gồm: Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các quận, huyện, thị xã và đơn vị thuộc Thành phố và các tập thể trực thuộc các đơn vị trên; Các doanh nghiệp, tổ chức (có tư cách pháp nhân) trên địa bàn Thành phố có đóng góp tích cực trong phong trào; Cá nhân: Cán bộ, công chức, người lao động trực thuộc các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các quận, huyện, thị xã và đơn vị thuộc Thành phố; Các cá nhân ở trong và ngoài nước có đóng góp tích cực trong phong trào; Các hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố có đóng góp tích cực trong phong trào.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Nội dung thi đua, gồm: Các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các quận và đơn vị thuộc thành phố đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Triển khai có hiệu quả đề án “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”; đăng ký và tham gia chỉ đạo, hỗ trợ đối với các huyện, thị xã thuộc thành phố trong xây dựng nông thôn mới.
Đối với các huyện, thị xã đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới, thi đua xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; có số lượng sản phẩm được thành phố công nhận đạt sản phẩm OCOP vượt mức kế hoạch giao. Đăng ký phấn đấu có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên.
Đối với các huyện chưa được công nhận hoàn thành nông thôn mới, thi đua hoàn thành xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hướng tới các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Cụ thể: Phấn, đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên. Đăng ký phấn đấu xây dựng 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; có số lượng sản phẩm được thành phố công nhận đạt sản phẩm OCOP vượt mức kế hoạch giao. Phấn đấu mỗi huyện có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với xã, thi đua phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng cao hoặc kiểu mẫu vượt trước (hoặc bảo đảm) tiến độ đăng ký, có số lượng sản phẩm được thành phố công nhận đạt sản phẩm OCOP vượt (hoặc bảo đảm) kế hoạch được giao. Có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, được tuyên truyền, nhân rộng.
Đối với các doanh nghiệp, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng nông thôn mới (tiền mặt, công trình phúc lợi...); phối hợp với các cơ quan chuyên môn và địa phương, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn nông thôn.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ trực tiếp chỉ đạo và thực hiện Chương trình nông thôn mới các cấp, thi đua nỗ lực bám sát cơ sở, có sáng kiến, giải pháp hữu ích trong việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn hoặc tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Cá nhân tham gia phong trào thi đua thông qua các hoạt động, việc làm nhằm đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất, đất đai, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn thành phố; có phát minh sáng chế, sản xuất giỏi, có thu nhập cao nhằm góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Thành phố.
Các tổ chức, các hội, các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh..., thi đua tích cực tham gia phong trào thông qua các hoạt động, việc làm nhằm đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất, đất đai, tiền mặt để xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn thành phố; có phát minh sáng chế, sản xuất giỏi, có thu nhập cao và giúp đỡ cộng đồng ở địa phương nhằm góp phần tích cực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Thành phố./.
Bình luận