Huyện Trấn Yên có diện tích tự nhiên 62.914,3ha, dân số 84.675 người, có 22 đơn vị hành chính (21 xã và 1 thị trấn). Năm 2011, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của huyện ở mức thấp, mặt bằng chung toàn huyện đạt bình quân từ 4-5 tiêu chí/xã; những xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 1- 2 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Toàn huyện còn 4 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn; trong đó có 5 thôn 100% đồng bào Mông sinh sống, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của nhân dân còn ở mức thấp; điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên ngày nay

Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên đã nỗ lực không ngừng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới. Đến hết tháng 10/2019, huyện Trấn Yên đã có 100% số xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt trên 7.300 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp đạt trên 740 tỷ đồng, chiếm 10,1%... Trấn Yên đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của khu vực các tỉnh Tây Bắc.

Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hiện nay toàn huyện có 12 dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao và tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động như: Graphit, sản phẩm thép hộp, thép ống, quần áo may gia công xuất khẩu, quặng cầu viên. Hiện toàn huyện có 506 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (trong đó: 50 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 10 hợp tác xã; 440 hộ cá thể), thu hút và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động có thu nhập ổn định… Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35,4 triệu đồng/người, tăng 25,4 triệu đồng/người so với năm 2011. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,4%/năm; sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,9%/năm. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ; Tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện năm 2019 giảm còn 4,75%. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì nâng cao; huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, THCS đạt mức độ 2. Hệ thống khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường cả về vật chất và đội ngũ cán bộ y tế. Đến nay toàn huyện có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị như: vùng tre măng Bát Độ gần 3.400ha, vùng quế trên 15.000ha, chè chất lượng cao 200ha, vùng trồng dâu trên 500ha, vùng trồng cây ăn quả có múi trên 700ha, 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Yên Bái có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Trấn Yên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.