Năm 2020, Đồng Nai phấn đầu 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới
8/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Ngay từ những năm đầu thực hiện, các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện thành công Chương trình Nông thôn mới. Trong 10 năm (2008-2018), tổng nguồn vốn đầu tư cho nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 330 nghìn tỷ đồng. Kết quả đầu tư này đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân của người dân vùng nông thôn lên hơn 47,6 triệu đồng/người, tăng gấp 3,3 lần so với năm 2008. Đồng Nai hiện đã hình thành nhiều vùng cây, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, như: xoài Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cà phê Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ; sầu riêng Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú… Ngoài ra, nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng các loại cây trồng, nhất là cây trồng chủ lực tăng lên rõ rệt.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong năm 2017, có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 25% kế hoạch năm, lũy kế có 128/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 96,2% tổng số xã. Xã nông thôn mới kiểu mẫu (nâng cao) có 08 xã, vượt 60% kế hoạch năm, lũy kế đến hết năm 2017 có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (nâng cao). Đối với cấp huyện, trong năm 2017, có 06/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, toàn Tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện và 129/133 xã đạt tất cả các tiêu chí về nông thôn mới. Huyện Xuân Lộc là một trong 4 huyện trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong thời gian tới, nếu 2 huyện: Tân Phú, Định Quán đạt chuẩn nông thôn mới, thì Đồng Nai sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: Một số địa phương tuy đạt chuẩn, nhưng có tiêu chí chất lượng chưa cao, thiếu tính bền vững, tiêu chí đạt được mới xấp xỉ ở mức quy định (tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa cao, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi); thiếu quan tâm đến công tác chỉnh trang nông thôn, mô hình xanh, sạch, đẹp chưa nhiều; Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa thực sự ổn định; Một số sở, ngành thiếu chủ động trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc kịp thời địa phương thực hiện tiêu chí, địa bàn do ngành phụ trách.
Để hoàn thành mục tiêu
Với mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai đạt chuẩn nông thôn mới (với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15% (20/133) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Tỉnh; 100% xã thẩm định lại được công nhận lại đạt chuẩn nông thôn mới), thời gian tới, Đồng Nai cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ngành trong Tỉnh; giữa sở, ngành trong Tỉnh và các địa phương và vai trò phụ trách địa bàn của thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình, nhất là đối với 03 đơn vị: huyện Tân Phú, Định Quán và TP. Biên Hòa, phát hiện đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND Tỉnh giải quyết kịp thời, hiệu quả các vướng mắc phát sinh.
Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đổi mới công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng phù hợp tình hình thực tế, nhằm thường xuyên nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Ngoài ngân sách tỉnh, các địa phương chủ động phân bổ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm 2018. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư về nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở các chính sách của Trung ương và của Tỉnh.
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả. Tập trung phát triển, mở rộng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn, tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư./.
Bình luận