Nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Tóm tắt: Hiện nay các doanh nghiệp áp dụng kế toán tài chính và kế toán quản trị trong việc ghi nhận các giao dịch kinh tế của đơn vị cũng như quản lý chi phí tính giá thành. Tuy nhiên theo xu hướng phát triển bền vững, tiêu dùng xanh ngày càng gia tăng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần triển khai công tác kế toán trách nhiệm xã hội (TNXH) bên cạnh công tác kế toán truyền thống. Bài viết đề cập đến nội dung của kế toán TNXH cũng như các nhân tố tác động đến việc thực hiện kế toán TNXH của doanh nghiệp.
Từ khoá: TNXH, kế toán TNXH, nhân tố tác động
Giới thiệu
Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và phát triển. Bên cạnh chất lượng cuộc sống của người dân được tăng lên thì Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, tàn phá môi trường, mất cân bằng xã hội...
Kế toán trách nhiệm xã hội sẽ cho phép các doanh nghiệp kiểm soát được hoạt động trách nhiệm xã hội đồng thời cho phép doanh nghiệp đánh giá được tác động của công tác trách nhiệm xã hội tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc thực hiện công tác kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp hiện nay còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy cần phải xác định các nhân tố tác động đến việc thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội của ngành nhựa là cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn.
TNXH của doanh nghiệp
Mặc dù có nhiều tổ chức, các học giả đưa ra các khái niệm khác nhau về CSR nhưng nhìn chung CSR là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào việc phát triển kinh tế bền vững thông qua các hoạt động của mình nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội theo cách có lợi nhất cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội. Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một tổ chức thu lợi nhuận mà còn cần phải trở thành một phần của cộng đồng. Doanh nghiệp không chỉ tìm cách gia tăng lợi ích của các cổ đông mà còn hướng tới lợi ích của tất cả những bên có liên quan (stakeholders).
TNXH của doanh nghiệp dần trở xu hướng của phát triển kinh tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới… Ngày nay, TNXH của doanh nghiệp đang được coi trọng và dần trở thành một yếu tố quan trọng như những yếu tố truyền thống khác trong kinh doanh như chi phí, chất lượng và giao hàng. Thực hiện TNXH của doanh nghiệp không những giúp cho doanh nghiệp giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa công ty, nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho người lao động từ đó giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều nhân tài cũng như nguồn nhân lực có chất lượng, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chi phí và quản lý hiệu quả hướng tới phát triển bền vững , thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp sẽ xem xét, nghiên cứu xử dụng hiệu quả các nguồn lực của mình, tăng cường áp dụng các chu trình tuần hoàn như tuần hoàn nước, tuần hoàn chất thải … để thu được lợi ích kinh tế, giảm chi phí, góp phần phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện TNXH của doanh nghiệp còn giúp giảm thiểu các hành động hối lội, tham nhũng, bảo vệ môi trường mang lại sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp: trong hoạt động của doanh nghiệp tất cả các đối tác đều có thể vừa là nhà cũng cấp, vừa là khách hàng của doanh nghiệp.
Kế toán TNXH
Kế toán TNXH (Social Responsibility Accounting - SRA) được hình thành qua thời gian với các yêu cầu đòi hỏi không ngừng của xã hội cũng như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi quốc gia, của thế giới và quan điểm của các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế có liên quan. Cho đến nay có nhiều tên gọi phản ánh một hay nhiều nội dung của kế toán trách nhiệm xã như Kế toán xã hội (Social Accounting – AC), kế toán xanh (Green Accounting - GA), kế toán xã hội và môi trường (Social and Environmental Accounting - SEA),kế toán phát triển bền vững (Sustainability Accounting - SA) …
Theo Mobley (1970) " Kế toán xã hội đề cập đến việc thiết lập, đo lường và phân tích hậu quả xã hội và kinh tế của hành vi của chính phủ và doanh nghiệp". Kế toán TNXH có thể được sử dụng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh cũng như các hoạt động của bất kỳ tổ chức nào, gồm cả các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, và cơ quan chính phủ. Quá trình vận dụng kế toán TNXH không tách rời với hệ thống kế toán tài chính hoặc kế toán quản trị của đơn vị. Cùng với kế toán tài chính truyền thống, nhân viên kế toán TNXH cũng tiến hành thu thập và trình bày dữ liệu. Trọng tâm là các yếu tố về chi phí và phúc lợi xã hội bên ngoài đối với cộng đồng bên cạnh các mục tiêu nội bộ của công ty. Sự mất cân bằng giữa hai yếu tố, hiệu quả kinh tế và phúc lợi xã hội chỉ có thể được đánh giá thông qua tính nhất quán giữa các chiến lược của công ty và các mục tiêu của công ty và do đó cần phải có một cơ chế để đo lường các hoạt động xã hội. Cần phải đánh giá việc công bố các hoạt động xã hội nhằm đạt được các mục tiêu xã hội. Trong giai đoạn trước đây, kế toán TNXH chưa được chú trọng nhiều. Nhưng với xu thế toàn cầu hoá, các công ty đã nhận ra rằng việc thúc đẩy TNXH có mối tương quan tích cực tới danh tiếng và hiệu quả của doanh nghiệp. Cùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp, kế toán TNXH càng trở nên có ý nghĩa đối với xã hội khi cung cấp báo cáo phản ánh các thông tin về chiến lược và giá trị của doanh nghiệp đồng thời cũng thể hiện sự cam kết các TNXH của doanh nghiệp cho các bên liên quan.
Nói cách khác, kế toán TNXH là một khoa học quan sát, đo lường, tính toán, ghi chép, phản ảnh, xử lý và phân tích và cung cấp các thông tin về hoạt động TNXH của doanh nghiệp như: hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động đóng góp cho cộng đồng xã hội, trách nhiệm với nhà cung cấp, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng.... trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và trong mối quan hệ với kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, kế toán TNXH cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản trị, các cơ quan chức năng của Nhà nước, cơ quan quản lý môi trường, và cho các thành phần có liên quan.
Tầm quan trọng của kế toán TNXH được đúc kết từ hai yếu tố cơ bản là trách nhiệm giải trình (accountability) và tính bền vững (sustainability) (Gray và cộng sự, 2014).
Trong đó, trách nhiệm giải trình là trách nhiệm cung cấp thông tin cho những người có quyền đối với doanh nghiệp về các hoạt động gắn liền với TNXH của doanh nghiệp. Một chủ thể (có thể là cá nhân hay tổ chức) càng có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, xã hội càng phải có trách nhiệm lớn trong việc cung cấp các thông tin về hoạt động của mình (con người, tài nguyên, quản trị, ảnh hưởng cộng đồng...) đến các đối tượng mà nó tác động hoặc ảnh hưởng. Trách nhiệm giải trình dựa trên một nền tảng quan trọng là “dân chủ”. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế xã hội, đồng thời cũng thúc đẩy sự cần thiết của việc vận dụng kế toán TNXH.
Tính bền vững là việc sử dụng các nguồn lực một cách cân bằng giúp duy trì các nguồn lực trong tương lại. Việc áp dụng kế toán TNXH giúp doanh nghiệp kết nối với cộng đồng, xã hội gia tăng sự chấp nhận từ xã hội từ đó giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững hơn.
Nội dung kế toán TNXH
Định kỳ đo lường và đánh giá đóng góp ròng của từng doanh nghiệp
Kế toán TNXH sẽ thực hiện thu thập, đo lường, tính toán, phân tích, trình bày và cung cấp các thông tin về các hoạt động môi trường, xã hội, nhân viên, cộng đồng, khách hàng và các đối tượng hữu quan khác cũng như những hậu quả từ những tương tác trong các hoạt động đó. (Theo Gray, Adams, và Owen (2014). Các thông tin này khong chỉ bao gồm các thông tin về chi phí và lợi ích trong nội bộ doanh nghiệp mà còn bao gồm cả các ảnh hưởng của các hoạt động của doanh nghiệp tới các thành phần khác có liên quan như các đối tác của doanh nghiệp (nhà nước, nhà đầu tư, nhà cung cấp, người lao động và khách hàng).
Khi đó kế toán TNXH sẽ trình bày kết hợp các thông tin tài chính và phi tài chính để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau và giải trình trách nhiệm của tổ chức đối với các bên có liên quan.
Theo hướng dẫn của dự án Sigma Anh Quốc, năm 2003, kế toán TNXH sẽ phải ảnh các khía cạnh theo mô hình trible Bottom Line (TBL) của Elkington (1997) bao gồm đối tượng kế toán cơ bản như tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động đồng thời hạch toán các dòng tiền liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội ở phạm vi tác động bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Các chi phí về xã hội phát sinh trong doanh nghiệp bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe như thăm hỏi nhân viên ốm đau, tai nạn; chi phí đào tạo và phát triển nhân viên bao gồm cả đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đào tạo nội bộ và bên ngoài; chi phí chăm lo đời sống văn hóa và tinh thần cho người lao động như cho cán bộ công nhân viên đi thăm quan, nghỉ mát, xây dựng khu vui chơi, thể dục, thể thao…; các chi phí đóng góp cho phát triển cộng đồng; chi phí hoạt động từ thiện; tiền phạt do vi phạm về chế độ bảo hiểm xã hội của nhà nước; các chi phí phát sinh từ những vụ kiện và trách nhiệm dân sự, hình sự do tranh chấp xã hội, từ đình công, bất ổn chính trị; doanh nghiệp phải chi để giảm thiểu thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác bị tác động bởi những hoạt động làm ảnh hưởng môi trường và xã hội mà doanh nghiệp gây ra…
Các thu nhập, lợi ích xã hội như thu nhập tăng lên do sự gia tăng giá trị thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, các đóng góp vào sự phát triển cộng đồng, sự gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, sự gia tăng mức độ quan tâm đến lợi ích của người lao động. Lợi ích từ việc sản xuất sạch, sản xuất xanh, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường; Thu nhập tăng lên từ tiết kiệm chi phí bảo hiểm do giảm thiểu các tại nạn nghề nghiệp, các bệnh nghề nghiệp của người lao động, từ việc cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động, từ các giải thưởng về bảo vệ môi trường, từ trợ cấp của chính phủ về thành tích phát triển cộng đồng, xã hội …
Kế toán TNXH sẽ phản ánh các tài sản và các khoản nợ về môi trường và xã hội của doanh nghiệp bao gồm các tài sản vô hình (thương hiệu, sự trung thành của khách hàng, mạng lưới khách hàng, quy trình quản lý, văn hóa doanh nghiệp, kỹ năng làm việc của người lao động …) các khoản nợ tiềm tàng, nợ phải trả về xã hội và môi trường liên quan đến đến chi phí xã hội như chi phí xử lý chất thải, chi phí xử lý nước…. Kế toán TNXH sẽ cung cấp các kỹ thuật để ghi nhận, phản ánh và trình bày các thông tin khác nhau về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động liên quan đến kinh tế, môi trường và xã hội trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, trên báo cáo CSR, trên báo cáo thường niên hay báo cáo phát triển bền vững (Sustainability Report – SR).
Kế toán TNXH ghi nhận các nguồn lực của doanh nghiệp trong việc tạo ra sự giàu có và giá trị gia tăng không chỉ phụ thuộc vào vốn sản xuất, vốn tài chính, mà còn phụ thuộc vào vốn con người, xã hội và tự nhiên. Điều này có nghĩa là, các khoản chi trả cho người lao động, chi bảo vệ môi trường và chi cho các chương trình cộng đồng có thể được tái đầu tư vào các tài sản của doanh nghiệp và như vậy có thể góp phần tạo ra của cải tích cực.
Như vậy, về cơ bản kế toán TNXH phản ánh, lượng hóa thông tin về kinh tế, xã hội, môi trường của doanh nghiệp nhằm cung cấp cho các nhà quản trị và các đối tượng khác có liên quan đến doanh nghiệp, kế toán TNXH bao gồm cả kế toán tài chính và kế toán quản trị về TNXH.
Xác định tính phù hợp của chiến lược và thực tiễn hoạt động của từng doanh nghiệp với các giá trị mà xã hội kỳ vọng
Kế toán TNXH giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tiệm cận với sự kỳ vọng của xã hội thông qua các hoạt động như từ thiện, xây nhà tình nghĩa, hiến máu nhân đạo… các hoạt động trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn như trong thời kỳ đại dịch covid 19. Vì vậy khi doanh nghiệp xây dựng chiến lược và kế hoạch hoạt động, sẽ gắn kết với các giá trị xã hội này để hoạt động TNXH được diễn ra xuyên suốt.
Cung cấp nguồn thông tin chính thức để thực hiện trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp
Với việc ghi nhận các lợi ích xã hội và chi phí xã hội của các hoạt động TNXH, doanh nghiệp sẽ có được các thông tin chính thức và đầy đủ để từ đó giải trình cho các bên có liên quan về sứ mệnh, mục tiêu cũng như chính sách đóng góp của doanh nghiệp với mục tiêu chung của xã hội.
Các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán TNXH
Chiến lược phát triển của doanh nghiệp
Đây là yếu tố hàng đầu trong việc tiếp cận với TNXH và thực hiện kế toán TNXH của doanh nghiệp. Các bên liên quan tạo áp lực thực hiện TNXH đối với doanh nghiệp thông qua việc yêu cầu doanh nghiệp phải tăng cường hoạch định chiến lược hướng tới họ (Galbreath, 2010, Carroll and Hoy, 1984). Thông qua đánh giá môi trường hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả bên trong và bên ngoài, nhà quản trị sẽ định hướng gia tăng các hoạt động có tính chất phi thị trường, như: hành xử có TNXH với cộng đồng và môi trường tự nhiên (Fineman and Clarke, 1996). Nói cách khác, các doanh nghiệp phát triển các nghiên cứu về môi trường kinh doanh, gắn các định hướng chiến lược của doanh nghiệp song hành với các mục tiêu xã hội của Nhà nước và cộng đồng và đưa ra các phản ứng phù hợp bằng cách thực hiện các TNXH của doanh nghiệp (Galbreath, 2010, Carroll and Hoy, 1984, Burke and Logsdon, 1996).
Việc xây dựng chiến lược cần được thực hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, toàn diện và có hệ thống. Khi đó hoạch định chiến lược thực sự đóng vai trò ảnh hưởng tới việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp thường xuyên lập kế hoạch để thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp (Galbreath, 2010, Kalyar et al., 2012). Hoạch định chiến lược chính thức, thực sự tạo điều kiện cho nhà quản lý xác định con đường chiến lược đúng đắn và thích hợp cho doanh nghiệp (Andersen, 2000).
Các bên liên quan bao gồm các bên liên quan bên ngoài (người tiêu dùng, nhà cung ứng, chính phủ, các tổ chức đoàn thể, xãhội, môi trường… ) các bên liên quan bên trong doanh nghiệp (cổ đông, người lao động, nhà quản lý, văn hóa doanh nghiệp…). Hai nhóm này lại có các yêu cầu khác nhau về TNXH mà doanh nghiệp phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu của họ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp khii xây dựng chiến lược của mình cần đồng thời chú ý đến cả hai khía cạnh bên trong và bên ngoài. Từ đó hình thành hoạch định chiến lược định hướng bên trong và hoạch định chiến lược định hướng bên ngoài, đây cũng chính là hai thành phần quan trọng của hoạch định chiến lược (Galbreath, 2010, Kalyar et al., 2012).
Văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh tới việc thực hiện TNXH của doanh nghiệp (Galbreath, 2010, Wood, 1991). Văn hóa doanh nghiệp bao gồm các cách thức giao tiếp, ứng xử, nhận thức và các phẩm chất chỉ có ở một doanh nghiệp, nói cách khác là những giá trị, niềm tin mà các thành viên của doanh nghiệp nắm giữ (Kalyar et al., 2012). Nó tạo ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp này với các doanh nghiệp khác. Các giá trị này định hình mức độ thực hiện các hành vi kinh doanh có trách nhiệm hoặc không trách nhiệm của một tổ chức (Kalyar et al., 2012). Văn hoá doanh nghiệp cũng phản ánh ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp với các bên liên quan và là điều kiện, tiền đề cho sự thành công trong kinh doanh bền vững của doanh nghiệp cũng như việc kinh doanh có trách nhiệm(Sinclair, 1993). Văn hóa doanh nghiệp là cơ sở để hình thành các hành vi đạo đức trong kinh doanh như không quảng cáo quá lên, bất công bằng với người lao động, bỏ qua chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng như hành vi ứng xử với khách hàng (Herndon et al., 2001). Văn hóa doanh nghiệp giúp cho các thành viên của doan nghiệp hoạt động trong cùng môi trường đồng nhất từ đó tác động đến hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thực hiện TNXH của doanh nghiệp (Galbreath, 2010). Chẳng hạn, doanh nghiệp định hướng văn hóa mang tính cạnh tranh, cá nhân khi đó các cá nhân trong doanh nghiệp sẽ có xu hướng đề cao và ưu tiên cho những thành quả của chính họ, khi đó họ sẽ ít được coi trọng lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người khác. Điều này dẫn đến nhu cầu và lợi ích của cộng đồng, của các bên liên quan bị bỏ qua, điều này đồng nghĩa với đó là một mức thực hiện TNXH thấp (Galbreath, 2010, Kalyar et al., 2012). Các doanh nghiệp chú trọng phát triển văn hóa nhân văn sẽ tập trung vào con người, sự hợp tác, làm việc nhóm, sự đồng cảm và thấu hiểu, là sự chăm sóc lẫn nhau gắn kết thành viên với nhau và tạo ra một môi cởi mở và hỗ trợ trong các mối quan hệ với nhau (Kalyar et al., 2012). Điều này giúp cho doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế của doanh nghiệp mà còn quan tâm đến lợi ích của các bên có liên quan (Galbreath, 2010) và đó là cơ sở của việc thực hiện TNXH trong các doanh nghiệp (Kalyar et al., 2012).
Quy mô của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp lớn thường có xu hướng thực hiện TNXH nhiều hơn, do họ có tác động tới xã hội lớn hơn(Cowen et al., 1987). Doanh nghiệp lớn thường được thể hiện ở quy mô của doanh như số lượng lao động và quy mô vốn. Cả hai yếu tố này lại chịu sự tác động của thời gian hoạt động của doanh nghiệp, thời gian hoạt động càng dài thì quy mô của doanh nghiệp càng lớn (Zheng and Zhang, 2016). Thời gian hoạt động của doanh nghiệp thường được tính bằng số năm hoạt động của doanh nghiệp (Pasricha et al., 2018). Các yếu tố thời gian hoạt động, số lượng lao động, quy mô vốn thường đóng vai trò là các biến kiểm soát ảnh hưởng tới thực hiện TNXH của doanh nghiệp (Pasricha et al., 2018, Schouten et al., 2014, Shnayder and Rijnsoever, 2018).
Kết luận
Kế toán TNXH là một khái niệm còn mới ở Việt Nam. Theo xu hướng phát triển bền vững và tiêu dùng xanh, sạch, việc triển khai áp dụng kế toán TNXH sẽ trở thành một nhu cầu thiết thực đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kế toán TNXH của doanh nghiệp bao gồm chiến lược hoạt động của doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp và quy mô của doanh nghiệp bao gồm cả thời gian hoạt động, số lượng lao động và quy mô vốn./.
Kết quả nghiên cứu này là sản phẩm khoa học của đề tài cấp Bộ "Nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam", Mã số: B2020-NTH-02
Tài liệu tham khảo
-
Dương Thị Thanh Hiền, 2016, Tìm hiểu về kế toán TNXH, Đại học Duy Tân.
-
Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2018, 2019, 2020, 2021, Báo cáo hoạt động hiệp hội nhựa việt nam & hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nhựa năm 2018, 2019, 2020, 2021.
-
Hoàng Tùng, 2014, Kế toán quản trị - từ khía cạnh lợi ích doanh nghiệp đến khía cạnh TNXH, Số 206 tháng 8/2014, tạp chí Kinh tế và Phát triển.
-
Huỳnh Đức Lộng, 2015, Kế toán TNXH, tạp chí tạp chí Kế Toán Kiểm Toán.
-
Huỳnh Đức Lộng, 2016, Kế toán TNXH – Công cụ quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, tạp chí Công nghệ Ngân hàng, số 124, 07/2016, p. 57-64.
-
Nguyễn Thị Thu Hằng , 2017, Áp dụng kế toán TNXH: kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam, tạp chí Tài Chính.
-
Quốc hội. (2022). Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Hà Nội
-
Quốc hội. (2014). Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13. Hà Nội
-
Quốc hội. (2015). Luật kế toán số 88/2015/QH 13. Hà Nội
-
Amran A., Haniffa R., 2011. Evidence in development of sustainability reporting: a case of a developing country. Business Strategy and The Environment, Volume 20, Issue 3, Pages 141–156.
-
Akbar Sadeghzadeh, 1995, Social responsibility accounting, sustainability accounting and Islam, University of Wollongong
-
Arnold, P., 1990, The State and Political Theory in Corporate Social Disclosure Research: A Response to Guthrie and Parker, Advances in Public Interest Accounting, Vol. 3, No. 2, p. 177-81.
-
Caroll, (1979), A three-dimensional conceptual model of corporate performance, Academy of management review 4 (4), p. 497-505.
-
Caroll, (1999), Corporate social responsibility: Evolution of a Definitional Construct, Business & society 38 (3), p. 268-295.
-
Gray, R., Owen, D. & Adams, C., (1996), Accounting and Accountability: Social and Environmental Accounting in a Changing World, Prentice Hall, Hemel Hempstead.
-
Gray, R.H., Richard Laughlin, (2012) "It was 20 years ago today: Sgt Pepper, Accounting, Auditing & Accountability Journal, green accounting and the Blue Meanies", Accounting, Auditing & Accountability Journal, Vol. 25 Issue: 2, p.228-255
-
Guthrie, J. & Parker, L., (1989), “Corporate Social Reporting: A Rebuttal of Legitimacy Theory”, Accounting and Business Research, Vol. 9, No. 76, p. 343-52.
-
Hopwood, Anthony G., (2009), “Accounting and the environment”, Accounting, Organizations and Society, 2009, vol. 34, issue 3-4, p. 433-439.
-
Mathews, M., (1997), “Twenty-Five Years of Social and Environmental Accounting Research: Is there a Silver Jubilee to Celebrate?”, Accounting, Auditing, & Accountability Journal, Vol. 10, No. 4, p. 481-531.
-
Mathews, M. R. (1993), Socially Responsible Accounting, Chapman and Hall, London.
-
Mathews, M. R. and Perera, M. H. B. (1995), Accounting Theory and Development, 3rd ed., Thomas Nelson Australia, Melbourne.
-
Mobley, S. C. (1970), "The challenges of socio-economic accounting", The Accounting Review, vol. 45, no. 4, pp. 762-768.Mona Abou (2015)
-
Peter Kekung Bessong, Arzizeh Tiesieh Tapang, 2012, Social Responsibility Cost and Its Influence on the Profitability of Nigerian Banks, International Journal of Financial Research, Vol. 3, No. 4.
-
Wu, M-W and Shen, C-Hu, 2013, Corporate social responsibility in the banking industry: Motives and financial performance, Journal of Banking & Finance.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Trường Đại học Ngoại thương
(Kết quả nghiên cứu này là sản phẩm khoa học của đề tài cấp Bộ "Nhân tố tác động đến kế toán trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam", Mã số B2020-NTH-02)
Bình luận