Nhìn lại 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Thay đổi mọi mặt đời sống nông thôn
Thực hiện Nghị quyết số 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (tại Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/06/2010; sang giai đoạn 2016-2020, tiếp tục được phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16/08/2016), xác định đây là giải pháp quan trọng và thiết thực nhất để cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 và gần 9 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay, góp sức của nhân dân, đến hết tháng 11/2019, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc, khi đã có 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 12,7% tổng số tỉnh, thành phố cả nước), gồm: Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, TP. Đà Nẵng, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, TP. Cần Thơ (trong đó, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% số xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào cuối tháng 10/2019), dự kiến đến hết năm 2020, sẽ có thêm từ 04 đến 05 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đây là kết quả hết sức bất ngờ và ngoạn mục, vì trong chỉ đạo giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Trung ương chưa tính tới việc có tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ngay trong năm 2019; có 111 đơn vị cấp huyện thuộc 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 16,7% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 4.806 xã, chiếm 54% số xã cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn quốc đạt 15,66 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 35,9 triệu đồng/người (tăng 3,92 lần so với năm 2008). Như vậy, so với mục tiêu Nghị quyết số 26, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và mục tiêu Quốc hội giao, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã về đích trước 1,5 năm, làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang hơn, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được đầu tư, nâng cấp, xây dựng; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và ngày càng vững mạnh.
Thủ tướng chỉ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng nông thôn mới gần 09 năm qua, mặt được, mặt tích cực là nổi bật, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn cả nước, từng bước làm giảm khoảng cách giữa nông thôn với đô thị. Khái quát những kết quả nổi bật đó ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn. Từ chỗ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, nay đã tích cực tham gia, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho xây dựng nông thôn mới; từ chỗ thụ động, đã chuyển sang chủ động bàn bạc, lựa chọn nội dung, công việc xây dựng nông thôn mới; từ chỗ miễn cưỡng, đã chuyển sang say mê muốn được làm nông thôn mới…; từng bước trở thành chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Điều đó cho thấy, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng ta, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Nông thôn mới không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân, mà đã làm thay đổi cả tư duy của đội ngũ cán bộ từ cơ sở đến Trung ương. Trong xây dựng nông thôn mới, việc phân cấp, trao quyền cho người dân, cho chính quyền cơ sở không những giúp người dân và chính quyền cơ sở tự quyết định những vấn đề tại cộng đồng, mà còn giúp họ từng bước nâng cao năng lực, tự tin, tự chủ hơn.
Thứ hai, có nhiều đột phá về công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng nông thôn mới. Nếu như trong giai đoạn 2010-2015, hầu hết các địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, thì sang giai đoạn 2016-2020, dấu ấn trong chỉ đạo được thay đổi mạnh mẽ, khi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương đã phân cấp mạnh hơn, giao quyền chủ động phân bổ nguồn lực cho cấp tỉnh, có nhiều cơ chế, chính sách đột phá để thực hiện các mục tiêu của Chương trình; các địa phương đã chú trọng chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân (như phát triển sản xuất, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự…). Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn, do đó, nhiều nơi đã có tư duy bứt phá vươn lên, cách làm mới, phát huy sự sáng tạo của cơ sở.
Thứ ba, việc ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới được triển khai rất kịp thời. Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2010-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 quyết định, 03 chỉ thị và văn bản chỉ đạo; các bộ, ngành đã ban hành 35 quyết định, 34 thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách, nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới; sang giai đoạn 2016-2020, tiếp tục có nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ban hành để chỉ đạo, triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đặc biệt quan tâm, khi ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh"; Quốc hội ban hành 03 nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; Chính phủ ban hành 09 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 38 quyết định và 01 chỉ thị; các bộ, ngành Trung ương ban hành 53 thông tư, quyết định, văn bản hướng dẫn.
Có thể nói, chưa có một chương trình mục tiêu quốc gia nào có hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện đồ sộ như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, xây dựng nông thôn mới đã góp phần hiện đại hoá một bước các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản ở nông thôn và đang từng bước kết nối tốt với đô thị với một nguồn lực to lớn được huy động cho Chương trình lên tới 2,41 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 12 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp Chương trình chiếm 13,2% (khoảng 320 nghìn tỷ đồng).
Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng đồng bộ, khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, trong đó nổi bật nhất là hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2010-2019, tăng cả về số lượng và chất lượng: cả nước đã xây dựng mới và nâng cấp được trên 206.743km đường giao thông nông thôn, cao gấp 06 lần so với giai đoạn 2001-2010; có trên 97% số xã có đường giao thông từ trụ sở xã đến UBND huyện được trải nhựa, bê tông; gần 80% số xã đã trải nhựa, bê tông đường ngõ xóm; trên 46% số xã trải nhựa, bê tông đường trục chính nội đồng; trên 93,7% số thôn có đường ô tô kết nối với trụ sở UBND xã. Chất lượng đường giao thông nông thôn ngày càng được nâng cao và khá đồng bộ, không chỉ kết nối tuyến từ cao tốc, quốc lộ đến huyện lộ, mà còn kết nối đến cả trung tâm xã. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương: cả nước đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu từ 200 ha trở lên, với 6.336 hồ chứa nước có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, gần 16.000 đập dâng kiên cố các loại (không bao gồm đập dâng nước hồ chứa), gần 12.000 trạm bơm điện có tổng lưu lượng từ 1000m3/h trở lên, trên 290.000km kênh mương các loại; tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên phạm vi cả nước là 288.620ha (đạt 17,5%)…
Hệ thống trường học các cấp đã được các địa phương đặc biệt chú trọng, ưu tiên xây dựng, nâng cấp (bình quân mỗi xã có đủ 03 trường: mẫu giáo/mầm non, tiểu học, trung học cơ sở),…
Thứ năm, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục có nhiều khởi sắc. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao[1], phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và từng bước bảo đảm an ninh dinh dưỡng, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững.
Trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi dịch tả lợi châu Phi, thì GDP ngành nông nghiệp ước đạt 2,2% năm 2019; tỷ lệ che phủ rừng hết năm 2019 đạt 41,85%; cơ cấu lại ngành nông nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao hơn; nhiều dự án chế biến nông sản lớn được triển khai, tạo động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao giá trị; tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế, giá trị cao và thị trường thuận lợi; trong nội bộ ngành, nông, lâm thủy sản diễn ra quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát huy lợi thế và thuận lợi về thị trường, tăng nhanh tỷ trọng của các ngành, sản phẩm có dư địa lớn và giá trị gia tăng cao hơn như thuỷ sản...
Cơ cấu sản xuất từng được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường. Trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích tăng nhanh, năm 2018 đạt trên 98 triệu đ/ha (năm 2011 đạt 72,2 triệu đ/ha); xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới, với 41,3 tỷ USD (tăng 3,2% so với năm 2018), thặng dư thương mại đạt mức cao 10,3 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 2 Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu nông sản, đã xuất sang thị trường hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ sáu, chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của của người dân nông thôn các vùng, miền ngày càng được nâng cao, trong đó nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống (dạy hát then, đánh đàn tính, múa xòe… ở miền núi phía Bắc; phục hồi các chiếu chèo, hát chầu văn tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng; các câu lạc bộ hát quan họ tại Bắc Ninh, Bắc Giang; xây dựng các câu lạc bộ dân ca ví Dặm tại Hà Tĩnh, Nghệ An... Hệ thống kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xã ngày càng được hoàn thiện (với 5.677 xã, tương ứng với 63,8% số xã cả nước đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, tăng 61,5% so với năm 2010), nhất là thông qua xã hội hóa, đã giúp hình thành hàng vạn câu lạc bộ thể thao (bơi, bóng bàn, bóng chuyền hơi…), hàng trăm ngàn câu lạc bộ văn nghệ từ thôn, đến xã được duy trì hoạt động đều đặn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và tạo thành phong trào văn nghệ, thể thao rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho nhân dân. Rất nhiều địa phương đã và đang khai thác lợi thế các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống để phục vụ phát triển du lịch nông thôn, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống, vừa gó phần gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch nông thôn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trực tiếp chủ trì Hội thảo toàn quốc để tranh thủ ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia đưa ra giải pháp. Trên cơ sở đó, đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới“, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành nhằm tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế của văn hóa truyền thống ở nông thôn để phục vụ cho phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch.
Thứ bảy, công tác bảo vệ môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến. Nếu như năm 2010, ở hầu hết các xã, rác thải chưa được thu gom, xử lý, mà chủ yếu tập kết tại các bãi tự phát ở các thôn/bản, tình trạng rác thải vứt bừa bãi còn khá phổ biến, thì đến nay, có khoảng 50% số xã trong toàn quốc đã thành lập tổ tự quản thu gom chất thải, hoạt động tương đối hiệu quả; khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu gom định kỳ; cả nước có 458 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt quy mô trên 01 ha và các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã; có 285 lò đốt rác quy mô từ cấp xã trở lên, trong đó có 218 lò quy mô cấp xã (chiếm 76,5%), công suất dưới 5 tấn/ngày; 46 lò quy mô 5-50 tấn/ngày (chiếm 16,1%); 21 lò công suất trên 50 tấn/ngày (chiếm 7,4%); tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%. Một số tỉnh đã làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (chất thải hữu cơ và vô cơ) như Hà Tĩnh với trên 80% số hộ gia đình đã thực hiện việc phân loại.
Thứ tám, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn ngày càng được giữ vững. Công an các địa phương đã chú trọng phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tiêu chí an ninh, trật tự xã hội trong xây dựng nông thôn mới, qua đó, giúp quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tích cực tham gia tố giác tội phạm, giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân trong công tác phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực nông thôn có bước phát triển mới, trong đó, đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần làm giảm tội phạm ở cơ sở.
Có thể nói, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đó là:
Về chỉ đạo, bên cạnh nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, vẫn còn có nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở lơ là, sao nhãng với xây dựng nông thôn mới, còn phó mặc cho đơn vị chuyên môn.
Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với khu vực đồng bằng còn khá lớn; nhiều vùng và địa phương có kết quả xây dựng nông thôn mới thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng.
Phương thức chỉ đạo, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, công tác điều hành sử dụng vốn của một số địa phương còn kém hiệu quả, còn trông chờ vào nguồn lực của Trung ương.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập. Ở một số nơi, quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bê tông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống của vùng thôn quê đặc trưng.
Tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản trên phạm vi cả nước đã có tiến bộ, nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, vẫn đang là vấn đề bức xúc trong xã hội.
Kết quả về phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân, củng cố chính quyền cơ sở chưa đồng bộ với kết quả phát triển kết cấu hạ tầng…
Một số định hướng trong thời gian tới
Ngày 07/08/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 54 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với mục tiêu là: “Thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, kịp thời nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả và chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những biểu hiện lệch lạc. Thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn”.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng đưa ra các nội dung, giải pháp phù hợp với thực tiễn, thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% tổng số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Trên cơ sở đó, sẽ chú trọng giải quyết những vấn đề cốt lõi sau:
Một là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận Thiên; xây dựng các vùng nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, để chủ động thích ứng trong xuất khẩu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hai là, tổ chức đánh giá, rà soát các cơ chế, chính sách hiện có trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chính sách liên quan đến tín dụng, thương mại, đầu tư, chế biến… để tạo ra các cơ chế thông thoáng, hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm vừa góp phần hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, vừa trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn, làm cho người dân nông thôn, nhất là thanh niên nông thôn yên tâm “ly nông bất ly hương”; chú trọng phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn; chú trọng hỗ trợ các xã có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, tiến tới đưa du lịch nông thôn trở thành một mũi nhọn gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Ba là, tiếp tục tăng cường huy động mọi nguồn lực cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó nguồn lực từ ngân sách nhà nước cấp cấp hỗ trợ trực tiếp tăng gấp 02 lần giai đoạn 2016-2020 (tăng tỷ trọng và quy mô vốn từ ngân sách trung ương) để hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng ở các xã đã hoàn thành tiêu chí và tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng đối với các xã chưa hoàn thành tieu chí. Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó, chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; chủ động giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bốn là, chú trọng nâng cao hơn chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn; tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn, để vùng nông thôn thực sự bình yên, trở thành những miền quê đáng sống.
Năm là, phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn, phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp, làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn về lâu dài.
Sáu là, rà soát các bộ tiêu chí nông thôn mới thực hiện cho các cấp (xã, huyện) với các loại hình xây dựng nông thôn mới (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) để phù hợp với thực tiễn, từ đó tính toán điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo mức độ phù hợp cho giai đoạn 2021-2025; phân cấp xác định các tiêu chí cứng và mềm, phù hợp với nông thôn mới ven đô, nông thôn mới khu vực động lực kinh tế, nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế tổng hợp, chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông thôn mới vùng khó khăn, cũng như nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, trước thực tế đã có 08 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, tỉnh Đồng Nai và Nam Định có cả 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới), cần nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tiêu chí tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020, nhằm đảm bảo rõ hơn sự kết nối, liên thông từ xã đến cấp tỉnh, giúp cho việc xây dựng nông thôn mới đảm bảo bền vững, thiết thực hơn.
Bảy là, quán triệt quan điểm và chủ trương xuyên suốt “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Vì thế, luôn cần phải có bộ máy chuyên trách, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc về xây dựng nông thôn mới ở các cấp chính quyền theo hướng chuyên môn, chuyên trách, chuyên nghiệp, để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn. Một trong những bài học kinh nghiệm thành công vừa qua, đó chính là chúng ta đã hình thành được bộ máy tham mưu, giúp việc khá mạnh cả về số lượng và nhất là chất lượng cho Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở.
Tám là, chú trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện, tuyên truyền, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng các công trình hạ tầng cơ cở phục vụ dân sinh, trong tổ chức cho nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới mới, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, để đảm bảo phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững về mọi mặt./.
Nguyễn Xuân Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01+02/2020)
[1] Nhiều mặt hàng có năng suất cao, chi phí sản xuất thấp, có lợi thế cạnh tranh cao và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Năng suất lúa gạo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê đạt 2,6 tấn nhân xô/ha, cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu đạt 2,6 tấn/ha, gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, có ao nuôi đạt 300 - 400 tấn/ha, cao nhất thế giới; năng suất tôm sú đạt 0,45 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng đạt 3.91 tấn/ha, cao hơn so với Ấn Độ (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,5 tấn/ha) và Thái Lan (tôm thẻ chân trắng năng suất 3,6 tấn/ha).
Bình luận