Phát triển kinh tế hợp tác xã giai đoạn 2021-2025
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là, hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của đông đảo nhân dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần cải thiện công bằng xã hội và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội; góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Phát triển mở rộng số lượng các tổ chức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) trong tất cả các ngành, lĩnh vực
Mục tiêu cụ thể là phát triển mở rộng số lượng các tổ chức kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) trong tất cả các ngành, lĩnh vực; các hợp tác xã gắn với thực hành sản xuất xanh, gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương. Rà soát, chấn chỉnh và sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Phát triển số lượng thành viên, thu hút hộ sản xuất cá thể tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.
Theo dự thảo, Chương trình chia làm 2 hợp phần, bao gồm: Nâng cao trình độ nhận thức về kinh tế tập thể; Nâng cao năng lực tổ chức kinh tế tập thể. Cụ thể là:
Hợp phần 1 là nâng cao trình độ nhận thức về kinh tế tập thể, bao gồm các công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về kinh tế tập thể; đào tạo, bồi dưỡng đối với những đối tượng có liên quan. Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ đưa cán bộ trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể; hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu, tư vấn hỗ trợ về kinh tế tập thể.
Hợp phần 2 là nâng cao năng lực tổ chức kinh tế tập thể. Theo đó, Chương trình sẽ tiến hành thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, như: Hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã xây dựng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên; Hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trục chính giao thông nội đồng, đường ranh cản lửa, đường lâm nghiệp…
Ngoài ra, Chương trình cũng hỗ trợ các nội dung khác đối với khu vực kinh tế tập thể, như: vốn, giống, ứng dụng khoa học công nghệ, ưu đãi đất đai, tín dụng…
Theo tính toán, hiệu quả về mặt kinh tế của Chương trình sẽ giúp hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể cả về hai mặt: nhận thức và năng lực sản xuất, qua đó sẽ có tác động lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình dự kiến là 38.800 tỷ đồng./.
Bình luận