Xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn, tạo môi trường thể chế thuận lợi, thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị |
Góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định. Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực kinh tế tập thể đã bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước |
“Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật Hợp tác xã năm 2012 là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực HTX. Các HTX bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển HTX.
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% tương ứng năm 2019.
Vai trò của của chính quyền địa phương trong phát triển KTTT là tối quan trọng
Chúng tôi đi công tác ở nhiều địa phương, nhiều nơi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, nguồn vốn đến công tác đào tạo cán bộ. Ít nơi bố trí cán bộ có trình độ tốt chuyên trách phát triển kinh tế tập thể... Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương |
Đánh giá vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, HTX là tổ chức đại diện cho nhiều nông dân, liên kết với doanh nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông thôn.
"Đây là cách mạng tư duy sản xuất, nếu HTX không phát triển đúng bản chất thì mục tiêu sản lượng, doanh thu chỉ mang tính chất nhất thời", ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoa, HTX cần phát triển theo chiều sâu mới là thành công. HTX gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, phổ biến ứng dụng công nghệ cao. HTX phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đa giá trị, tạo thêm cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn.
“Mục tiêu về số lượng HTX đạt được, giờ cần nâng cao hiệu quả, chất lượng HTX; Mở rộng quy mô hoạt động, quy mô thành viên; phát triển HTX hài hòa lợi ích người nông dân, lợi nhuận để đầu tư, tái sản xuất”, ông Hoan kiến nghị.
Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể.
“Thực tế chứng minh, lãnh đạo nào quan tâm, thì địa phương đó có nhiều HTX hoạt động chất lượng; Quan tâm hỗ trợ HTX bằng nguồn lực đã có gắn với chiến lược nông thôn bền vững; Giúp HTX trở thành đầu mối cung cấp hàng hoá, dịch vụ; hỗ trợ HTX hạ tầng, logistics, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Tập trung xây dựng mô hình thí điểm HTX bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực…”, ông Hoan cho biết.
Đồng quan điểm với, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, chưa dành nguồn lực, cũng như chưa bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn tốt tham gia công tác kinh tế tập thể.
“Chúng tôi đi công tác ở nhiều địa phương, nhiều nơi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền. Vẫn còn gặp nhiều khó khăn về đất đai, nguồn vốn đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Ít nơi bố trí cán bộ có trình độ tốt, đáp ứng được yêu cầu về chuyên trách cho công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX”, ông Hưng cho biết.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX có nhiều, nhưng dàn trải
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển.
“HTX ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các HTX đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, HTX đã phát huy vai trò quan trọng tại "hậu phương lớn" miền Bắc chi viện cho "tiền tuyến lớn" miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ”, Thủ tướng nói.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, HTX |
Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của Thường trực Ban chỉ đạo, cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo và các ý kiến phát biểu, đánh giá về kết quả thực hiện, những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong thực tế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Thủ tưởng cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, như: nhận thức của người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới được nâng lên, nhưng vẫn còn tâm lý e ngại, thận trọng tham gia HTX và kinh tế tập thể; Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập; thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương, còn nhiều đầu mối các cơ quan có chức năng về quản lý kinh tế hợp tác. Chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.
Theo Thủ tướng, những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX kiểu cũ.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể, HTX. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của HTX. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện, chưa tạo xung lực phát triển mạnh mẽ.
“Yếu tố quan trọng nhất và quyết định là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu. "Lăn lộn với thực tiễn, đam mê, cháy bỏng, cháy hết mình với công việc thì nhất định sẽ có sáng kiến, cách làm hay, còn "cưỡi ngựa xem hoa" thì rất khó sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế
Cùng với việc chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đưa ra 8 giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cụ thể là:
Một là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp diễn biến mới và thực tiễn Việt Nam.
Hai là, tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư.
Năm là, xây dựng mô hình quản trị kinh tế tập thể, HTX tiên tiến, kết hợp với mô hình truyền thống phù hợp với tình hình Việt Nam, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Sáu là, tạo cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu, sản phẩm.
Bảy là, tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý theo điều kiện từng nơi, từng sản phẩm, quy mô, thị trường…
Tám là, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, HTX.
Về định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn; tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ để khu vực này tương xứng với vị trí, vai trò nền tảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Việc sửa đổi phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích các chủ thể tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nguồn lực…, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện các quy định xác định rõ về bản chất HTX; quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác và tổ chức đại diện với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, như: tổ hợp tác, liên đoàn HTX. Không can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng HTX. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành HTX nhằm tạo động lực cho khu vực HTX phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX theo hướng tăng cường hậu kiểm, xây dựng tính tự giác, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương của chính các HTX.
“Nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo thống nhất, tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể có hiệu quả, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực”, Thủ tướng yêu cầu./.
Bình luận