Cần hoàn thiện các quy định về mô hình văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện
Sơ đồ mô hình tổ chức văn phòng điều phối nông thôn mới

Những vướng mắc từ mô hình tổ chức văn phòng điều phối NTM tại Hà Tĩnh

Trong báo cáo mới nhất Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh ký gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã chỉ rõ, theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài các chức năng, nhiệm vụ được giao như trong giai đoạn 2016 - 2020 thì hiện nay bổ sung một số nhiệm vụ mới với khối lượng công việc lớn như tham mưu BCĐ các chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025” và 6 chuyên đề chuyên sâu về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì cơ cấu tổ chức bên trong của văn phòng NTM cấp tỉnh không có phòng chuyên môn, nghiệp vụ nên khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ cho công chức để triển khai thực hiện.

Các công chức làm việc chuyên trách tại văn phòng NTM cấp tỉnh nhưng biên chế thuộc Chi cục Phát triển nông thôn, nên gặp rất nhiều khó khăn. Rõ nhất là các bất cập trong công tác thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức như việc sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng bậc lương; đánh giá, xếp loại; khen thưởng, xử lý kỷ luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục Phát triển nông thôn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của cán bộ, công chức; chưa tạo được động lực, ý chí phấn đấu, môi trường để cán bộ, công chức yên tâm công tác, phấn đấu và cống hiến.

Đặc biệt, văn phòng NTM cấp tỉnh cũng chưa có cơ sở lập, trình thẩm định phê duyệt dự toán và thực hiện công tác quyết toán ngân sách hàng năm và không có cơ sở để quản lý, sử dụng tài sản do chưa xác định rõ thuộc cấp dự toán ngân sách nào.

Đối với cấp huyện, theo quy định của Quyết định 1920 thì nhân sự làm việc tại văn phòng điều phối NTM cấp huyện gồm một số công chức chuyên trách của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn(phòng Kinh tế) trong tổng biên chế được giao và công chức cấp phòng của các phòng, ban liên quan cử đến, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của các phòng chuyên môn cấp huyện nhiều, biên chế được giao ít nên việc bố trí công chức làm việc tại văn phòng NTM cấp huyện gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả.

Điều đáng lưu ý là văn phòng NTM cấp tỉnh chưa được xác định rõ vị trí pháp lý là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay một loại hình nào khác. Do không có căn cứ pháp lý quy định cụ thể nên trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ UBND tỉnh giao hoặc các nhiệm vụ phát sinh khi văn phòng NTM tỉnh tham mưu lại phải chuyển Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu.

Việc điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM chưa thực sự hiệu quả vì văn phòng NTM tỉnh là tổ chức giúp việc cho ban chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh, không phải là cơ quan tham mưu giúp việc UBND tỉnh nên không điều phối được một số nội dung trong triển khai thực hiện chương trình.

Cần hoàn thiện các quy định về mô hình văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thì đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Vấn đề không phải chỉ riêng của Hà Tĩnh, cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM toàn quốc, giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nhận thấy, những hạn chế về “mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự đồng nhất (có địa phương văn phòng NTM tỉnh trực thuộc UBND tỉnh; có địa phương trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn; có địa phương thuộc Chi cục Phát triển nông thôn…).

Văn phòng điều phối NTM cấp huyện không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu chung của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc phòng kinh tế nên hạn chế tính chủ động trong quá trình triển khai công việc.

Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai công việc cũng như theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình ở cơ sở”.

Trên cơ sở những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoặc quy định, hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến mô hình tổ chức của văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh theo hướng:

“Là tổ chức trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng giúp ban chỉ đạo các Chương trình MTQG quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tổ chức bên trong, bố trí từ 2 - 3 phòng trực thuộc. Việc tổ chức phòng trực thuộc phải đảm bảo tiêu chí thành lập phòng của các tổ chức hành chính theo quy định pháp luật hiện hành”, văn bản nêu.

Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Nội vụ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quy định rõ vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh trong hệ thống các cơ quan là đơn vị hành chính có chức năng tham mưu, tổng hợp, điều phối giúp UBND, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về lĩnh vực NTM. Quy định cụ thể về số lượng cán bộ chuyên trách, cơ cấu phòng làm việc, chế độ phụ cấp đối với thành viên chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tại Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê KĐăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia và phương án thành lập Văn phòng Điều phối NTM các cấp cho phù hợp; có chính sách hỗ trợ, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp.

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông thì đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình, trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng biên chế của Văn phòng được sử dụng trưng dụng tại các cơ quan, đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 Chương trình và không làm phát sinh biên chế các tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để văn phòng hoạt động hiệu quả./.