Thiếu vốn vẫn là trở ngại lớn

Thanh niên là lực lượng trẻ, dám nghĩ, dám làm, xung kích trên mọi mặt trận, nếu được tạo điều kiện thuận lợi chắc chắn sẽ là nguồn nhân lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, nguồn vốn vay còn khiêm tốn, nên công tác hỗ trợ vốn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên thanh niên. Một phần tác động không nhỏ là do còn trẻ nên đa phần đoàn viên, thanh niên chưa phải là chủ hộ, việc vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đây là những khó khăn chưa được tháo gỡ trong vấn đề phát triển kinh tế tập thể của đoàn viên thanh niên nông thôn hiện nay.

Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên đều thực hiện phương án khả năng có tới đâu làm tới đó. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thành lập mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi heo xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, từ khi thành lập đến nay mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ hợp tác, lý giải anh em không có khả năng góp vốn; thủ tục vay vốn tín chấp của Đoàn thanh niên rườm rà, trong khi số vốn được vay lại không đủ để làm mô hình chăn nuôi heo tập thể nên anh em không đồng ý. Việc vay vốn thế chấp lại càng khó bởi đa số anh em đang ở với gia đình, không có tài sản thế chấp. Do vậy, mang tiếng là tổ hợp tác nhưng thực tế các thành viên trong tổ mạnh ai nấy làm theo kiểu cá thể hộ gia đình.

Thiếu vốn cũng xảy ra tại Câu lạc bộ Chăn nuôi Thanh niên ấp Hòa Phụng C. Anh Nguyễn Văn Khoa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chăn nuôi Thanh niên ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thành lập từ năm 2013, thu hút 15 thanh niên tham gia. Các thành viên nuôi nhiều loại con, như: trăn, rắn, ếch... với thu nhập mỗi năm 100 triệu đồng/thành viên. Sản phẩm của câu lạc bộ không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn xuất bán sang Campuchia, Trung Quốc. Anh Khoa cho biết: "Một số siêu thị liên hệ đặt hàng với số lượng lớn, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng vì để mở rộng sản xuất cần nguồn vốn khá lớn vượt quá khả năng của thanh niên".

Câu lạc bộ Chăn nuôi Thanh niên ấp Hòa Phụng C

Một số giải pháp

Trong thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ vay vốn, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thường xuyên hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ trưởng, tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn và các cán bộ đoàn. Song song với thực hiện hiệu quả các hoạt động đồng hành hỗ trợ thanh niên vay vốn, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên còn kết hợp cùng trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng, hội phụ nữ mở các lớp nghề... Ngoài ra, còn chủ động tham gia xây dựng môi trường học đường lành mạnh, tổ chức sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên, vận động thanh niên tham gia phổ cập giáo dục, giúp đỡ thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn đến trường, tổ chức tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, thanh niên.

Thời gian tới, cùng với việc tìm ra giải pháp tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên phát triển kinh tế, cơ sở đoàn các cấp cần chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tăng nguồn vốn vay, kéo dài thời hạn vay vốn, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình sử dụng vốn vay tích cực, tăng cường lồng ghép giữa giải quyết việc làm thanh niên nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... là rất cần thiết.

Qua đó, kiểm tra, giám sát các nguồn vốn, bảo đảm nguồn vốn vay được các đoàn viên, thanh niên sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế tại địa phương, có sự định hướng, trợ giúp đoàn viên thanh niên từ lúc tiếp cận vốn vay cho tới khi triển khai các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho đoàn viên thanh niên, góp phần xây dựng cơ sở đoàn vững mạnh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.