Thay đổi diện mạo nông thôn

Trong những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng nông thôn mới, như: Chương trình số 02, ngày 29/8/2011 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 06, ngày 31/10/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy “về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 800, ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020; Nghị quyết số 03, ngày 21/4/2010 “về xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng 2030”...

Hoài Đức là một trong 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới

Chính nhờ những chủ trương đúng đắn của Thành phố, trong giai đoạn 2010-2015, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn của Hà Nội đạt 63.553 tỷ đồng, trong đó có 34.456 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, đạt 170% kế hoạch. Vốn ngân sách nhà nước đầu tư 23.573 tỷ đồng, ngân sách Thành phố là 10.166 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp là 10.892 tỷ đồng. Trong năm 2016, 2017, Thành phố đã đầu tư cho khu vực nông thôn 25.094 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 58 tỷ đồng, ngân sách Thành phố và cấp huyện, xã là trên 22.786 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 2.250 tỷ đồng). Các quận nội thành đã tích cực hỗ trợ các huyện, thị xã nguồn lực xây dựng nông thôn mới (từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 284,9 tỷ đồng). Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội đã cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng, trong đó cho vay xây dựng nông thôn mới là trên 42.455 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hà Nội cho vay tại 18 huyện, thị xã là 5.193 tỷ đồng, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Nhờ đó, 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân nhân dân ngày một nâng cao. Đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.183,1ha/75.980ha (đạt 104,2%). Sau dồn điền đổi thửa, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa, như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25%-30%. Phát triển nhiều vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng hoa, cây ăn quả; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn… Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2008-2017 tăng trung bình 2,68%/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt khoảng 242 triệu đồng, gấp 2 lần năm 2008. Đã xây dựng được một số vùng chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra nhiều thương hiệu nông sản đặc thù của Thủ đô, với các sản phẩm truyền thống như bưởi Diễn, cam Canh và nhiều sản phẩm mới có giá trị cao như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ... không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu.

Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện là Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Có 294/386 xã (đạt 76,16%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong số 92 xã còn lại, có 56 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, bình quân đạt 18,19 tiêu chí/xã.

Đời sống nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần nông dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tiếp tục tăng lên, năm 2008 đạt 8 triệu đồng, năm 2017 tăng lên 43 triệu đồng, gấp trên 5,4 lần so với thời kỳ đầu hợp nhất.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh, từ 11,25% (năm 2011, theo chuẩn cũ), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017, theo chuẩn mới), một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là Quốc Oai: 0,48%, Gia Lâm: 1,0%, Thanh Trì: 1,41%, Đông Anh: 1,57%… Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế và hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có nhiều chuyển biến, tiến bộ, đặc biệt là tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội trang trọng, tiết kiệm và văn minh.

Phấn đấu hoàn thành trên 80% số xã trở lên đạt chuẩn về nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, mặc dù giai đoạn 2016-2020, bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tăng thêm 10 chỉ tiêu so với giai đoạn trước, nhưng Hà Nội luôn giữ vững “lá cờ đầu”, là địa phương đi đầu và luôn dẫn đầu cả nước về thành tích xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu năm 2020, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu có trên 80% số xã trở lên đạt chuẩn về nông thôn mới, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thành phố. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh, gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.

Hai là, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Tung ương và Thành phố đối với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND Thành phố trong việc khuyến khích cơ chế ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường đào tạo cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về nông nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ 5 nhà (Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà nông nghiệp và người tiêu dùng) để tổ chức liên kết hợp tác từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát phòng chống dịch bệnh.

Ba là, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa về hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị nhất là các huyện đã được quy hoạch phát triển đô thị. Huy động mọi nguồn lực, tăng cường xã hội hóa, để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” gắn với phong trào xây dựng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của Thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập trung bình của nông dân khu vực nông thôn Hà Nội đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5% theo tiêu chí mới.

Năm là, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình điện, đường, trạm y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện khu vực nông thôn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt quan tâm xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể./.