Hiệu quả từ mô hình thanh niên làm kinh tế trang trại ở Hà Nội
Từ chủ trương, chính sách hỗ trợ…
Năm 2014, các cấp Hội trên toàn Thành phố đã tổ chức được 53 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp cho gần 6.000 thanh niên; tư vấn nghề nghiệp cho gần 122.000 lượt thanh niên và giới thiệu việc làm cho hơn 9.000 thanh niên; hỗ trợ vốn cho trên 9.000 thanh niên lập thân, lập nghiệp, với tổng số vốn xấp xỉ 80 tỷ đồng, thành lập hoan 1.300 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho hơn 15.500 thanh niên…
Những điển hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương. Trong đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên... là xu thế tất yếu.
Thông qua các hoạt động tham gia, các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên được tư vấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều hàng hóa, đồng thời tăng cường mối liên kết – hợp tác giữa hội viên với doanh nghiệp.
Mô hình của những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi đã tạo việc làm cho rất nhiều thanh niên nông thôn khác tránh tình trạng ly nông, ly hương đang diễn ra trên nhiều địa bàn nông thôn mới hiện nay. Bên cạnh đó, những thanh niên này sẽ là tấm gương cho nhiều thanh niên khác noi theo và có được khát vọng, ước mơ vươn lên làm giàu chính đáng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Có thể thấy, mô hình kinh tế tập thể đã phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ như tay nghề, vốn đất đai, sở trường của thanh niên. Không chỉ làm giàu cho hội viên, các mô hình kinh tế tập thể còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên.
Mô hình trang trại của anh Hoàng Văn Đào: Anh Hoàng Văn Đào, sinh năm 1986, ở xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, Hà Nội vừa vinh dự được TƯ Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2015. Đây là vinh dự lớn với bản thân, song anh Đào khiêm tốn cho biết, anh còn phải cố gắng rất nhiều để xứng đáng với danh hiệu cao quý này.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 9, anh phải nghỉ học, đi làm thuê phụ giúp gia đình. Sau nhiều năm gắn bó với nghề làm vườn cho nhiều trang trại, anh Đào ấp ủ ước mơ trở về quê thành lập mô hình kinh tế trang trại. Với vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được qua công việc hằng ngày và học hỏi từ những chương trình khuyến nông của huyện, năm 2005, anh Đào về quê, dành hết số vốn từ làm thuê có được thuê 10 mẫu đất từ những hộ trong vùng, rồi đầu tư trồng bưởi Diễn, cam Canh.
Song "cái khó bó cái khôn", là người tiên phong và do không đủ vốn đầu tư khoa học kỹ thuật chăm sóc cây, cộng với kiến thức còn non kém, lứa bưởi, cam đầu chỉ cho thu hoạch hai năm rồi tàn lụi. Không nản lòng, anh Đào xếp lại mọi việc, đi theo các cán bộ Trung tâm khuyến nông huyện Phúc Thọ để học hỏi thêm kiến thức thâm canh và tranh thủ thêm sự giúp đỡ tận tình của các cô, bác, anh, chị phòng nông nghiệp huyện.
Trở về, anh Đào bàn với gia đình xây dựng lại mô hình kinh tế trang trại, nhưng lần này, anh quyết định trồng bưởi, táo lai, chuối và chăn nuôi. Đến nay, vườn trại đã đi vào khai thác, kinh doanh hiệu quả với 3.000m2 trồng bưởi Diễn, 2.000m2 trồng táo lai, 8.000m2 trồng chuối tây và 400m2 chuồng trại chăn nuôi lợn giống. Anh tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây, con cho năng suất cao vào sản xuất. Vì vậy ngoài cung cấp thành phẩm bán ra thị trường, mô hình của anh còn cung ứng giống cây, con cho bà con. Mô hình kinh doanh nay đã ổn định, hiệu quả với doanh thu hằng năm đạt trên 800 triệu đồng, thu lợi nhuận 300 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Tuy đã thành công và toại nguyện ước mơ của mình, nhưng anh Hoàng Văn Đào chưa một ngày xao nhãng việc phát triển kinh tế trang trại. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, mà anh thường chủ động giúp đỡ bà con và thanh niên xây dựng mô hình kinh tế trang trại như mình.
Ngoài việc đến từng nhà hướng dẫn, giúp các hộ kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây ăn quả, mỗi tuần anh Đào "lặn lội" đi tìm kiếm nguồn cây, con giống và thị trường tiêu thụ, giúp cho gia đình và bà con.
Cảm phục, quý trọng người thanh niên có chí và giàu lòng nhân ái, tổ chức Đoàn cơ sở cùng chính quyền, cấp ủy đều thống nhất giới thiệu với Trung ương Đoàn trao tặng Nguyễn Văn Đào giải thưởng Lương Định Của.
Mô hình trang trại “xanh”: Đến xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, không ai là không biết đến anh Đỗ Duy Ngoan, người đã xây dựng thành công mô hình trang trại từ khu đất hoang hóa, tạo thu nhập cao cho gia đình và nhiều hộ trên địa bàn. Năm 2014, thực hiện chủ trương của xã về xây dựng kinh tế trang trại, anh đã mạnh dạn nhận thầu 3ha đất hoang hóa, trước đây là khu đốt gạch.
Trong những năm đầu, anh đã cùng gia đình bỏ hàng trăm ngày công để cải tạo đất, trồng đỗ, lạc và cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Cùng với đó, anh đã đầu tư nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trồng và khai thác cây ăn quả trên diện tích 3ha.
Đến nay, trang trại “Xanh” của anh Ngoan đã có trên 2.000 cây cam Canh, 1000 cây cam Vinh, 300 cây quất cảnh và nhiều cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thu nhập hàng nãm khoảng hõn 1,1 tỷ đồng.
Ngoài việc làm giàu cho mình, anh Hoan còn tích cực gương mẫu, đi đầu trong trong phong trào xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống kinh tế; giúp đỡ cây giống, vốn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nhiều bà con trong và ngoài địa phương; tạo công ăn việc làm cho 10 lao động chính và 20 lao động thời vụ.
Với những việc làm trên, anh đã được UBND TP tặng Bằng khen Hộ sản xuất kinh doanh giỏi từ năm 2006 đến năm 2010; danh hiệu Người tốt - Việc tốt thành phố năm 2008; Hội Nông dân thành phố cấp Giấy chứng nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ năm 2006 đến nay; UBND huyện Đông Anh tặng Giấy khen hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu giai đoạn 2012-2014./.
Bình luận