Kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Giữa các vùng miền còn chênh lệch lớn
Miền núi phía Bắc và vùng Tây nguyên có kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM thấp nhất; vùng miền núi phía Bắc có tiêu chí bình quân vùng thấp nhất (14,1 tiêu chí/xã). Ảnh minh họa (Nguồn: baodantoc.vn) |
19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM
Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội XV công bố ngày 30/10 chỉ rõ, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu: “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.
Tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình nông thôn mới được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cơ bản giữ ổn định như giai đoạn trước. Hệ thống văn bản thực hiện từ Trung ương đến địa phương được ban hành tương đối đầy đủ, có đổi mới, cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành cẩm nang nông thôn mới bao gồm 3 cuốn tổng hợp, đúc kết các nội dung căn bản, cốt lõi để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.
Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Điển hình như tỉnh Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng thí điểm mô hình “Xã Thông minh”.
Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc và đúng theo quy định. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã thực hiện cơ bản nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp. Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 06/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.
Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM; trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.
Có 263/644 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Chưa có huyện đạt chuẩn NTM được công nhận huyện NTM nâng cao.
19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 1.145/3.513 thôn, bản, ấp (33%) được công nhận đạt chuẩn NTM.
Miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM thấp nhất
Báo cho thấy, kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM các vùng miền cũng cho thấy, còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, trong đó miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM thấp nhất; vùng miền núi phía Bắc có tiêu chí bình quân vùng thấp nhất (14,1 tiêu chí/xã).
Cụ thể, tại Vùng Trung du miền núi phía Bắc, ở cấp xã: có 963/2.019 xã (47,7%) đạt chuẩn NTM (tăng 11.4% so với cuối năm 2020), trong đó có 145 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 133 xã so với cuối năm 2020) và 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 09 xã so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 14,1 tiêu chí/xã (tăng 0,6 tiêu chí so với cuối năm 2020).
Trong vùng còn một số tỉnh có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp, như: Cao Bằng 12,2%, Điện Biên 18,3%, Bắc Kạn 24,2%, Hà Giang 27,4%...; bên cạnh đó còn có 454 xã (22,4%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Ở cấp huyện, toàn vùng có 28/137 (20,4%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 09 đơn vị so với cuối năm 2020).
Tại Vùng Đồng bằng sông Hồng, ở cấp xã: có 1.733/1.733 xã (100%) đạt chuẩn NTM (tăng 4.1% so với cuối năm 2020), trong đó 541 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 465 xã so với cuối năm 2020) và 116 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 98 xã so với cuối năm 2020); bình quân đạt 19 tiêu chí/xã (tăng 0,15 tiêu chí so với cuối năm 2020).
Ở cấp huyện, toàn vùng có 97/107 (90,65%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 27 đơn vị so với cuối năm 2020).
Kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM các vùng miền cũng cho thấy, còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, trong đó miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có kết quả thực hiện CTMTQG xây dựng NTM thấp nhất; vùng miền núi phía Bắc có tiêu chí bình quân vùng thấp nhất (14,1 tiêu chí/xã). |
Tại Vùng Bắc Trung Bộ, ở cấp xã: có 1.037/1.380 xã (75,1%) đạt chuẩn NTM (tăng 10,8% so với cuối năm 2020), trong đó có 134 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 93 xã so với cuối năm 2020) và 23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 19 xã so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 17 tiêu chí/xã (tăng 0,25 tiêu chí so với cuối năm 2020). Trong vùng còn có 83 xã (6%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Ở cấp huyện, toàn vùng có 30/85 (35,3%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 12 đơn vị so với cuối năm 2020).
Tại Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, ở cấp xã có 539/781 xã (69%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó có 55 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 49 xã so với cuối năm 2022) và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (không tăng so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 16,8 tiêu chí/xã (tăng 0,45 tiêu chí so với cuối năm 2020). Trong vùng còn có 34 xã (4,3%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Ở cấp huyện, toàn vùng có 18/77 (23,4%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 6 đơn vị so với cuối năm 2020).
Còn tại Vùng Tây Nguyên, ở cấp xã: có 346/590 xã (58,6%) đạt chuẩn NTM (tăng 13,5% so với cuối năm 2020), trong đó có 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 29 xã so với cuối năm 2020) và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 9 xã so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 16,7 tiêu chí/xã (tăng 1,46 tiêu chí so với cuối năm 2020). Trong vùng còn có 12 xã (2%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Ở cấp huyện, toàn vùng có 12/62 (19,35%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 6 đơn vị so với cuối năm 2020).
Tại Vùng Đông Nam Bộ, ở cấp xã: có 385/421 xã (91,4%) đạt chuẩn NTM (tăng 12,2% so với cuối năm 2020), trong đó có 194 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 91 xã so với cuối năm 2020) và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 8 xã so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 18,8 tiêu chí/xã (tăng 0,8 tiêu chí so với cuối năm 2020).
Ở cấp huyện, toàn vùng có 29/49 (59,2%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 7 đơn vị so với cuối năm 2020).
Tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở cấp xã: có 1.019/1.253 xã (81,3%) đạt chuẩn NTM (tăng 20,5% so với cuối năm 2020), trong đó có 227 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 204 xã so với cuối năm 2020) và có 06 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 06 xã so với cuối năm 2020); bình quân vùng đạt 17,3 tiêu chí/xã (tăng 0,4 tiêu chí so với cuối năm 2020). Trong vùng còn có 41 xã (3,3%) chỉ đạt dưới 10 tiêu chí.
Ở cấp huyện, toàn vùng có 49/127 (38,4%) đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 18 đơn vị so với cuối năm 2020).
Còn có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025
Đoàn giám sát Quốc hội nhận định, kết quả xây dựng NTM còn chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM; cơ chế lồng ghép nguồn vốn ngân sách trung ương của các CTMTQG để hỗ trợ xây dựng NTM trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo còn rất hạn chế, chưa thực sự hiệu quả; một số địa phương vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản; xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn, bản còn khó khăn. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Điều đáng lưu ý là, còn có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM (không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn) sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức....).
Năm 2022, một số địa phương có kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chưa đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 CTMTQG, một số địa phương đã thẩm định và xét danh hiệu xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020; một số địa phương chưa thực hiện rà soát để điều chỉnh tiêu chí đảm bảo phù hợp với Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025; một số địa phương vẫn còn tình trạng tiêu chí chưa đủ điều kiện xét duyệt, nợ tiêu chí khi công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Bình luận