Lần đầu tiên công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam
Phát biểu tại buổi họp báo công bố sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020, Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể đã trở thành chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Tổng cục Thống kê công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, xác định rõ vai trò và tầm quan trọng đó, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách, tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi kinh tế hợp tác xã cần đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và phát triển.
Thực tế cho thấy, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 7 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, mặc dù, tình hình kinh tế thế giới, khu vực trong nước có nhiều bất ổn, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn phát triển ổn định. Số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp.
Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 (năm đầu tiên phát hành) gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018. Sách trắng gồm 5 phần: Phần I: Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; ) Phần II: Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Phần III: Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; Phần IV: Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của cả nước (phụ lục); Phần V: Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 của các địa phương (phụ lục). Trong báo cáo này đề cập đến 2 nội dung chính, đó là: Môi trường kinh doanh và Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018.
Theo Tổng cục Thống kê, số hợp tác xã thành lập mới năm 2018 trên phạm vi cả nước là 2.569 hợp tác xã, tăng 9,5% so với năm 2017. Theo địa phương, có 28/63 địa phương có tốc độ tăng số hợp tác xã thành lập mới năm 2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân chung của cả nước (9,5%). Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số hợp tác xã trên phạm vi cả nước là 22.861 hợp tác xã, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2017.
Như vậy, tổng số hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh do ngành thống kê điều tra tính đến ngày 31/12/2018 là 13.958 hợp tác xã, tăng 5,5% so với thời điểm 31/12/2017. Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8%.
“Năm 2018, tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của hợp tác xã (1,8%). Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 2.575 tỷ đồng, giảm 27,8% so với năm 2017”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Cùng với đó, một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, như: hiệu suất sử dụng lao động bình quân toàn bộ khu vực hợp tác xã năm 2018 đạt 10,4 lần (trong khi hiệu suất sử dụng lao động của doanh nghiệp là 15,3 lần). Thu nhập bình quân tháng một lao động của các hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng (thấp hơn nhiều so với mức thu nhập 8,82 triệu đồng của khu vực doanh nghiệp), tăng 3,2% so với năm 2017.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế này. Theo đó, thời gian tới, cơ chế chính sách cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; rà soát, nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật Hợp tác xã năm 2012; đơn giản hóa các thủ tục hành chính (thành lập, đăng ký và giải thể hợp tác xã); khuyến khích mở rộng quy mô (số lượng thành viên, tỷ lệ vốn góp của thành viên, tài sản chung không chia…); thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã; tỷ lệ cung ứng dịch vụ bên ngoài thành viên; chế tài xử lý vi phạm Luật… trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng…), tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các thành phần kinh tế dễ dàng thành lập, tham gia, phát triển, rút khỏi hợp tác xã cho phù hợp với xu thế phát triển Hợp tác xã quốc tế và tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên; xây dựng, tổng kết và nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; tiếp thu kinh nghiệm tốt, kỹ thuật phát triển, thành lập và nâng cao năng lực trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã./.
Bình luận