Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, đến nay, tính đến hết quý I/2019, Thành phố đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố có có 323/386 xã (chiếm 83,68%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra).

Năm 2019, huyện Phúc Thọ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

Hiện, Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chuẩn bị bỏ phiếu công nhận 2 xã An Mỹ, Xuy Xá của huyện Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Đối với 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì có 7 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 46 đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, còn 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Vẫn xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và lập quy hoạch chi tiết của các xã theo Thông tư số 02/2017/TT-BXD, ngày 01/03/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về quy hoạch xây dựng nông thôn còn rất chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đề ra hoàn thành xong trong năm 2018. Đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định, kinh tế còn khó khăn, như: Ứng Hòa (37,1 triệu đồng/người/năm), Mỹ Đức (38 triệu đồng/người/năm), Ba Vì (38,5 triệu đồng/người/năm), Sơn Tây (39 triệu đồng/người/năm), Phú Xuyên (39,6 triệu đồng/người/năm)…trong khi bình quân khu vực nông thôn của thành phố là 46,5 triệu đồng/người/năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu trong năm 2019, Thành phố phần đấu 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt nông thôn mới nâng cao, thời gian tới cần tập trung hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; phát triển theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Tăng cường quản lý nhà nước về thuốc trừ sâu, thú ý, vật tư nông nghiệp cũng như vấn đề quản lý đê điều, khắc phục thiên tai. Triển khai các chương trình dự án phát triển nông nghiệp và triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng đại học về các xã để phát triển từ cơ sở.

Đối với huyện chuẩn bị thẩm định nông thôn mới, như: Gia Lâm, Quốc Oai và Thạch Thất, cần hoàn thiện hồ sơ hoàn thành huyện nông thôn mới. Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2019 cần tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm 2019 có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cấp giấy quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Quan tâm về quy hoạch cho hình thành các dự án chuyển đổi đất nông nghiệp và cơ cấu cây trồng nhưng phải quản lý tốt.

Tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Phát triển các khu công nghiệp làng nghề và tạo công ăn việc làm cho người dân. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, công tác phòng chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch. Đồng thời chú trọng đào tạo nghề, bồi dưỡng cho người dân./.