Chủ yếu là lao động phổ thông

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 3 năm 2014-2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này xấp xỉ 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và Ả-rập Xê-út có trên 4.000 lao động.

Trình độ, kỹ năng của lao động xuất khẩu còn khá hạn chế

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng đưa đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào nề nếp.

Tính đến hết tháng 12/2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ sau khi được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều đầu tư cho hoạt động này thông qua đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn lao động của ta vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có đến gần 50% lao động xuất khẩu là lao động phổ thông, số còn lại là lao động có tay nghề, nhưng thực chất đây chỉ là lao động học qua các lớp sơ cấp, bổ túc tay nghề chứ không phải là lao động có tay nghề được đào tạo chuyên môn bài bản.

Hiện mới chỉ có một số ít lao động trình độ cao đi xuất khẩu lao động theo mô hình y tá, điều dưỡng tại Nhật Bản, Đức, có mức thu nhập khá.

Rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, mỗi năm dự kiến đưa đi được từ 100.000 - 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo. Để đạt được mục tiêu này thì việc nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, để nâng cao trình độ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cần đổi mới cơ cấu giáo dục nghề nghiệp, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp… ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đưa lao động Việt Nam tham gia vào các dự án đầu tư, dịch vụ hoặc hoạt động thương mại để nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp cao nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các thị trường tiềm năng về xuất khẩu lao động, đặc biệt là thị trường ASEAN, Đông Bắc Á. Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, tay nghề, rèn luyện thể lực, cường độ và năng suất lao động có thể thực hiện trong vòng 6-12 tháng, nhằm rèn luyện các loại kỹ năng cần thiết và cập nhật thông tin để thích nghi với thị trường các nước xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, cần hình thành hệ thống công ty đào tạo lao động có kỹ năng cao thuộc các loại ngành nghề được nước tiếp nhận xuất khẩu lao động công bố; kết hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề nhằm tạo môi trường tốt nhất cho lao động Việt Nam khi tham gia thị trường lao động. Ngoài ra, cần mạnh dạn kết nối với các cơ sở đào tạo có uy tín của các nước tiếp nhận xuất khẩu lao động để học hỏi kinh nghiệm, thích nghi chủ động.

Đặc biệt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần sớm hoàn thiện và trình lên Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.

Đề án này sẽ hỗ trợ tốt cho 03 nhóm đối tượng được thụ hưởng bao gồm: người lao động tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo ngoại ngữ, học nghề và vay tín dụng ưu đãi để trang trải các chi phí; các doanh nghiệp tham gia sẽ được hưởng chính sách khuyến khích phát triển thị trường; những trường nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo những ngành cung cấp được tham gia đề án có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư nhập các mô đun đào tạo nghề phù hợp.

Song song với giải pháp từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần giúp người lao động có thời gian tìm hiểu trước về công ty tiếp nhận, công việc tại nước tiếp nhận và định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, tác phong tích cực.

Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp cũng cần tổ chức đánh giá kiểm tra chất lượng định kỳ nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và tạo động lực cố gắng học tập của học viên.

Về phía bản thân người lao động, cần chủ động nâng cao chất lượng tay nghề, ngoại ngữ, ý thức trước khi ra nước ngoài./.