Một số kết quả đạt được

Tỉnh Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có 7 huyện, thành phố và 119 xã tham gia xây dựng nông thôn mới (TP. Ninh Bình và các xã thuộc thành phố phấn đấu lên phường không tham gia). Sau gần 07 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Ninh Bình đã đạt kết quả đáng khích lệ.

Ninh Bình luôn là tỉnh có phòng trào nông thôn mới đi đầu trong cả nước

Tính đến tháng 12/2017, tỉnh Ninh Bình đã có huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới và TP. Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (2 đơn vị cấp huyện) và 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67,3% số xã trong tỉnh. Bình quân 16,5 tiêu chí/xã, tăng 11,5 tiêu chí so năm 2011; không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào… để mở rộng mặt đường đảm bảo đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 177 nghìn tấn xi măng cho 119 xã; xây dựng được gần 13 nghìn tuyến đường giao thông với tổng chiều dài trên 1.400km.

Cùng với đó, công tác dồn điền đổi thửa được quan tâm thực hiện để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thuận lợi cho nông dân canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ đó nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có 96 xã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, với diện tích thực hiện trên 33.500ha, bình quân 1,9 thửa/hộ, giảm 3 thửa/hộ.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Đến nay, toàn Tỉnh có 1.490/1.674 thôn, phố có nhà văn hóa (chiếm 89%); 920/1.674 thôn, bản xóm có khu thể thao. Tỉnh đã và đang tập trung rà soát và tiếp tục bố trí quỹ đất cho một số địa phương để xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Kết thúc giai đoạn 2011-2015, tỉnh Ninh Bình vinh dự có huyện Yên Khánh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và 10 xã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình cũng gặp một số khó khăn và hạn chế, như: là tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh lại có các xã đặc biệt khó khăn và bãi ngang ven biển, xã miền núi và xã đồng bằng vì vậy trong quá trình triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2015 còn gặp khó khăn. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện của trung ương còn chưa kịp thời, còn phải sửa đổi, bổ sung khiến địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện; Xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Còn có sự chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, các địa phương khác nhau; Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho chương trình còn thấp so với nhu cầu của địa phương; Còn một bộ phận người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và cơ chế chính sách trong triển khai thực hiện chương trình dẫn đến việc huy động nội lực thực hiện chương trình còn gặp khó khăn.

Để phát triển nông thôn mới kiểu mẫu

Mục tiêu năm 2018, Ninh Bình phấn đấu có thêm 10 xã và huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 9 tiêu chí; tiếp tục tập trung nguồn lực và chỉ đạo 7 xã đăng ký kiểu mẫu (mỗi huyện 01 xã) đạt kết quả để tổng kết nhân diện rộng. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Ninh Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đối với các xã đã đạt chuẩn trước hết cần tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Nâng cao chất lượng tiêu chí bao gồm nâng mức đạt của các chỉ tiêu và bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh mức độ hưởng thụ cao hơn về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 phải đạt từ 14 tiêu chí trở lên, cân đối nguồn lực đảm bảo (nguồn đấu giá quyền sử dụng đất).

Cùng với đó, các địa phương cần phải tập chung rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến tăng thu nhập bền vững cho người dân và xây dựng môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, trở thành "miền quê đáng sống".

Hoàn thiện hệ thống các công trình cùng các trang thiết bị phù hợp phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã; xây dựng nội dung và tổ chức hoạt động thường xuyên.

Tổ chức thực hiện công tác duy tu, bảo trì các công trình, đảm bảo nâng cao hiệu quả của hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Song song với đó, các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở những xã còn lại./.