Sáng tạo với mô hình Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu kết hợp du lịch
Anh Tâm kiểm tra kiệu trước khi đưa đi chế biến
Nhận thấy người dân xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có truyền thống trồng kiệu tươi lâu đời nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn, các thương lái ép giá mỗi khi vào vụ thu hoạch, Trần Minh Tân cùng một số bạn trẻ xây dựng mô hình tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu kết hợp với du lịch cộng đồng. Tổ ra đời vào tháng 10/2014 do anh Tân làm Tổ trưởng với 4 thành viên, tạo việc làm ổn định cho 17 thanh niên sinh sống tại xã Phú Hiệp. Tổng diện tích trồng kiệu của cả tổ là hơn 11ha.
Để giúp tổ hoạt động bền vững, anh Trần Minh Tân mày mò nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác kiệu, phương thức chế biến dưa kiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài việc sản xuất, anh còn đưa sản phẩm đến với Quầy hàng đặc sản du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim để kinh doanh, qua đó tranh thủ ghi nhận ý kiến đóng góp của khách hàng. Mỗi khi đến mùa thu hoạch kiệu, anh Tân chủ động liên hệ với các công ty, điểm du lịch để khai thác các tour du khách thích khám phá trải nghiệm thu hoạch và sản xuất kiệu.
Sau hơn 6 tháng trồng, mỗi công kiệu thu hoạch được khoảng 2,5-3 tấn củ kiệu. Kiệu được các thành viên thực hiện các công đoạn sơ chế, cắt tỉa, sắp xếp, tẩm ướp... để cho ra 1 hộp dưa kiệu hoàn chỉnh. Thu nhập của mỗi thành viên khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày.
Để sản phẩm dưa kiệu chất lượng, nguyên tắc hàng đầu của tổ là cây kiệu phải được trồng trên đất có dung lượng thuốc trừ sâu thấp, kế đến là phải chọn kiệu củ vừa, lá xanh và đảm bảo 6 tháng tuổi; trong quá trình tẩm ướp, nguyên liệu chính sử dụng là đường cát trắng nhằm đảm bảo cho kiệu đạt hương vị thơm ngon. Vì vậy, dưa kiệu của Tổ hợp tác luôn đảm bảo được vị ngon riêng, thể hiện được thương hiệu cây kiệu Tam Nông.
Anh Tân cho biết: “Việc thành lập Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng giúp nâng cao giá trị cho cây kiệu, mang lại hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn tạo việc làm giúp các thanh niên trong xã có thu nhập ổn định. Từ lúc thành lập đến nay, các thành viên trong Tổ hợp tác không còn lo lắng việc kiệu đến mùa phải phụ thuộc vào giá của thương lái và đầu ra không ổn định”.
Hiện tại, mỗi tháng Tổ hợp tác bán ra thị trường hơn 500 hộp kiệu các loại. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi thành viên còn lời khoảng 10.000-15.000 đồng/hộp. Thị trường tiêu thụ là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh...
Ông Trần Văn Sang - Bí thư Huyện đoàn Tam Nông cho biết: “Tổ hợp tác thanh niên làm dưa kiệu kết hợp du lịch cộng đồng là một trong những mô hình làm kinh tế tiêu biểu của huyện. Thời gian tới, Huyện đoàn và các ngành liên quan sẽ nghiên cứu hỗ trợ, mở rộng mô hình này đến các loại hình sản xuất khác, tạo nền tảng bền vững giúp các đoàn viên, thanh niên có cơ hội cải thiện chất lượng việc làm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Nhờ đó, Dự án “Tổ hợp tác dưa kiệu và Kết hợp du lịch cộng đồng” của anh Trần Minh Tân đã đạt giải Ba cuộc thi dự án Khởi nghiệp năm 2015 do Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức diễn ra tại TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre./.
Bình luận