Sóc Trăng 'thay da đổi thịt' từng ngày từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Luôn hoàn thành vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Sóc Trăng, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới liên tiếp 2 năm (2021-2022) và dự kiến tiếp tục đạt vượt trong năm 2023, đảm bảo yêu cầu tiến độ bình quân để hoàn thành mục tiêu Chương trình trên địa bàn Tỉnh đến cuối năm 2025.
Sóc Trăng 'thay da đổi thịt' từng ngày từ chương trình xây dựng nông thôn mới |
Trong 3 năm (2021-2023), Tỉnh đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 164 công trình giao thông, 20 cây cầu dài 496 m với tổng kinh phí 351.243 triệu đồng. Hiện toàn tỉnh có 96% đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 78% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa, 83% đường ngõ, xóm sạch, 64% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn nông thôn là 4,75%, hộ cận nghèo khu vực nông thôn là 7,43%. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp nhận và hỗ trợ xây dựng 4.846 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 241,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân cũng từng bước được nâng lên. Trên địa bàn Tỉnh, có 84 chợ; trong đó, có 02 chợ hạng 2, 54 chợ hạng 3 và 28 chợ tạm. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa và thể thao cấp huyện, xã, ấp được quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi của người dân vùng nông thôn, đặc biệt là đầu tư nâng chất các điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi. Đến nay, 80/80 xã có Nhà văn hóa; trong đó, 3 xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị; xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề; xã Tân Long, thị xã Ngã Năm), 41 thư viện xã nông thôn mới, 575/582 ấp có nhà văn hóa (có 3 nhà văn hóa - khu thể thao ấp), chiếm tỷ lệ 98,79%, 80/80 xã có diện tích đất quy hoạch khu thể thao và có xây dựng công trình thể thao như: sân bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bi sắt...
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Sóc Trăng có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 80% tổng số xã. Theo dự kiến đến cuối năm 2023, Tỉnh có 70/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 97,2% kế hoạch), 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 65,6% kế hoạch), 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% kế hoạch), có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế có 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,3% kế hoạch).
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Trên địa bàn toàn Tỉnh có 184 sản phẩm OCOP còn hiệu lực đến từ 100 chủ thể; trong đó có 1 sản phẩm Gạo ST24 vinh dự được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao (trong tổng số 42 sản phẩm 5 sao trên cả nước), 11 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao; thiết lập được hệ thống điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP gồm: 8 cửa hàng trên khắp các huyện, thị xã, thành phố. Giới thiệu, quảng bá khoảng 114 sản phẩm trên các Sàn thương mại điện tử, đặc biệt việc ra mắt Sàn thương mại điện tử của Tỉnh (soctrangtrade.vn) đã hỗ trợ tích cực, đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trên địa bàn Tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống người dân nông thôn. Tỉnh đã huy động được 8.323.797 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách trung ương là 284.921 triệu đồng, ngân sách địa phương 255.791 triệu đồng, vốn lồng ghép là 3.709.030 triệu đồng, vốn tín dụng là 3.175.734 triệu đồng, vốn doanh nghiệp là 417.639 triệu đồng, nhân dân đóng góp 480.682 triệu đồng.
Tiếp tục đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu và bền vững
Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có ít nhất 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành được mục tiêu này cần sự quan tâm, triển khai thực hiện của các cấp chính quyền và sự ủng hộ tham gia của toàn người dân trong Tỉnh.
Theo ông Trần Văn Lâu Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, cần phải quán triệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình. Việc triển khai Chương trình không chạy theo chỉ tiêu, thành tích, kết quả đạt được phải thực sự và bền vững. Đối với các địa phương có tiêu chí đạt thấp, phải phân tích, đánh giá nguyên nhân, phấn đấu vươn lên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng tình. Phải phát động chương trình như một phong trào “cách mạng”, thay đổi tư duy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thực hiện tốt các cơ chế phối hợp liên ngành trong xây dựng nông thôn mới và phối hợp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Các cấp, các ngành và địa phương tập trung rà soát, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại theo phân công tại Kế hoạch số 40/KH-UBND, ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Sóc Trăng.
Tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thực hiện hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.
Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đặc biệt phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành mục tiêu đối với các đơn vị xã, huyện đã được xác định trong kế hoạch của Tỉnh, các huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn lực để chỉ đạo hoàn thành các đơn vị theo mục tiêu, lộ trình của địa phương./.
Bình luận