Từ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế thủy sản được thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các ấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Thủy sản với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ những thành công bước đầu trong giai đoạn thử nghiệm từ năm 1997 đến năm 2005, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 02/2006/NQLT-BTS-TƯĐTN, ngày 18/01/2006 nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản, giai đoạn 2006–2010. Gần đây nhất là sự phối hợp giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ký kết Chương trình phối hợp số 11/CTPH-TWĐTN-TCTS, ngày 24/3/2014 “Phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2014-2017”.

Trong sự tham gia của đoàn viên, thanh niên ở những địa bàn có nhiều thuận lợi về nuôi trồng và khai thác thủy sản, thanh niên còn có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ tổ quốc, được thể hiện ở Quyết định số 186/QĐ-TTg, ngày 24/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án xây dựng Đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013–2020. Trong đó, tập trung xây dựng năm đảo thanh niên: Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang), Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng), đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Đề án sẽ tiếp nhận 592 hộ dân cư và gia đình thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp ổn định lâu dài, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động thường xuyên và gần 4.000 lao động thời vụ. Mỗi đảo thành lập một Tổng đội Thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản gắn với tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm nòng cốt xây dựng lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đề án nhằm trợ giúp các ngư dân trẻ có điều kiện khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của đảo trong bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Những chương trình phối hợp trên đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế thủy sản trên các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến xuất khẩu, dịch vụ hậu cần, bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ môi trường sinh thái. Thực tế đã cho thấy, các mô hình kinh tế tập thể thanh niên trong lĩnh vực thủy sản đã không những đạt được nhiều thành công, mà còn tạo ra sức lan tỏa lớn, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa; xóa đói, giảm nghèo bằng nghề thủy sản.

Đến nhiều mô hình tốt

Nhiều hoạt động như tổ chức các cuộc thi, diễn đàn thanh niên về pháp luật, công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo về môi trường sống của các loài thủy sản, xây dựng tài liệu thông tin tuyên truyền cho thanh niên về phát triển kinh tế thủy sản và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và kinh doanh thủy sản cũng được triển khai mạnh mẽ. Thông qua Chương trình phối hợp, các mô hình như: “Câu lạc bộ khuyến ngư thanh niên”; “Chi hội thanh niên nuôi trồng thủy sản”; “Khu kinh tế thanh niên xung phong nuôi trồng thủy sản”; “Trang trại trẻ nuôi trồng thủy sản”; “Hợp tác xã thanh niên nuôi trồng, dịch vụ thủy sản”, “Làng ngư nghiệp thanh niên”, “Đội thanh niên, sinh viên tình nguyện phát triển kinh tế thủy sản miền núi”; “Điểm trình diễn kỹ thuật”... thường xuyên được tổng kết và nhân rộng.

Được biết trong thời gian tới, Chương trình phối hợp nêu trên cũng tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Đội tầu thanh niên khai thác hải sản xa bờ” một số địa phương ven biển, nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong khai thác thủy sản, đồng thời đi đầu trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo.Khẳng định những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhiều mô hình kinh tế tập thể của thanh niên trong phát triển thủy sản đã đạt được những thành công bước đầu, đây là những điển hình tiên tiến cần được nhân rộng trong thời gian tới. Có thể kể đến là:

Tổ hợp tác thanh niên nuôi thủy sản xã Tú Sơn, Huyện Kiến Thụy,TP. Hải Phòng

Xuất phát từ thực tiễn trên địa bàn xã Tú Sơn sau khi có chủ trương của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo dồn điền đổi thửa, chuyển vùng sản xuất cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản tập trung với tổng diện tích 93 ha. Tổ hợp tác gồm 15 thành viên đại diện cho 15 hộ gia đình tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là nuôi thủy sản tập trung kết hợp với mô hình VAC, với thu nhập bình quân mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Được thành lập năm 2009, Tổ hợp tác thanh niên chăn nuôi thuỷ sản tập trung duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, có lãi.

Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã cũng đã đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội Huyện tạo điều kiện cho 25 hộ vay với số tiền 20 triệu đồng/1 hộ thuộc dự án hỗ trợ tạo việc làm để các hộ đầu tư phát triển thêm gia trại. Ngoài ra, được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương kết hợp với Phòng Nông nghiệp của huyện và các ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các hộ và xúc tiến cho các hộ vay vốn không có lãi để mở rộng mô hình, mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh

Được thành lập từ năm 2010, đến nay, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phú Thọ, xã Quảng Phú, đã nổi lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Lương Tài với nhiều mô hình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc thành lập các hợp tác xã thủy sản như vậy được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực để phát huy tiềm năng thủy sản của vùng đất này.

Hợp tác xã có tất cả 24 thành viên, ban đầu các hộ chỉ đơn thuần chia sẻ kinh nghiệm trong lựa chọn và ương giống cá, mật độ thả cá, vệ sinh ao nuôi, các loại thuốc phòng bệnh,... thông qua những buổi sinh hoạt thực tế và những buổi tập huấn do Hợp tác xã mời cán bộ chuyên môn về giảng dạy. Từ việc sử dụng thức ăn tận dụng, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư thêm thức ăn công nghiệp để nuôi thâm canh cho hiệu quả cao. Việc quy hoạch khu nuôi trồng được trao đổi để thuận lợi cho từng hộ và cho cả diện tích 13 ha nuôi trồng của Hợp tác xã.

Với vai trò đại diện tập thể, Hợp tác xã đứng ra giúp thành viên tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách hỗ trợ của Tỉnh. Hàng năm, Hợp tác xã mua gần 100 triệu con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao như chép lai ba máu, rô phi đơn tính, cá trôi, cá mè, cá trắm đen... với giá được hỗ trợ 50%, giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào. Hợp tác xã cũng đã kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện cấp nguồn điện 3 pha để chạy các máy quạt nước tạo sóng, bảo đảm môi trường cho các ao nuôi. Trên nguyện vọng và nhu cầu chung, năm 2014, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phú Thọ huy động các nguồn lực để mở đại lý thức ăn thủy sản, trước hết phục vụ cho các thành viên trong hợp tác xã và sau đó là cho các hộ nuôi trồng. Được biết, với đại lý này, các hộ thành viên có thể mua cám công nghiệp rẻ hơn 12%-17% so với mua giá thông thường.

Nhờ sự hợp tác, cùng nhau làm kinh tế, đến nay, hầu hết các hộ trong hợp tác xã có doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700-800 triệu đồng/năm. Giờ đây, các thành viên hoàn toàn tin tưởng vào hợp tác xã, các hộ nuôi trồng khác cũng muốn tham gia vào mô hình làm kinh tế tập thể này.

Được biết, huyện Lương Tài có 7 hợp tác xã chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản, thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Nhiều hợp tác xã phát huy được vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế của các hộ thành viên như Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản An Trụ (xã An Thịnh), Hợp tác xã Nuôi cá nước ngọt Bình Minh (xã Trừng Xá)...

Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Hòa Phụng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang

Trước thực tế ở miền quê chiêm trũng quanh năm, người nông dân một nắng hai sương vẫn không đảm bảo cuộc sống, anh Nguyễn Văn Khoa, Bí thư trẻ của xã Hòa Phụng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đã rất trăn trở, làm cách nào để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, mang lại công ăn việc làm ổn định cho thanh niên trong xã, trong huyện. Qua nhiều lần thử nghiệm nuôi thả ba ba, anh Khoa đã đạt được những thành công nhất định. Với tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô, hướng dẫn cho thanh niên trong xã cùng làm. Năm 2012, anh Nguyễn Văn Khoa thành lập tổ hợp tác nuôi thủy sản thu hút 13 thanh niên trong ấp tham gia, giúp nhau thoát nghèo. Hiện nay, anh đầu tư vốn mua 20 con trăn. Anh Khoa cùng các thành viên trong tổ bắt chuột nuôi trăn, đến khi bán hoàn vốn cho anh, lãi chia đều cho các thành viên.

Anh Nguyễn Văn Khoa cho biết, với 2 ao diện tích gần 0,2 ha mặt nước nuôi hơn 2.000 con ba ba, tận dụng mặt nước kênh nuôi gần 10.000 con ếch và hơn 2.000 con cá thát lát cườm, trung bình mỗi năm trừ chi phí lời gần 200 triệu đồng. Thanh niên trong tổ hợp tác có nhu cầu nuôi ba ba, ếch hay cá thát lát, anh Khoa sẵn sàng cung cấp giống, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, kỹ thuật mà không phải trả tiền. Đến khi thu hoạch, anh sẽ mua lại bằng giá thị trường nên thanh niên không phải lo về đầu ra sản phẩm. Anh Khoa đã làm giàu cho bản thân và còn giúp nhiều thanh niên khác vươn lên trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hiệu quả mô hình tổ hợp tác ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An hiện có 1.380 lao động làm nghề khai thác hải sản trên biển. Cùng với việc cải hoán, đóng mới nhiều tàu công suất lớn, xã Quỳnh Long đã chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình Tổ đội đoàn kết khai thác trên biển góp phần mang lại hiệu quả khai thác hải sản, nâng cao đời sống của ngư dân.

Hiện tại trên toàn xã đã thành lập được 14 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển. Các tổ, đội đoàn kết được thành lập đã tạo điều kiện để ngư dân giúp đỡ nhau về thông tin ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro trên biển và tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cho ngư dân địa phương và ngày càng thu hút nhiều ngư dân tham gia.

Đến nay, toàn xã có 175 phương tiện tàu thuyền, với tổng công suất đạt 28.600 CV, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường trong Tỉnh và các tỉnh lân cận. Trước đây, các phương tiện chỉ hoạt động riêng lẻ, đơn độc trên biển nên sản lượng khai thác còn thấp, chưa đồng đều. Thông qua mô hình Tổ hợp đội tàu thuyền đoàn kết đã giúp ngư dân hỗ trợ nhau mọi mặt, từ việc tìm ngư trường đánh bắt, phân công nhau đưa cá về đất liền bán cũng như hỗ trợ về ngư cụ sản xuất, góp phần giảm chi phí nhiên liệu.

Nhờ liên kết, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân xã Quỳnh Long hằng năm đều tăng lên. Nếu trong năm 2012, sản lượng khai thác hải sản các loại đạt 8.610 tấn, giá trị sản xuất đạt 167 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013 tăng lên hơn 9.870 tấn với giá trị sản xuất 167,5 tỷ đồng.

Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều ngư dân đã mạnh dạn cải hoán tàu thuyền, đóng mới tàu có công suất lớn tích cực tham gia vào Tổ hợp đoàn kết sản xuất trên biển. Từ đó, đời sống ngư dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2013 giảm xuống 6,2%. Mô hình tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển đã góp phần quan trọng trong việc đánh bắt, khai thác hải sản hiệu quả hơn, cũng như nâng cao hơn ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mỗi ngư dân./.