Tháo gỡ khó khăn cho thanh niên làm kinh tế tập thể
Nhiều trở ngại…
Trong thực tế, nhu cầu vay vốn đề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất là rất cấp thiết. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thanh niên cũng chưa tiếp cận được những nguồn vốn vay có lãi suất thấp, phù hợp để phát triển kinh tế...
Việc hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế tại nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khơi dậy ý thức lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương của mình hoặc phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt thủ tục để cấp đất làm trang trại... còn việc hỗ trợ vốn vẫn đang rất khó khăn.
Theo như chia sẻ của anh Trần Hoàng Vang, Phó Bí thư Huyện đoàn Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) thì, toàn Huyện có 94 tổ hợp tác thanh niên, câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh, nhưng hầu hết đều chưa tiếp cận được nguồn vốn vay nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào.
Cũng bộc lộ về những dự định trong tương lai của anh Nguyễn Văn Sang, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, anh sẽ xây dựng trang trại nuôi bò cao sản và nuôi gà siêu trứng quy mô lớn. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có nguồn vốn lớn. Bởi vậy, anh mong muốn tổ chức Đoàn có thêm các chính sách, chương trình hỗ trợ vay vốn kinh doanh để anh cũng như những bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp sẽ có điều kiện để vượt qua khó khăn ban đầu, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên cũng còn khó khăn, theo anh Huỳnh Minh Thức, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn (Tỉnh đoàn Đồng Tháp), đó là do trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế; cán bộ quản lý các tổ hợp tác thanh niên còn yếu về kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa tổ hợp tác và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định.
Tại buổi tọa đàm “Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp” trong chuỗi sự kiện Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ II – 2015, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng cũng đã thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta làm giàu nhưng là giàu chưa bền vững”, bởi trong số 150 thanh niên được vinh danh ở Giải thưởng Lương Định Của năm 2015 đều là những người trẻ, táo bạo và thành công trong làm ăn. Tuy nhiên, không ít trong số này là tự mày mò và thành công do may mắn. Các bạn có ý chí, sức trẻ, nhưng còn thiếu quá nhiều về kỹ năng và kiến thức về áp dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt”.
Nhiều thanh niên cũng chưa tiếp cận được những nguồn vốn vay có lãi suất thấp, phù hợp để phát triển kinh tế...
Vai trò của hỗ trợ của Đoàn là rất quan trọng
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng, cần biết khai thác đúng thế mạnh về điều kiện tự nhiên nơi mình sinh sống, phải bỏ được hủ tục, thói quen manh mún mà sản xuất. Khi nuôi trồng thì phải biết vận dụng khoa học vào để cho hiệu quả cao, phòng tránh tối đa rủi ro. Rồi cần nhận định được đầu tư loại gì là đúng hướng, phù hợp với đầu ra của thị trường, có như vậy mới bền vững.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, những điều này là “quá sức” đối với bạn trẻ ở các vùng nông thôn xa xôi. Vì vậy, cần có “hình bóng” của các tổ chức, trong đó vai trò của Đoàn là rất quan trọng, để có thể đưa những thông tin, các ấn phẩm hướng dẫn hoặc các buổi, chương trình tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất cho thanh niên. Việc làm này phải thường xuyên và quan trọng phải thực chất thì mới mang lại thành công cho thanh niên nông thôn được.
Với vai trò là “người bạn” đồng hành cùng thanh niên, nhằm giải quyết những khó khăn của thanh niên nông thôn khi tham gia sản xuất, thời gian tới, Đoàn Thanh niên cần đề xuất với Ngân hàng Chính sách xã hội tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho thanh niên, cũng như thủ tục vay vốn đơn giản hơn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, giúp những nhà nông trẻ yên tâm sản xuất. Đồng thời, khuyến khích thanh niên nông thôn mạnh dạn, sáng tạo, táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, sử dụng ngồn vốn vay có hiệu quả và từng bước thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên, các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò và ý nghĩa của mô hình; xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn, giao lưu trao đổi, tư vấn về xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; lựa chọn các mô hình tổ, hợp tác xã thanh niên tiêu biểu ở các địa phương để biểu dương, nhân rộng.
Về chính sách hỗ trợ cho những nhà nông trẻ giỏi, anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho biết: Trung ương Đoàn đã và đang làm tốt công việc phát hiện và xét chọn ra những tấm gương. Tuy nhiên, để thúc đẩy và hỗ trợ cho đội ngũ này thì thời gian tới, Trung ương Đoàn cần xây dựng cơ chế "Hậu tuyên dương" đó là hỗ trợ vốn vay, mở các lớp tập huấn... để giúp các tấm gương mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực tế cũng cho thấy, nếu được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, cùng với sự hỗ trợ tích cực về định hướng phát triển, lực lượng thanh niên sẽ phát huy được hiệu quả. Cùng với sự nhạy bén trong suy nghĩ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật và sự đồng hành, cổ vũ của các cấp, ngành, thanh niên các địa phương vùng nông thôn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới./.
Bình luận