Tỉnh Trà Vinh có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 |
Huyện Cầu Ngang có 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thị trấn Cầu Ngang và Mỹ Long đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong đó, Huyện có 3/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020; có 90/90 ấp nông thôn mới. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Cầu Ngang đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, đến nay đã đạt được những thành quả quan trọng như: Có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Kinh tế - xã hội của Huyện có bước phát triển khá, giai đoạn 2015-2020 giá trị sản xuất tăng bình quân 12,01%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 59,84% xuống còn 40,04%, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng từ 22,07% lên 31,59%, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 18,09% lên 28,37%; tổng vốn đầu tư tăng gấp 2,8 lần so với giai đoạn 2010-2015. Nông thôn được triển khai quy hoạch đồng bộ, việc quản lý và thực hiện quy hoạch được tiến hành một cách bài bản. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất đã được đầu tư, củng cố, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 62,41 triệu đồng/người/năm (tăng 49,7 triệu đồng/người/năm so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình). Cảnh quan môi trường trên địa bàn Huyện đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, ngày càng vững mạnh; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Đối với huyện Duyên Hải, đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình xây dựng huyện nông thôn mới là trên 1.315 tỷ đồng. Huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 xã Long Vĩnh và Đông Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 1 thị trấn Long Thành đạt chuẩn đô thị văn minh. Hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ láng nhựa hóa, bê-tông hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,67%; nhà ở kiên cố đạt 93% theo quy định của Bộ Xây dựng. Giáo dục và đào tạo ở các xã nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Đến cuối năm 2022, có 12 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Hộ nghèo của Huyện dưới 4%; trong đó hộ nghèo đa chiều của 3 xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải dưới 2,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 60,48 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, toàn Huyện đã chuyển đổi 1.461ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; đồng thời, chuyển 729,6ha diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao, lợi nhuận bình quân đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn 17 lần so hình thức nuôi truyền thống. Bình quân hàng năm có 30.640 lượt hộ nuôi các loài thủy sản trên 9.719ha mặt nước. Nuôi các loài nhuyễn thể trên sông, bãi bồi ven sông, ven biển được đầu tư mở rộng. Khai thác, đánh bắt thủy sản ở một số xã ven biển góp phần tăng tổng sản lượng thủy sản. Giá trị sản phẩm bình quân đạt 303 triệu đồng/năm/ha, tăng 73 triệu đồng so với năm 2016.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Duyên Hải và huyện Cầu Ngang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về quy hoạch và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.
Bình luận