TP. Quy Nhơn có 16 phường nội thành, 5 xã; trong số này có 4 xã: Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu thuộc diện xây dựng nông thôn mới (riêng xã Nhơn Hội đang được quy hoạch thành phường nội thành). Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay 4/4 xã: Phước Mỹ, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu đều đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng thành phố Quy Nhơn đang thay đổi từng ngày

Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới TP. Quy Nhơn đã đạt được một số kết quả nổi bật, như: Kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 là 10,83%, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, năm 2018 tăng gấp 2,38 lần so với năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm (2010-2018) đạt 4,59 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,55 tỷ USD; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2018: công nghiệp - xây dựng 60,49%, thương mại, dịch vụ 36,47%, nông - lâm - thủy sản 3,04%.

Nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với tổng nguồn vốn đã thực hiện là: 738.089 triệu đồng, trong đó: ngân sách trung ương 188.823 triệu đồng, chiếm 25,58 %; ngân sách tỉnh 102.305 triệu đồng, chiếm 13,86%; ngân sách thành phố 153.655 triệu đồng, chiếm 20.28 %; ngân sách xã 2.084 triệu đồng, chiếm 0,28%; nhân dân đóng góp 42.653 triệu đồng, chiếm 5,78%; Doanh nghiệp 15.850 triệu đồng, chiếm 2,15%; vốn khác 232.718 triệu đồng, chiếm 31,53%.

Bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; kinh tế tăng trưởng nhanh, tổng sản phẩm địa phương bình quân tăng hàng năm; hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm, cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo trên 04 xã giảm còn 1,52%. Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng: 100% số xã đã được quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch nông thôn mới; đã nhựa hóa, bê tông hóa cho hơn 141,7km đường liên xã, đường trục xã và đường trục thôn, đường ngõ xóm, giao thông nội đồng.

Hệ thống thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh, đảm bảo các tuyến bờ kè ven biển của các xã, nhằm chống triều cường xâm thực, bảo vệ nhà dân sống ven kè biển và cho phòng chống thiên tai.

Hệ thống lưới điện được nâng cấp cải tạo, đảm bảo 100% hộ dân trên địa bàn các xã có điện và sử dụng điện an toàn; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, hạ tầng kỹ thuật viễn thông đạt tiêu chí quốc gia, sóng viễn thông được phủ 100% diện tích trên địa bàn các xã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc và truy cập internet cho cộng đồng dân cư nông thôn.

Mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, trường học được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư và có nhiều tiến bộ; giáo dục đào tạo được quan tâm đặc biệt. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa được triển khai tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm; tỷ lệ người dân nông thôn tham gia các loại hình bảo hiểm tăng qua các năm và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi được giảm qua các năm; 100% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên 90%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND tỉnh Bình Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo TP. Quy Nhơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.