Tuổi trẻ Đồng bằng sông Cửu Long góp sức phát triển kinh tế tập thể
Nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế tập thể
Thanh niên là lực lượng lao động quan trọng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. Từ thực tiễn đó, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam đã triển khai phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, thu hút nhiều thanh niên trong cả nước tham gia tích cực. Những điển hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên… là xu thế tất yếu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các mô hình liên kết hợp tác phát triển kinh tế tập trung vào trọng tâm xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên đã xác định hướng đi phù hợp cho thanh niên trong giai đoạn mới.
Đáng phấn khởi là, số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên ngày càng tăng. Số lượng đoàn viên, thanh niên làm giàu chính đáng từ việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình kinh tế tập thể của tuổi trẻ không chỉ góp phần tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho hàng nghìn thanh niên và lao động mùa vụ ở nông thôn, mà còn giúp thanh niên nông thôn yên tâm ở lại lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Điển hình như Câu lạc bộ Hoa kiểng Thanh niên ở xã Tân Thành, TP Cà Mau, thu hút 15 thanh niên tham gia trồng và kinh doanh hoa kiểng. Từ chỗ mỗi thành viên chỉ có vài chục cây kiểng lá (năm 2003), đến nay quy mô lên đến hàng ngàn cây kiểng có giá trị, bình quân mang về thu nhập cho mỗi thành viên trên 200 triệu đồng mỗi năm. Trương Văn Dùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa kiểng Tân Thành cho biết: "Ban đầu tôi chỉ trồng hoa kiểng vì yêu thích, nhưng rồi sau vài lần trưng bày hoa Tết ở chợ xã, có nhiều khách hàng đặt mua, thế là anh em trồng hoa kiểng trong xã thành lập Câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm và có đủ hoa kiểng cung cấp cho thị trường". Hiện vườn kiểng của anh Dùng có hơn 500 cây kiểng trên 10 năm tuổi và gần 500 cây kiểng các loại ở độ tuổi khác nhau.
Câu lạc bộ Hoa kiểng Thanh niên ở xã Tân Thành, TP Cà Mau
Hay như hợp tác xã Quốc Noãn ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ), không chỉ giúp thanh niên vươn lên làm giàu, mà còn góp phần vực dậy làng nghề truyền thống ở địa phương. Hợp tác xã gồm 22 xã viên và khoảng 50 lao động thời vụ, sản xuất nhiều mặt hàng như: đan cần xé, làm chậu kiểng, lọp tép, bội gà... Chỉ tính mặt hàng cần xé, hàng tháng hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 500 – 700 cái, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Tùy theo mẫu mã, kích cỡ mà cần xé có giá thành từ 20.000- 55.000 đồng/cái... Nhờ sự liên kết chặt chẽ, sản phẩm có chất lượng cao, đầu ra ổn định, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã cũng đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng. Theo chị Đặng Ngọc Nương, Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Lai, Huyện đoàn cũng thường xuyên phối hợp với các ngành tổ chức nhiều lớp dạy nghề đan đát cho thanh niên địa phương để đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Tháo gỡ khó khăn để nhân rộng các mô hình
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên ở Đồng bằng sông Cửu Long đa số chỉ hoạt động trên một lĩnh vực nên mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tại địa phương; lợi nhuận đạt được chưa cao, thu nhập mang lại cho các thành viên còn ít; một. Nguyên nhân là song trình độ nắm bắt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nhiều thanh niên còn hạn chế; cán bộ quản lý còn yếu về trình độ, nhận thức, kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn đề đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất rất bức thiết đối với nhiều thanh niên, thế nhưng thực tế thời gian qua nhiều thanh niên chưa tiếp cận với nguồn vốn. Bởi, đa số thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ vay nguồn vốn các đoàn thể Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Hơn nữa, việc quy định điều kiện được vay phải là hộ nghèo, cận nghèo phần nào thu hẹp đối tượng vay vốn.
Để giải quyết những khó khăn này, Trung ương Đoàn trong thời gian qua đã tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ quản lý các tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên kiến thức về kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường, điều hành hoạt động, tìm kiếm và khai thác các nguồn lực… Đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên; tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, vốn, dạy nghề và hướng dẫn cách thức phát triển sản xuất, kinh doanh giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp./.
Bình luận