Việt Nam cần có tâm thế chủ động hơn với AEC
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Trường Chính sách công, Đại học Tokyo, Nhật Bản đã tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN”.
Cơ hội đã rõ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM khẳng định, với ý nghĩa là một sân chơi đầu tiên trong quá trình hội nhập, sự tham gia đầy đủ và sâu rộng vào ASEAN, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang lại nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, có ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam.
Thông qua liên kết nội khối ASEAN và tham gia đầy đủ vào các khung khổ, các thỏa thuận thương mại tự do trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Việt Nam có thể tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường trong và ngoài khu vực, tăng cường thu hút đầu tư; nâng cao năng lực thể chế và khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập.
Tham gia ASEAN, Việt Nam có thêm kinh nghiệm ứng phó với những tác động, diễn biến kinh tế bất lợi ở khu vực như khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á những năm 1997-1998, hay khủng hoảng về giá năng lượng và lương thực... và chính những kinh nghiệm này đã giúp ích không nhỏ cho Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc tham gia và hội nhập vào ASEAN cũng mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực, có cơ hội tiếp nhận thông tin, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn nhân lực; từ đó hỗ trợ tham gia nhiều hơn vào các thị trường có yêu cầu khắt khe hơn.
Đồng tình với những cơ hội đã được người đứng đầu CIEM đưa ra, Giáo sư Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công thuộc Đại học Tokyo, đã chỉ thêm một cơ hội rất sàn sườn nữa đối với sự phát triển của Việt Nam, đó là sự ra đời của AEC có thể là một động lực chính để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới.
Nhưng, doanh nghiệp lại chưa sẵn sàng đón nhận cơ hội
Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đồng tình với nhận định, dù quá trình hội nhập ASEAN được khởi xướng từ khá lâu, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, của giới nghiên cứu, của người dân về AEC chưa thực sự đúng mức.
Thực tế là sự quan tâm đối với AEC mới chỉ được làm sâu sắc trong những năm gần đây. Điều này cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình chuẩn bị của Việt Nam.
Kết quả cuộc khảo sát “AEC trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” (do trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội mới thực hiện tại gần 700 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ vào năm 2014), có 60% doanh nghiệp Việt không biết gì về những nội dung cơ bản của AEC.
Kết quả, phần lớn các doanh nghiệp không biết chính xác về thời điểm hình thành AEC (51,1%), các trụ cột của AEC (60%); đại đa số các doanh nghiệp không biết về AEC Scorecard (80%) và việc Việt Nam là điều phối viên trong lĩnh vực logistics (87,22%).
Theo PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, những thành tựu bước đầu của AEC ở cả bốn trụ cột chính gồm: Thị trường và cơ sở sản xuất chung; khu vực cạnh tranh; phát triển công bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu chính là nền tảng quan trọng để lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN và các nước đối tác.
Ông Sơn cho rằng, Việt Nam đã thực thi tốt các cam kết trong hội nhập nhưng chưa tận dụng được hết cơ hội, tỷ lệ sử dụng các ưu đãi trong ASEAN còn khá thấp, khoảng 30%.
Còn theo Giáo sư Toshiro Nishizawa, Việt Nam cũng gặp những thách thức ở các lĩnh vực như: doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, khả năng hội nhập thị trường tài chính và lao động. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian để giải quyết, có thể phải 10 năm hoặc lâu hơn.
Ở góc độ động lực doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung lo ngại, động lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với 10 năm trước đây, không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho hội nhập kinh tế ở khu vực ASEAN, thể hiện qua mức độ nhận thức còn hạn chế, thiếu sự quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập.
“Đành rằng cải cách, thì phải có thời gian, nhưng đã 5 năm, 10 năm, thậm chí 30 năm rồi, những vẫn có cái gì đó vẫn chậm, trong khi nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc họ đã tiến rất xa rồi”, ông Cung lo lắng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân xuất phát từ thực tế có tới 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động nội địa, không tham gia xuất nhập khẩu nên không cảm nhận được sức ép từ hội nhập.
Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng còn gặp nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh nên “họ lo tồn tại trước mắt hơn là cạnh tranh trong tương lai”.
Cần lắm sự đổi mới về tư duy
Trước thực tế doanh nghiệp vẫn thờ ơ với AEC, hoặc mới chỉ dừng ở những hiểu biết rất chung chung, mà chưa nắm rõ những vấn đề tác động trực tiếp đến mình, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn đề xuất, doanh nghiệp bên cạnh việc tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông, hội thảo, nên tính đến chuyện thuê các chuyên gia nghiên cứu sâu về những vấn đề minh quan tâm, từ đó có thể xây dựng các kế hoạch phù hợp với doanh nghiệp.
Trên góc độ cao hơn, theo vị chuyên gia này là phải đổi mới tư duy về hội nhập ASEAN. Không nên chú trọng thực hiện cam kết khi gia nhập AEC, mà cần coi đó là cơ hội để hoàn thiện và thay đổi.
AEC là cầu nối của các tiến trình hội nhập mà Việt Nam đang tiến hành. Việt Nam cần tận dụng sức mạnh trung tâm của ASEAN trong thế mặc cả, đàm phán, cũng như thực hiện các cam kết.
“Khi gia nhập AEC, không gian chính sách hỗ trợ sẽ giảm đi nên phải rất linh hoạt và tinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn bà Phạm Chi Lan cho rằng, cần có những chính sách đi vào thực chất hơn là cam kết nhiều nhưng thực thi còn thấp.
Đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, đối với Việt Nam, hội nhập ASEAN nên được nhìn nhận với ý nghĩa tạo thêm cơ hội cho phát triển, và nâng cao năng lực về mọi mặt để tận dụng tối đa các cơ hội ấy.
“Hội nhập ASEAN không phải, và không nên được xem xét như là một quá trình đưa ra cam kết và thực hiện. Chính ở đây, Việt Nam cần có tâm thế chủ động hơn với cuộc chơi ở khu vực”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Vì thế, Việt Nam cần nâng cao năng lực cả về thể chế, môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh cũng như trình độ khoa học công nghệ. Trong quá trình đó, Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như xây dựng quan hệ hợp tác, đối tác.
“Quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực và với các đối tác có trình độ phát triển như Nhật Bản sẽ có ý nghĩa rất quan trọng”, người đứng đầu CIEM cho hay./.
Bình luận