423 xã khó khăn chỉ đạt dưới 10 tiêu chí

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới thì vẫn còn sự chênh lệch khá cao giữa các vùng miền.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay có khoảng 423 xã khó khăn (đạt dưới 10 tiêu chí) thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ðây là các xã khó có khả năng về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020. Những tiêu chí còn lại chưa đạt, hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn, như: giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường…

Xây dựng nông thôn mới tại các xã biên giới còn rất nhiều khó khăn, trở ngại

Ðiển hình như: Xã Mường Chanh (Mường Lát) có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội còn hạn chế đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã huy động tối đa nội lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã huy động được gần 71 tỷ đồng để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới.

Tuy nhiên, với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn yếu, thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Nhất là các tiêu chí, như: thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa, chợ, giảm nghèo...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, ngoài các nguồn vốn phân bổ chung để thực hiện Chương trình, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp lên tới hơn 77 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ đạt được 12 trong số 19 tiêu chí.

Vì vậy, dù được chọn là xã điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của Trung ương nhưng đến nay Mường Chanh mới hoàn thành được 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Không chỉ Mường Chanh, các xã biên giới còn lại của huyện Mường Lát cũng gặp khó khăn, bình quân mỗi xã mới đạt 5/19 tiêu chí nông thôn mới.

Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới huyện Mường Lát cũng là thực trạng chung ở các xã biên giới của Thanh Hóa. Đến đầu tháng 08/2017, các xã biên giới đã huy động được gần 306 tỷ đồng, bình quân mỗi xã huy động hơn 19 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bình quân các xã biên giới mới đạt 7,69 tiêu chí, trong khi đó mức bình quân chung toàn tỉnh Thanh Hóa là 14,5 tiêu chí/xã.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các xã nêu trên đều có địa hình tương đối phức tạp, khoảng cách kết nối thôn, bản, ấp với trung tâm xã rất xa; kinh phí đầu tư cho một công trình hạ tầng đòi hỏi rất lớn… Bên cạnh đó, kinh tế tại các xã biên giới chủ yếu sản xuất nông nghiệp qui mô nhỏ lẻ phân tán; nhu cầu về xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng lớn trong khi nguồn kinh phí hạn chế; việc huy động đóng góp gặp khó...

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và bãi ngang ven biển, năng lực cán bộ xã, thôn, bản, ấp thấp. Ðây cũng chính là một trong những rào cản ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác này.

Nhiều nơi, trưởng thôn, trưởng bản chỉ có trình độ tiểu học, do đó, không có khả năng xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai công việc của thôn, bản, ấp.

Cách thức triển khai đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã này vẫn mang nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang, không thể đưa vào sử dụng và phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh ở vùng xa, vùng cao chưa được hưởng lợi nhiều từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hơn nữa, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, các xã biên giới tổ chức phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập cho người dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nông dân ở các địa phương này thuộc diện hộ nghèo còn cao, thiếu vốn và việc tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất còn hạn chế. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, chưa thực sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Trong khi đó, tập quán sản xuất của người dân khu vực biên giới còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp tại khu vực này không nhiều, quy mô không lớn, nên khả năng thu hút lao động, tạo nguồn thu ngân sách không cao. Thời gian qua, có những thôn, bản ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đồng tình đóng góp sức người, sức của để đầu tư xây dựng kiên cố đường giao thông nội bản, tuy nhiên, số đó chưa nhiều.

Giải pháp nào để khắc phục?

Vì vậy, để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo và đạt tiêu chí thu nhập tại các xã biên giới, cần thời gian để cải thiện và nâng cao nhận thức, trình độ cho người dân; đầu tư các mô hình sản xuất dài hạn để tạo sinh kế.

Thực tế cho thấy, để những xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo hoàn thành được các tiêu chí nông thôn mới và tăng mức thụ hưởng trực tiếp của người dân, thì trước hết cần ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư; trong đó, tập trung hoàn thiện các công trình thiết yếu cấp thôn, bản như: đường liên thôn, liên xã, nội đồng... để trực tiếp phục vụ nhu cầu sản xuất và cải thiện điều kiện sống của người dân và giảm nghèo bền vững, nhằm từng bước phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí ở cấp xã.

Hơn nữa, các công trình thiết yếu cấp thôn, bản, ấp không đòi hỏi đầu tư lớn, phù hợp với khả năng bố trí ngân sách trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân. Tăng cường hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế để nhân rộng trên địa bàn.

Để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu phấn đấu không còn xã dưới năm tiêu chí do Chính phủ đề ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ xin chủ trương xây dựng Ðề án Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020.

Khi được thông qua, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền và người dân các xã khó khăn, chủ động trong việc phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững./.