Bình Định phấn đấu đến năm 2020 có 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bình Định đã ban hành nhiều văn bản, như: Quyết định số 4039/QĐ-UBND, ngày 27/12/2013 về việc điều chỉnh kế hoạch các xã xây dựng nông thôn mới hoàn thành đến năm 2015 trên địa bàn Tỉnh; Quyết định số 67/2016/QĐ-UBND, ngày 15/12/2016 ban hành định mức hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2016-2020 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh; Quyết định số 1906/QĐ-UBND, ngày 30/05/2017 về việc ban hành tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mớ giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung, phương pháp vận động các nguồn lực để thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, đoàn thể nhân dân và các cơ quan truyền thông, báo chí tổ chức thực hiện phổ biến, quán triệt, thông tin tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới sâu rộng đến từng cấp, từng ngành và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân trên địa bàn Tỉnh.
Xây dựng nông thôn mối ở Bình Định có nhiều khởi sắc
Theo đó, các sở ban ngành, hội đoàn thể đã có những hoạt động thiết thực giúp đỡ các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, như: UBND Tỉnh tổ chức Lễ phát động “Phong trào thi đua tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh đã đưa cán bộ, chiến sỹ về trực tiếp tại địa phương giúp nhân dân các xã Cát Tài (huyện Phù Cát), xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), xã Hoài Thanh ( huyện Hoài Nhơn), xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tỉnh đã huy động lực lượng đoàn viên tham gia xây dựng đường giao thông, nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các địa phương; Hội Liên hiệp phụ nữ Tỉnh đã triển khai nhiều mô hình trong công tác bảo vệ môi trường thôn, xóm xanh - sạch - đẹp…
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã thiết lập thêm kênh huy động nguồn lực đạt hiệu quả cao thông qua hoạt động tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ, giúp đỡ các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh.
Điển hình như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bình Định đã hỗ trợ 27,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV – Tổng công ty Tân Cảng tài trợ 500 triệu đồng; Công ty xây dựng 47 hỗ trợ xây dựng 1km đường giao thông nông thôn trị giá 1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn hỗ trợ 500 triệu đồng…
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 là 45.357,188 tỷ đồng, trong đó, 369,460 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; 2.210,791 tỷ đồng từ ngân sách địa phương; 504,536 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp; 42.272,801 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác.
38 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nhờ những nỗ lực nói trên, theo Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định, qua 6 năm thực hiện, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức; song chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tính đến tháng 10/2017, toàn Tỉnh đã có 38/122 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 31,1% tổng số xã ở khu vực nông thôn; số xã đạt từ 15-18 tiêu chí có 28 xã (chiếm 22,9%); số xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 47 xã (chiếm 38,4%); số xã đạt từ 5-9 tiêu chí có 9 xã (chiếm 7,4%). Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh là 14,1 tiêu chí/xã.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 26,78 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo còn 11,85% (đánh giá theo tỉ lệ chuẩn nghèo đa chiều). Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; và là đơn vị dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Thủ tướng Chính phủ đã tặng cờ thi đua cho huyện Tuy Phước và tặng bằng khen cho 9 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới đôi lúc chưa chặt chẽ, kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đóng góp để xây dựng nông thôn mới của các tổ chức, doanh nghiệp… còn thấp.
Với các huyện miền núi, các địa bàn khó khăn có điểm xuất phát thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng lạc hậu, nguồn lực còn nhiều hạn chế.
Tình trạng chỉ coi trọng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, còn vấn đề đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất chưa đáp ứng kịp nhu cầu.
Các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn khá khiêm tốn; chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ.
Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn Tỉnh và mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn vẫn còn cao (chiếm trên 11%)…
Giải pháp nào trong thời gian tới?
Bình Định đặt ra mục tiêu đến năm 2020, toàn Tỉnh có 76 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 62,3% (trong đó giai đoạn 2016-2020 là 48 xã); có 4 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phấn đấu có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn nông thôn mới gồm TP. Quy Nhơn, TX. An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn.
Để đạt được kế hoạch đã đề ra, Tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng lợi”; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải là giải pháp quan trọng hàng đầu; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng thông qua việc người dân tích cực tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường vận động xã hội một cách sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao bộ máy tổ chức Văn phòng điều phối cấp Tỉnh và chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đến năm 2020 đạt từ 40-45 triệu đồng/người/ năm.
Hơn nữa, hệ thống cơ chế, chính sách từng bước hoàn thiện; ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời nâng chất lượng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Ngoài ra, cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xã nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh; bảo đảm phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán sinh hoạt từng vùng, miền; kết nối quy hoạch nông thôn mới phù hợp với định hướng quy hoạch sản xuất hàng hóa.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế nhanh và bền vững, huy động nhiều nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mỗi hộ gia đình giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, nhất là các cơ chế, chính sách để huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; trong đó chú trọng ưu tiên cho các xã nghèo, khó khăn, xã bãi ngang, hải đảo của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình nông thôn mới nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp từ nhân dân.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, thâm canh theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mang tính cạnh tranh; tích cực kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn./.
Bình luận