Tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Nhận thức được vị trí, vai trò của chương trình nông thôn mới, thời gian qua, Đắk Nông đã tích cực tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị chung tay, tham gia thực hiện chương trình thông qua các hành động, phong trào thi đua cụ thể như: “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Phụ nữ Đắk Nông chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Thông qua các phong trào thi đua, đa số người dân nông thôn đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung của chương trình; từ đó góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững… Người dân cũng tích cực đóng góp tiền, ngày công, hiến đất đai, hoa màu… cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sạch…

Từ đầu năm 2021 đến nay, Chủ tịch UBND Tỉnh đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 4 cá nhân và 1 hộ gia đình vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trao thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Chương trình nông thôn mới giúp giúp nhiều địa phương tại Đắk Nông phát triển hạ tầng
Chương trình nông thôn mới giúp nhiều địa phương tại Đắk Nông phát triển hạ tầng

Đắk Nông có 7 huyện và 1 TP. Gia Nghĩa thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, TP. Gia Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đến nay, 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 60%; bình quân toàn tỉnh mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Trong đó, 36 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 60%; đạt từ 15-18 tiêu chí có 5 xã, chiếm 8,4%; đạt từ 10-14 tiêu chí có 19 xã, chiếm 31,6%… Đắk Nông có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có 110 thôn, bon, buôn, bản thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn áp dụng thực hiện theo Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới.

Những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các mô phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, từ đó từng bước nâng cao được tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm cho người dân nông thôn trong việc áp dụng vào công tác phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Cùng với đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm được các cấp, ngành quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phát triển kinh tế nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; lồng ghép hoạt động triển khai theo chức năng của ngành, lĩnh vực quản lý, gắn với các hoạt động của Chương trình.

Do đó đã tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, xây dựng một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia. Đến nay, toàn Tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận, trong đó: 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia. 2 sản phẩm 4 sao được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá chấm điểm đạt trên 90 điểm, trình Trung ương xem xét đánh giá 5 sao.

Bên cạnh đó, đã hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thường mại điện tử (15 sản phẩm lên sàn Shopee; 47 sản phẩm tham gia sàn Voso.vn; 25 sản phẩm được tạo gian hàng trên sàn Postmart và 22 sản phẩm lên Sanocop.vn…).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp dưới còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động và triển khai, thực hiện các nội dung của Chương trình; Số lượng, chất lượng cán bộ thực hiện Chương trình còn thiếu và đều làm kiêm nhiệm. Việc huy động nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2022 chưa đáp ứng được yêu cầu; Vai trò chủ thể của người dân chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...

Một số giải pháp trong thời gian tới

Với mục tiêu đến năm 2025, toàn Tỉnh có thêm ít nhất 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (luỹ kế 43 xã); bình quân toàn tỉnh đạt 17,2 tiêu chí/xã; Có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (luỹ kế 12 xã); Có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí… Để hoàn thành nhiệm vụ này, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản pháp lý phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế tại địa phương để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện sâu rộng phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn về xây dựng nông thôn mới; trong đó chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo các nội dung chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.

Ba là, huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, các dự án đang thực hiện trên địa bàn để thực hiện các nội dung, mục tiêu chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới; Kêu gọi, huy động sự vào cuộc, đóng góp tích cực hơn nữa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế,… nhất là từ cộng đồng dân cư trong việc triển khai các nội dung của Chương trình.

Bốn là, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị để đảm bảo duy trì ổn định đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao hơn nữa thu nhập và chất lượng sống của người dân nông thôn; tập trung xây dựng các mô hình về phát triển du lịch theo hướng du lịch trải nghiệm nông nông thôn mới gắn với tham quan các danh lam, thắng cảnh, các lễ hội văn hóa của địa phương…/.