Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định.

Trong những năm trước, huyện Vụ Bản được biết là vùng chiêm trũng nghèo khó và là một trong những huyện chậm phát triển của tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, vùng đất này đã dần có sự đổi thay đáng mừng.

Trung tâm huyện Vụ Bản

Đảng bộ huyện Vụ Bản xác định, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt của hai nhiệm kỳ Đại hội. Từ đó, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị gắn với thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM theo từng giai đoạn. Ngay từ năm 2011, Huyện ủy Vụ Bản đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 04/01/2011 về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM trong thời kỳ CNH – HĐH.

Xác định xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, huyện Vụ Bản đã xây dựng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn với bước đi và mục tiêu phấn đấu cụ thể. Trong đó, giai đoạn đầu từ năm 2010 đến năm 2015, huyện tập trung xây dựng NTM ở các địa phương có điều kiện KT- XH thuận lợi. Trong giai đoạn này, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng NTM ở xã Hiển Khánh – địa phương được chọn làm điểm của tỉnh và nhân rộng xây dựng NTM ở các địa phương có điều kiện kinh tế thuận lợi. Những nỗ lực ở giai đoạn này đã đem lại kết quả đáng mừng. Đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 10 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM.

Sau hơn 7 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn của huyện Vụ Bản đã có sự đổi thay rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; đồng thời củng cố niềm tin trong lòng mỗi người dân về sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động sự đóng góp của nhân dân, từ năm 2011 đến tháng 08/2018, huyện Vụ Bản đã huy động tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới đạt 2.392,5 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương và tỉnh là 190,9 tỷ đồng; ngân sách huyện và xã là hơn 435,3 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp: 370,8 tỷ đồng; Vốn nhân dân đóng góp: 455,8 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân huyện Vụ Bản. Đó cũng là kết quả của những cách làm sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương.

Trước đó, ngày 23/01/2019, tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia tổ chức họp Hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Địnhđạt chuẩn nông thôn mới./.