Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh mới
Góp phần nâng cao đời sống người dân
Sau khi được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, hợp tác xã cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, với quy mô lớn hơn; đảm bảo chất lượng vật tư, dịch vụ, giá cả thấp hơn, trung bình khoảng 8% so với hộ tư nhân. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được mở rộng, nhiều hợp tác xã có quy mô toàn xã (khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long). Nhiều loại hình hợp tác xã mới được thành lập, như: hợp tác xã môi trường, hợp tác xã trường học, hợp tác xã y tế... Từ năm 2016, số lượng hợp tác xã thành lập mới trung bình hàng năm đạt khoảng 2.500 hợp tác xã, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 57% tổng số các hợp tác xã trong toàn quốc.
Tổ chức quản lý và điều hành hoạt động của hợp tác xã từng bước được cải thiện. Bộ máy quản lý và điều hành hoạt động của hợp tác xã được tách bạch, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và tính công khai, minh bạch trong hợp tác xã. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã từng bước được nâng cao. Một số hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Thông qua hợp tác xã, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người lao động, cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Một số kết quả cụ thể được thể hiện trên các mặt sau:
Về tổ hợp tác, cả nước có trên 103 nghìn tổ hợp tác (trong đó, gần 40 nghìn tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và trên 64 nghìn tổ hợp tác trong các lĩnh vực phi nông nghiệp), tăng khoảng 7,5% so với năm 2003 và thu hút trên 1,3 triệu thành viên tham gia, tăng khoảng 8,1%. Số lao động thường xuyên trong tổ hợp tác khoảng 1,1 triệu lao động, tăng 11,2%. Doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 408 triệu đồng, tăng 75,7%. Lãi bình quân đạt 61,2 triệu đồng/năm, tăng 127,5%. Thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003.
Về hợp tác xã, toàn quốc có gần 23 nghìn hợp tác xã (trong đó, gần 14 nghìn hợp tác xã nông nghiệp và trên 9 nghìn hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lượng hợp tác xã tăng khoảng 59% so với năm 2003. Tuy nhiên, số thành viên hợp tác xã đã giảm khoảng 5,6% do sắp xếp, tổ chức lại hợp tác xã theo quy định mới của Luật Hợp tác xã năm 2012 và việc giải thể, ngừng hoạt động của nhiều hợp tác xã đông thành viên, hoạt động không hiệu quả... Trong giai đoạn 2003-2018, gần 20 nghìn hợp tác xã được thành lập mới, trên 11 nghìn hợp tác xã giải thể. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là trên 1,2 triệu người, tăng 14,8% so với năm 2003.
Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2018 đạt gần 4,5 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003. Trong đó, tính riêng doanh thu bình quân của hợp tác xã trong dịch vụ với thành viên tăng khoảng 3,4 lần; chiếm 72% trong doanh thu bình quân của một hợp tác xã. Lãi bình quân của một hợp tác xã năm 2018 là trên 240 triệu đồng/hợp tác xã, tăng khoảng 225% so với năm 2003. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 36,6 triệu đồng/năm (tăng khoảng 133% so với năm 2003), góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động trong hợp tác xã.
Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4%. Ngoài ra, kinh tế tập thể còn mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên thông qua tác động gián tiếp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình, đưa tỷ trọng của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chiếm trên 30% GDP cả nước.
Trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã nổi bật, điển hình với cách làm mới, hiệu quả, như: ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyên ngành dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất; hợp tác xã đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị; tích tụ, tập trung đất đai để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cây trồng; phát triển sản phẩm nông nghiệp bản địa. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp với du lịch nông nghiệp, nông thôn, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian gần đây, số lượng hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng tăng, dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới; Đã có hàng trăm mô hình hợp tác xã phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các thành viên, như: Hợp tác xã Evergrowth (tỉnh Sóc Trăng), Hợp tác xã Quý Hiền (tỉnh Lào Cai), Hợp tác xã Ỷ La (tỉnh Tuyên Quang)...
Về liên hiệp hợp tác xã, cả nước có 74 liên hiệp hợp tác xã (39 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 35 liên hiệp hợp tác xã trong các lĩnh vực phi nông nghiệp), tăng gấp 2,8 lần so với năm 2003. Số liên hiệp hợp tác xã được thành lập mới tăng nhanh từ năm 2013 trở lại đây (48 liên hiệp hợp tác xã được thành lập). Các liên hiệp hợp tác xã thu hút 555 hợp tác xã thành viên, tạo việc làm cho gần 26 nghìn lao động với thu nhập bình quân khoảng 60-80 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân là 8,3 tỷ đồng/năm và lãi bình quân khoảng 648 triệu đồng/năm. Cả nước có 18 liên hiệp hợp tác xã hoạt động thực sự hiệu quả, có lãi, tạo việc làm ổn định cho người lao động, an sinh xã hội và làm tốt vai trò đầu mối kết nối các thành viên với các đối tác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên và thị trường. Điển hình là: Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop); Liên hiệp hợp tác xã nông sản an toàn tỉnh Sơn La; Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ an toàn nông sản Việt Nam; Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ - nông nghiệp - tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop); Liên hiệp hợp tác xã chế biến - xuất khẩu thanh long Bình Thuận (TP. Đà Nẵng); Liên hiệp hợp tác xã Artemia (tỉnh Sóc Trăng); Liên hiệp hợp tác xã số 1 (tỉnh Lâm Đồng)...
Đạt được kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng trong công tác chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, vào cuộc, tập trung nỗ lực, cố gắng nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012 và Chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cụ thể là, trên cơ sở Nghị quyết số 32/2016/QH14, ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg, ngày 27/04/2018 phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu; tổ chức triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra “sân chơi” cho các hợp tác xã phát triển, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chỉ đạo tổ chức các diễn đàn để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Song, vẫn còn nhiều khó khan, hạn chế
Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực khác trong nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, phân tán, phát triển chủ yếu theo chiều rộng; số lượng thành viên giảm; phát triển không đồng đều giữa nông nghiệp, phi nông nghiệp, giữa các vùng miền. Số lượng các hợp tác xã hoạt động hiệu quả tuy có tăng trưởng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã quy mô lớn còn ít; việc thực hiện chuyển đổi từ hợp tác xã kiểu cũ sang kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn khó khan; Chưa phổ biến, nhân rộng được nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã và với các loại hình doanh nghiệp khác còn yếu, hiệu quả thấp. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng còn nhiều bất cập, nhiều chính sách ban hành thiếu nguồn lực hoặc tính khả thi chưa cao. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lực lượng xã hội vì sự nghiệp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã còn chưa thật sự chặt chẽ, đặc biệt là ở các cấp địa phương.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đảng viên và người dân vẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất về bản chất, vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nơi cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức hoặc còn hình thức trong việc chỉ đạo, định hướng, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Bên cạnh đó, công tác thể chế hóa nghị quyết chậm, một số văn bản ban hành còn chưa kịp thời, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã nhiều, nhưng phân tán, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý nhà nước có lúc, có nơi chưa được thực hiện đầy đủ, có nơi buông lỏng, có nơi can thiệp quá sâu làm hạn chế hiệu quả hoạt động và tính chủ động của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật chưa thường xuyên. Năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã còn yếu, tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực còn hạn chế; việc thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, minh bạch thông tin nhiều nơi còn lúng túng. Cuối cùng là tâm lý e ngại mô hình hợp tác xã kiểu cũ trong quần chúng nhân dân vẫn còn nặng nề, một bộ phận chưa hiểu rõ bản chất của hợp tác xã kiểu mới.
Để phát triển mạnh hơn nữa khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã
Mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã trong thời gian tới là phát triển năng động, hiệu quả, bền vững để thực sự là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Để đạt được mục tiêu phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn về chính sách, pháp luật hợp tác xã. Xây dựng và đưa nội dung giảng dạy về kinh tế tập thể trong hệ thống giáo dục quốc dân. Rà soát, nghiên cứu, xây dựng, củng cố hệ thống lý luận phù hợp với thực tiễn về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hai là, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã nhằm rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của Luật Hợp tác xã... Rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan khác về thuế, đất đai, tín dụng, lao động… nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến năm 2030 gắn với xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về đào tạo, kết cấu hạ tầng, xúc tiến thương mại, chương trình, đề án hỗ trợ, ưu đãi kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ba là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Kiện toàn tổ chức, thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành giữa Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Trung ương và địa phương. Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thống nhất từ Trung ương đến địa phương giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước chung về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của thành viên; thu hút thêm thành viên mới. Tháo gỡ rào cản, quy định nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực, tập trung ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; cải thiện tiềm lực tài chính và quy mô cho hợp tác xã. Xây dựng, tổng kết và nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với Chương trình OCOP. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các hợp tác xã; xúc tiến thương mại; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ...
Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Coi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nội dung trọng tâm của công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện nghị quyết, các quy định pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt, kỹ thuật phát triển, thành lập và nâng cao năng lực trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Bối cảnh mới đặt ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng với những tín hiệu khả quan đang tác động tích cực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các hợp tác xã, chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã sẽ phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam./.
TS. Nguyễn Văn Đoàn Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số tháng 01+02/2020)
Bình luận