Sửa đổi Luật Hợp tác xã: Các chính sách ưu đãi sẽ tập trung vào bản chất hợp tác xã
Ngày 22/3/2022, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị phổ biến Chiến lược phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Một trong nội dung quan trọng được đưa ra trong Hội nghị là Luật Hợp tác xã sửa đổi tới sẽ dành một chương về chính sách ưu đãi của Nhà nước cho phát triển hợp tác xã.
Hội nghị nhằm phổ biến, tuyên truyền và làm rõ hơn các nội dung của Chiến lược phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tham vấn ý kiến của các đại biểu về định hướng sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012.
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo Cục Phát triển Hợp tác xã, Luật Hợp tác xã lần lượt ra đời năm 1996, 2003 và 2012, trong đó Luật Hợp tác xã năm 2012 đã thể hiện được tư du mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới, với hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, qua đó giúp doanh thu của các hợp tác xã được nâng lên, kinh tế hộ thành viên được cải thiện, tác động đến xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương.
“Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã đã từng bước được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với Luật Hợp tác xã và tình hình phát triển của hợp tác xã trong từng thời kỳ. Trong Luật Hợp tác xã năm 2012, thay vì chính sách hỗ trợ cho tất cả hợp tác xã như giai đoạn trước, đã có sự sửa đổi cho phù hợp với nội dung chính sách quy định của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, đồng thời phù hợp với bản chất hợp tác xã, đáp ứng nhu cầu của từng loại hình hợp tác xã”, đại diện Cục Phát triển hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển hợp tác xã tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, như: các chính sách chậm triển khai trong thực tế, tác động của chính sách đến đối tượng thụ hưởng còn thấp, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy kinh tế hợp tác và đặc biệt là với các hợp tác xã nông nghiệp; số lượng và tỷ lệ các hợp tác xã tiếp cận và được thụ hưởng các chính sách chưa cao, trong khi nhu cầu hỗ trợ vẫn còn rất lớn. Cùng với đó, do phần lớn kinh phí được phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên đối tượng thụ hưởng chỉ tập trung ở khu cực nông nghiệp, nông thôn mà chưa bao quát hết toàn bộ Chương trình.
Theo Cục Phát triển Hợp tác xã, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về kinh tế tập thể và lợi ích của các tổ chức kinh tế tập thể trong nhân dân và cán bộ, thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể, các cơ quan có liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn mang tính chủ quan, định kiến. Bên cạnh đó, các chính sách quy định tại Quyết định số 2216/QĐ-TTg còn dàn trải và chưa tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn 2016-2020. Các văn bản hướng dẫn chưa thật chi tiết, gây lúng túng trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ.
“Với mong muốn làm sao có được chính sách hỗ trợ ưu đãi thực sự thiết thực, mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn tới, trong Dự thảo Luật Hợp tác xã năm 2012 sửa đổi sẽ dành một chương riêng về chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể hợp tác xã”, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Trưởng phòng Chính sách và Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Dự thảo Luật Hợp tác xã năm 2012 sửa đổi, dự kiến dành Chương XIII quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã. Cụ thể, Chương XIII sẽ bao gồm 11 điều, từ Điều 106 đến Điều 116; trong đó từ Điều 106 đến Điều 109 sẽ quy định chung về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; từ Điều 110 đến Điều 116 sẽ quy định các chính sách cụ thể dành cho khu vực hợp tác xã. “Các chính sách ngoài việc tuân theo quy luật của thị trường, công khai minh bạch, còn phải đảm bảo sự thống nhất khi hỗ trợ trong cùng một chương trình, phù hợp với trình độ phát triển cũng như nhu cầu của tổ chức kinh tế hợp tác và khả năng cân đối của Nhà nước. Tuy nhiên, các mức hỗ trợ sẽ không thấp hơn các mức hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hiện nay”, bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết.
Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã Phùng Quốc Chí: Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sẽ tập trung bản chất hợp tác xã. Không có chuyện lợi dụng để hưởng lợi từ chính sách phát triển hợp tác xã |
Liên quan đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Phùng Quốc Chí, Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, quan điểm trong Dự thảo Luật sửa đổi sắp tới là không cấm hợp tác xã kinh doanh, kể cả theo hướng doanh nghiệp, nhưng tất các các hoạt động mang tính chất doanh nghiệp thì sẽ được hưởng phần như doanh nghiệp. Còn các hoạt động mang đúng bản chất của hợp tác xã thì được hỗ trợ lớn hơn so với các doanh nghiệp. Ví dụ, nếu hợp tác xã kết nạp được nhiều thành viên, hoặc cung ứng dịch vụ cho các thành viên có thể sẽ được miễn thuế…
“Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sẽ tập trung vào bản chất hợp tác xã. Luật sẽ không cấm hợp tác xã hoạt động giống như doanh nghiệp, tức là hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng sẽ không có chuyện doanh nghiệp lợi dụng mô hình hợp tác xã để hưởng lợi từ chính sách phát triển hợp tác xã”, ông Phùng Quốc Chí nhấn mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Phùng Quốc Chí, dự thảo Luật Hợp tác xã năm 2012 sửa đổi sẽ khắc phục tất cả những yếu kém của giai đoạn trước, như: dàn trải, phân tán không đủ nguồn lực, hay lợi dụng chính sách để trục lợi… Theo đó, quy định mới sẽ tích hợp nhiều công cụ mới để kiểm soát các nguồn lực của Nhà nước ưu tiên cho lĩnh vực hợp tác xã phát triển, như: các tiêu chí phân loại, các hoạt động kiểm toán...
Chiến lược phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 có mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. |
Bình luận