Tháng 3/2022, Cục Phát triển Hợp tác xã - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Dự án phát triển HTX Việt Nam (VCED) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao nhận thức về vai trò, bản chất của mô hình HTX trong phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm tìm giải pháp để khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đóng góp hơn nữa vào nền kinh tế quốc dân.

Để KTTT, HTX đóng góp nhiều hơn cho Đất nước: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Toàn cảnh hội nghị

Là một thành phần kinh tế quan trọng của đất nước...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phát triển KTTT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán và xuyên suốt tại nhiều nghị quyết Đại hội Đảng. Đặc biệt, Ban Chấp hành trung ương khóa IX tại Hội nghị trung ương 5 đã ban hành lần đầu tiên Nghị quyết chuyên đề về KTTT (Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 18/3/2002). Theo đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX được xác định là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xã hội của nước ta.

“KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, khu vực KTTT, HTX đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân, từ đó góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và sự thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”, ông Phùng Quốc Chí nói.

Để KTTT, HTX đóng góp nhiều hơn cho Đất nước: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc hội nghị
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, 10 năm triển khai thi hành Luật HTX năm 2012, khu vực KTTT phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần phát kinh tế - xã hội đất nước.

Thực tế cho thấy, các HTX đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Cùng với những thành tựu chung về phát triển kinh tế xã hội, khu vực KTTT cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước.

Về kinh tế, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đóng góp của khu vực KTTT thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp trung bình của HTX vào GDP của cả nước trong 20 qua khoảng 4%.

Về chính trị - xã hội - văn hóa: khu vực KTTT hướng tới phát huy vai trò trong phát triển tinh thần hợp tác, gắn kết cộng đồng, từng bước hiện thực hóa các giá trị đạo đức cao đẹp theo các nguyên tắc của HTX. Thành viên HTX nâng cao trách nhiệm xã hội của công dân, cũng như cộng đồng, tạo điều kiện cho cộng đồng ngày càng ổn định và gắn kết với nhau hơn. Thông qua HTX, thành viên của cộng đồng có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xã.

... nhưng KTTT phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, Cục Phát triển Hợp tác xã cũng cho biết, khu vực KTTT, HTX vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Đóng góp trực tiếp của khu vực HTX trong GDP mới đạt khoảng 4%.

“Phần lớn các HTX còn có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, thiết bị, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, thông tin và xúc tiến thị trường yếu, khả năng hấp thụ vốn và khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư còn kém, hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa thực sự hấp dẫn thành viên, nhân dân, tổ chức”, Đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã đánh giá.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các HTX, giữa các HTX với doanh nghiệp, giữa HTX với thành viên và hộ nông dân còn chưa sâu. Mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn yếu, hiệu quả thấp. HTX chưa thực sự đồng hành cùng thành viên ở các khâu quan trọng, như: Lập kế hoạch sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Không ít HTX chưa được thành lập và hoạt động đúng bản chất HTX và theo Luật quy định như: không tổ chức đại hội thành viên, thành viên không góp vốn, thành viên không thực là thành viên mà chỉ có tên trong danh sách.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ước tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 27.300 hợp tác xã, hơn 100 liên hiệp hợp tác xã và khoảng 73.000 tổ hợp tác, trong đó có khoảng 18.200 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 66,5%) và hơn 9.000 hợp tác xã phi nông nghiệp.

Nhìn nhận những hạn chế tồn tại trong phát triển khu vực KTTT, HTX, đại diện Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, để đẩy mạnh phong trào HTX phát triển, nâng cao vai trò và đóng góp của HTX trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT. Theo đó, cần nhận thức rõ phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, có đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Hai là, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của các bộ ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX. Các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần xác định rõ vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KTTT, HTX, xem đây là nhiệm vụ quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Đưa nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX vào các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch của các bộ, ban ngành, địa phương; khuyến khích phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong HTX theo quy định.

Ba là, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích phát triển KTTT, các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên cơ sở nhu cầu và tự nguyện của thành viên tham gia. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật HTX theo hướng: mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh bảo đảm bao quát đầy đủ các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đang hoạt động ở nước ta hiện nay; giảm thiểu tối đa thủ tục thành lập, đăng ký; hoàn thiện các quy định về bản chất và nguyên tắc tổ chức, hoạt động…

Bốn là, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về KTTT. Nâng cao tính minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTT, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với KTTT trong phạm vi cả nước. Đổi mới quản lý nhà nước về KTTT theo hướng xây dựng bộ máy chuyên trách, tập trung, thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và bố trí nguồn lực tương xứng để phát triển KTTT.

Năm là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT. Giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng của KTTT, như: nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; giải quyết rõ ràng, minh bạch các quan hệ về tài sản của HTX cũ, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Củng cố và đổi mới các tổ chức kinh tế hợp tác hiện có đồng thời mở rộng và hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác mới.

Sáu là, xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên, HTX và cộng đồng.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, như: Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), các tổ chức đại diện HTX của các nước để học tập kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, thiết bị, máy móc, liên kết và mở rộng thị trường.

Tám là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội và trách nhiệm của Liên minh HTX các cấp trong phát triển KTTT, HTX./.